Theo báo cáo công bố từ đầu tháng 8/2024, cuộc khủng hoảng khí hậu đã khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng tăng gấp ba lần, trong khi Canada phải hứng chịu khoảng 2 tỷ tấn CO2, chiếm tới một phần tư tổng lượng khí thải từ cháy rừng toàn cầu năm ngoái.
Canada trở thành “vựa tro” bởi cháy rừng
Nạn cháy rừng không chỉ cướp đi môi trường sống của con người, động vật hoang dã và gia súc, tàn phá cây cối và các cảnh quan khác mà còn gây ra ô nhiễm không khí ở diện rộng. Theo nhiều chuyên gia, những đám cháy này như đang “nuốt chửng” hành tinh, từ việc giải phóng lượng lớn khí nhà kính đến phá hủy các hệ sinh thái quan trọng.
Trong một báo cáo mới đây, các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về tình trạng cháy rừng ngày càng tăng trên khắp các lục địa. Ông Matthew Jones, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu Tyndall thuộc Đại học East Anglia đã cảnh báo rằng thiệt hại do cháy rừng sẽ tiếp tục gia tăng trừ khi thế giới thành công trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Ông cho rằng: “Chúng ta nên phòng bị trước khi phải hứng chịu hậu quả”, không chỉ vậy, ông Jones còn nhận định rằng: “Các vụ cháy rừng còn xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn trong tương lai khi trái đất tiếp tục bị tăng nhiệt độ và thế hệ tương lai sẽ phải hứng chịu hậu quả.”
Các vụ cháy rừng đang thiêu đốt hành tinh với tốc độ chóng mặt. Lượng khí thải CO2 khổng lồ từ các vụ cháy tương đương với việc đốt cháy hàng tỷ tấn than đá đang đẩy trái đất đến bờ vực của một cuộc khủng hoảng khí hậu chưa từng có. Mặc dù rừng đóng vai trò như một “bể chứa carbon” tự nhiên, nhưng sức chịu đựng của nó đang bị suy giảm nghiêm trọng trước sức tàn phá của lửa.
Hàng triệu ha rừng tương đương với diện tích của cả đất nước Cộng hòa Nicaragua đã biến thành tro bụi chỉ trong một năm. Dữ liệu này không chỉ là thông tin thống kê mà còn là minh chứng sống cho sự tàn phá khủng khiếp của nạn cháy rừng gây ra đối với đa dạng sinh học và khí hậu toàn cầu.
Việc mất đi rừng không chỉ đồng nghĩa với việc mất đi môi trường sống của hàng triệu loài sinh vật mà còn làm gia tăng lượng khí thải CO2, đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu.
Các vụ cháy rừng ở Canada, Brazil và nhiều khu vực khác đã gửi đi một tín hiệu cảnh báo rõ ràng rằng hành tinh của chúng ta đang ở bờ vực của một thảm họa sinh thái.
Sự gia tăng đáng báo động của các vụ cháy rừng đang làm thay đổi sâu sắc hệ sinh thái toàn cầu. Từ những khu rừng rộng lớn ở Canada đến những vùng đất ngập nước nhiệt đới ở Brazil, ngọn lửa đang gây tổn hại đến thực vật và cả những đa dạng sinh học.
Tốc độ cháy rừng ngày càng tăng đã vượt quá khả năng phục hồi của tự nhiên, biến nhiều khu rừng từ những “lá phổi xanh” thành những “vùng đất chết.” Ông Jones tiếp tục cho rằng: “ Hoạt động của con người đã làm thay đổi sâu sắc chu kỳ tự nhiên của các vụ cháy rừng. Việc chuyển đổi rừng thành đất nông nghiệp, kết hợp với biến đổi khí hậu, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đám cháy rừng bùng phát mạnh mẽ hơn và lan rộng nhanh hơn.”
Theo báo cáo mới nhất của Đại học East Anglia, sự chuyển đổi từ chu kỳ cháy rừng tự nhiên sang chu kỳ cháy nhân tạo đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đe dọa sự cân bằng sinh thái và khí hậu toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu cho biết, lượng khí thải carbon đang tăng cao và đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu trên trái đất. Điều này đồng nghĩa với việc thế giới đang đối mặt với một vòng luẩn quẩn: cháy rừng gây ra biến đổi khí hậu, và biến đổi khí hậu lại làm tăng nguy cơ cháy rừng.
Để ngăn chặn tình trạng này, các nhà khoa học nhấn mạnh tầm quan trọng cần có những hành động quyết liệt nhằm giảm thiểu khí thải nhà kính và bảo vệ rừng.