Tỉnh Bắc Kạn hiện có 273 mỏ và điểm khoáng sản, điểm khoáng hoá thuộc 24 loại khoáng sản; trong đó quặng chì, kẽm có trữ lượng lớn nhất cả nước.
Khai thác khoáng sản trái phép có xu hướng tăng
Là huyện giàu tài nguyên khoáng sản, trong đó có nhiều loại và địa điểm chưa được khai thác, tuy nhiên việc quản lý nguồn tài nguyên này tại Ngân Sơn (Bắc Kạn) đang gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, giá nhiều loại khoáng sản tăng khiến một bộ phận người dân đi khai thác trái phép.
Theo số liệu từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngân Sơn, hiện trên địa bàn huyện có 9 doanh nghiệp được cấp phép khai thác và chế biến khoáng sản, trong đó 3 doanh nghiệp khai thác, 2 doanh nghiệp chế biến còn một số doanh nghiệp hiện đang triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Trọng Lăng – Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn – cho biết, huyện luôn chú trọng công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên. Tuy vậy, tình trạng khai thác lén lút vẫn xảy ra và để lại hệ lụy khó lường. Đơn cử, như ngày 30/6 vừa qua, tại thôn Liên Kết, xã Hiệp Lực xảy ra sập hang động tự nhiên, khiến 3 người bị thương vong nghi là khai thác vàng trái phép.
Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, huyện Ngân Sơn đã phát hiện 15 vụ việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Loại khoáng sản các đối tượng thường khai thác là: Đá trắng, vàng, tập trung tại các xã Hiệp Lực, Trung Hòa, Bằng Vân, Nà Phặc. “Việc khai thác trái phép nhỏ lẻ diễn ra trên nhiều địa bàn, địa hình rộng khiến công tác kiểm tra phát hiện, xử lý gặp khó khăn, số vụ có xu hướng tăng theo các năm” – ông Nguyễn Trọng Lăng cho hay.
Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, lãnh đạo huyện Ngân Sơn cho biết, đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn chủ động tham mưu, thực hiện các nội dung được chỉ đạo tại Văn bản số 4629/UBND-NNTNMT ngày 9/7/2024 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc tăng cường công tác quản lý về hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Tổ công tác liên ngành huyện thường xuyên kiểm tra, thăm nắm theo kế hoạch năm đã xây dựng; chủ động kiểm tra các khu vực khác trên địa bàn; theo chức năng nhiệm vụ phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm nếu có. Công an huyện, Công an các xã, thị trấn chủ động kiểm tra việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra các khu vực có nguy cơ xảy ra khai thác khoáng sản trái phép; kiểm tra việc tạm trú, tạm vắng, theo dõi các đối tượng lạ mặt đến địa bàn không rõ lý do mục đích; theo chức năng nhiệm vụ xử lý kịp thời khi có vi phạm xảy ra. Thường xuyên thực hiện việc tuần tra, kiểm tra và tuyên truyền đến bà con nhân dân không khai thác khoáng sản trái phép, nếu phát hiện hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép thì kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền…
“Nhằm quản lý tốt tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, thời gian tới Tổ công tác liên ngành, cơ quan chuyên môn, UBND xã, thị trấn của Ngân Sơn sẽ tiếp tục thiết lập và duy trì thông tin hai chiều giữa người dân trong các thôn, bản với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Từ đó kịp thời nắm bắt tình hình khai thác khoáng sản trái phép, chủ động ngăn chặn và có phương án giải tỏa ngay từ khi manh nha; xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, vận chuyển, sử dụng khoáng sản trái phép trên địa bàn” – ông Nguyễn Trọng Lăng khẳng định.
Khai thác tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường
Tương tự, tại huyện Chợ Đồn có 17 doanh nghiệp hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, như chì kẽm, sắt, cát sỏi, đá vôi… Hằng năm, UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quản lý chặt chẽ việc cho thuê, mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân nhằm ngăn chặn việc thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép. Chỉ đạo UBND các xã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Ông Triệu Huy Chung, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn – cho biết, công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản trái phép được thực hiện quyết liệt. Huyện đã thành lập tổ công tác liên ngành nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản trái phép và thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Bên cạnh đó, UBND huyện thường xuyên phối hợp với các sở, ngành kiểm tra các hoạt động liên quan đến khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản đối với các đơn vị hoạt động khoáng sản. Đồng thời, chỉ đạo Công an huyện, quản lý thị trường, Tổ công tác liên ngành huyện tổ chức tuần tra, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá và tiến hành cân tải trọng xe vận chuyển khoáng sản lưu thông trên địa bàn.
“Quá trình kiểm tra cho thấy, cơ bản các đơn vị thực hiện công tác vận chuyển đều chấp hành theo các quy định của pháp luật về khoáng sản, vận chuyển hàng hoá có giấy tờ, hoá đơn chứng từ đầy đủ. Tuy nhiên, còn có một số trường hợp cá biệt vận chuyển vượt quá tải trọng hay tại thời điểm kiểm tra không xuất trình được ngay hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hoá theo quy định mà phải chờ chủ hàng hoá mang giấy tờ đến để xuất trình. Các trường hợp vi phạm về vận chuyển vượt quá tải trọng đều bị xử lý theo quy định” – ông Triệu Huy Chung cho hay.
Lãnh đạo huyện Chợ Đồn cũng cho biết thêm, việc thực hiện việc lắp đặt trạm cân tại mỗi điểm mỏ khai thác là quy định bắt buộc và cơ bản đều được các đơn vị, doanh nghiệp chấp hành thực hiện đầy đủ trong quá trình hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, còn một số đơn vị đang trong quá trình thực hiện đầu tư chưa hoàn thiện các hạng mục trạm cân như: mới cấp phép, cấp phép lại đối với 2 mỏ cát sỏi và một số bàn cân bị hư hỏng cần phải sửa chữa như mỏ Nà Bốp, Pù Sáp.
Ngoài ra, việc chấp hành quy định của pháp luật về hoạt động quản lý, giám sát sản lượng cũng được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện. “Hằng năm, địa phương đều phối hợp các cơ quan chuyên ngành như Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn, qua đó hướng dẫn và chỉ ra một số tồn tại và hạn chế mà các đơn vị còn thiếu sót trong hoạt động khoáng sản và quản lý khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác. Đồng thời, huyện cũng phối hợp với các sở, ngành trong việc tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch giám sát đối với các đơn vị được chỉ định kiểm tra, giám sát” – ông Triệu Huy Chung nói.
Trước đó, tại Hội nghị Kết nối phát triển nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (ngày 2/8), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn – Đinh Quang Tuyên – cho biết, tỉnh Bắc Kạn hiện có 273 mỏ và điểm khoáng sản, điểm khoáng hoá thuộc 24 loại khoáng sản, trong đó tiềm năng về khoáng sản kim loại là khá triển vọng, đặc biệt là quặng chì, kẽm có trữ lượng lớn nhất cả nước. Các hoạt động khai khoáng khoáng sản chì, kẽm trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động địa phương và hằng năm nộp ngân sách hơn 140 tỷ đồng.
Ông Đinh Quang Tuyên khẳng định, Bắc Kạn đã, đang và sẽ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương về tài nguyên khoáng sản theo hướng khai thác khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường và gắn với chế biến sâu khoáng sản.