Gần đây, mưa bão liên tục trút xuống nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam; các chuyên gia nhận định đây là biểu hiện rõ nhất cho trạng thái ENSO khi hiện tượng El Nino chuyển sang La Nina.
Thời gian gần đây, mưa bão liên tục trút xuống nhiều nơi trên thế giới, trong đó có khu vực châu Á và Việt Nam.
Các chuyên gia khí tượng nhận định đây là biểu hiện rõ nhất cho trạng thái trung tính (ENSO) khi hiện tượng El Nino chuyển sang La Nina.
Trong khi El Nino là hiện tượng nóng lên bất thường của lớp nước biển bề mặt của khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8-12 tháng hoặc lâu hơn; thường xuất hiện 3-4 năm/lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn; trong khi La Nina là hiện tượng ngược với El Nino, lớp nước biển ở khu vực nói trên lạnh bất thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino.
Dự báo từ nay đến cuối năm nay, theo kịch bản La Nina được các chuyên gia khí tượng Việt Nam đưa ra, mưa, bão, lũ sẽ diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực, nhất là tại Trung Bộ. Đặc biệt, lượng mưa nhiều, mưa lớn hơn bình thường làm tăng nguy cơ lũ lụt và ngập lụt đô thị.
Bất thường trên phạm vi toàn cầu
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), hiện tượng El Nino đã suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính ENSO trong thời gian từ tháng 4-6/2024 với xác suất 75-80%. Sau đó, từ tháng 7-9/2024, hiện tượng La Nina sẽ xuất hiện với xác suất 55-65%.
La Nina xuất hiện đã gây thời tiết cực đoan trên toàn cầu. Nhiều khu vực đã xảy ra mưa lớn kéo dài kèm lũ lụt, sạt lở đất. Tại Philippines, Cục Quản lý thiên văn, địa vật lý và khí quyển của nước này nhận định, La Nina tại Philippines bắt đầu từ tháng 8/2024 và kéo dài đến quý 1/2025, làm gia tăng các cơn bão nhiệt đới kèm mưa lớn kéo dài. Ngay từ cuối tháng Bảy vừa qua, lượng mưa cao bất thường đã xuất hiện tại một số khu vực.
Trong khi đó, mưa lớn trút xuống miền Đông Afghanistan đợt giữa tháng Bảy vừa qua đã làm ít nhất 35 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, nhiều tài sản, hoa màu hư hỏng.
Còn tại Trung Quốc, Cơ quan Khí tượng quốc gia nước này tiếp tục duy trì cảnh báo đối với mưa lớn và nhiệt độ cao trên nhiều khu vực ở nước này, có nơi lượng mưa lên tới trên 200 mm.
Người dân Hàn Quốc cũng đang chịu những đợt mưa kỷ lục trong vòng 200 năm qua.
Giới chuyên gia khí tượng cho rằng, trong thời điểm La Nina, nhiều nơi sẽ phải chịu đựng những đợt mưa lớn và nhiệt độ giảm đột ngột dù đang trong mùa Hè.
Cũng theo Người phát ngôn Tổ chức Khí tượng thế giới, bà Clare Nullis, thời tiết cực đoan đang dần trở thành “bình thường” khi thiên tai ngày càng dày đặc. Mùa Hè 2023 và từ tháng 4-6/2024 xuất hiện những đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt đến từ hiện tượng El Nino và nay, với La Nina, người dân toàn cầu sẽ hứng chịu những đợt mưa lớn, bão nhiệt đới cũng như những thiên tai khác kèm theo.
Thiên tai diễn biến phức tạp
Tại Việt Nam, ngay từ cuối năm 2024, thời điểm cuối El Nino đang diễn ra, các chuyên gia khí tượng thủy văn đã cảnh báo, nước ta chuẩn bị bước vào trạng thái ENSO và tiếp đến là La Nina.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, các đợt La Nina điển hình xảy ra vào năm 1998-2000, 2007-2008, 2010-2011 và 2020-2022; trong đó, nhiều hiện tượng thời tiết bất thường đã xảy ra vào thời gian này.
