Tình trạng lở đất ở Ấn Độ tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu

Các nhà khoa học mới đây cho biết rằng những trận mưa lớn gây ra trận lở đất khiến hàng trăm người thiệt mạng ở miền nam Ấn Độ hồi tháng trước trở nên tồi tệ như vậy một phần do tác động của biến đổi khí hậu.

Nhóm các nhà khoa học của tổ chức World Weather Attribution phát hiện ra rằng lượng mưa 15 cm rơi trong 24 giờ từ ngày 29 đến 30 tháng 7 ở bang Kerala của Ấn Độ vừa rồi có cường độ mạnh hơn 10% do hiện tượng nóng lên toàn cầu, đồng thời cảnh báo lượng khí thải làm nóng Trái đất sẽ còn dẫn đến các trận mưa lớn ngày càng thường xuyên, hay thậm chí là thiên tai.

Một khu vực sạt lở đất ở bang Kerala, Ấn Độ vào ngày 31 tháng 7 năm 2024. Ảnh: AP

Gần 200 người thiệt mạng và lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm hơn 130 người mất tích ở bang Kerala, một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Ấn Độ.

“Các trận lở đất ở huyện Wayanad là một ví dụ thảm khốc khác về biến đổi khí hậu”, Mariam Zachariah, một nhà khoa học về khí hậu tại trường Đại học Hoàng Gia London và là một trong những tác giả của nghiên cứu trên cho biết.

Lượng mưa tháng trước lớn thứ ba ở bang Kerala kể từ năm 1901, khi cơ quan thời tiết Ấn Độ bắt đầu ghi chép.

“Hàng triệu người đang phải chịu đựng cái nóng như lửa đốt vào mùa hè. Trong khi đó, vào mùa mưa, những trận mưa lớn thì gây ra lũ lụt và lở đất, như chúng ta đã thấy ở huyện Wayanad”, Arpita Mondal, nhà khoa học về khí hậu tại Viện Công nghệ Ấn Độ Bombay và là một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Thi thể một nạn nhân được tìm thấy trong trận lở đất tại bang Kerala, Ấn Độ vào ngày 31 tháng 7 năm 2024. Ảnh: AP

Đầu năm nay, một nghiên cứu khác của nhóm đã phát hiện ra rằng các đợt nắng nóng mà đã khiến ít nhất 100 người thiệt mạng, được cho là có khả năng xảy ra cao hơn ít nhất 45 lần do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Quốc gia đông dân nhất thế giới này là một trong những đất nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất hiện nay và đồng thời cũng là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do tác động của biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu hôm thứ Ba vừa rồi cũng khuyến nghị giảm thiểu nạn phá rừng và khai thác đá, đồng thời cải thiện hệ thống cảnh báo và sơ tán sớm nhằm giúp bảo vệ người dân khỏi lở đất và lũ lụt. Các nhà khoa học cho biết độ che phủ rừng tại huyện Wayanad đã giảm tới 62% và điều đó có thể làm tăng nguy cơ lở đất khi mưa lớn.

Maja Vahlberg, cố vấn rủi ro tại Trung tâm Khí hậu Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Những trận mưa lớn hơn dự kiến ​​sẽ xảy ra khi khí hậu nóng lên, điều này nhấn mạnh tính cấp thiết của việc phải chuẩn bị sẵn sàng cho các trận lở đất tương tự ở miền bắc Kerala”.

Hà Trang (Theo AP)