Điển hình là đợt rét đậm, rét hại 38 ngày vào tháng 1-2/2008 đã làm 180.000ha lúa, gần 110.000 vật nuôi bị chết, thiệt hại ước tính 400 tỷ đồng. Thời kỳ La Nina 2020-2022 cũng ghi nhận nhiều thiệt hại; trong đó, năm 2020 cả nước có 16/22 loại hình thiên tai, với 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 265 trận dông, lốc, sét… làm 357 người chết và mất tích, tổng thiệt hại trên 39.960 tỷ đồng. Riêng thiên tai năm 2022 ở nước ta đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại kinh tế gần 19.500 tỷ đồng.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin cho biết kịch bản La Nina tác động đến nước ta từ tháng 9-11/2024, đúng vào thời kỳ mùa mưa bão ở Trung Bộ nên khả năng diễn biến mưa bão lũ sẽ phức tạp, có nguy cơ mưa nhiều và lớn hơn bình thường gây lũ lụt và ngập úng đô thị.
Lý giải nguyên nhân thời gian qua, dù nước ta mới bước vào giai đoạn trung tính là ENSO nhưng thời tiết đã có những diễn biến bất thường, ông Mai Văn Khiêm cho biết tháng 6-7 là mùa mưa chính ở Bắc Bộ. Lượng mưa trung bình trong 2 tháng này chiếm khoảng 30-35% tổng lượng mưa của năm.
Bên cạnh đó, khi chuyển từ El Nino sang ENSO và La Nina, hệ thống khí quyển thế giới có sự xáo trộn, trong đó có Việt Nam. Điều này dẫn đến những hiện tượng mưa lũ bất thường thời gian qua.
Cảnh báo tình hình thiên tai nguy hiểm trong những tháng cuối năm nay, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm nhận định từ nay đến hết tháng Chín tới là mùa mưa lũ chính ở Bắc Bộ nên các địa phương sẽ đối mặt với các đợt mưa lớn; nguy cơ đi kèm là lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.
Dự báo xa hơn trong khoảng từ nay đến cuối năm nay với kịch bản La Nina xuất hiện, phát triển và tác động đến nước ta đúng thời kỳ mùa mưa, bão ở Trung Bộ nên khả năng diễn biến bão, mưa, lũ sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là các nguy cơ lượng mưa nhiều, lớn hơn bình thường ở ven biển Trung Bộ, làm tăng nguy cơ lũ lụt, và ngập lụt đô thị. Với lượng mưa gia tăng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng, đặc biệt ở các vùng núi cao nơi có tính chất đất không ổn định.
La Nina có thể làm gia tăng tần suất, cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm. Từ nay đến hết năm nay trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 8-10 cơn bão/áp thấp nhiệt đới; trong đó có 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, nguy cơ tác động đến hoạt động tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản ven biển.
Bên cạnh đó, hiện tượng dông lốc ở đất liền và trên biển, mưa lớn cực đoan thời đoạn ngắn gây ngập úng đô thị sẽ xuất hiện nhiều hơn, gây ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.
Đưa ra cảnh báo tới các địa phương trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết: “Đối với các tỉnh vùng núi phía Bắc, chúng ta phải chủ động ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét. Chúng ta cần phải có những biện pháp, đặc biệt cần nâng cao công tác tuyên truyền, kỹ năng hướng dẫn cho người dân cũng như các cấp chính quyền cơ sở; chủ động rà soát những khu vực dân ở, có nguy cơ rủi ro cao cần tổ chức di dời, khơi thông luồng lạch bị ách tắc… Khi có tình huống thiên tai xảy ra, các chính quyền địa phương cần túc trực, tăng cường lực lượng hướng dẫn, theo dõi, giám sát.”
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hải, đối với các tỉnh miền Trung và các khu vực khác nói chung, cần chủ động rà soát ngay phương án ứng phó với bão, lũ lớn, đặc biệt sự vào cuộc của tất cả người dân và chính quyền cơ sở đóng vai trò then chốt, đảm bảo an toàn, hiệu quả trong phòng, chống thiên tai hiện nay.