Hàng loạt tập đoàn lớn tuyên bố sẽ không thể đạt được các mục tiêu net zero đã cam kết trước đó.
Tháng 3 năm nay, tổ chức Sáng kiến Mục tiêu dựa trên khoa học (SBTi) đã thay đổi trạng thái của 239 công ty trên bảng điều khiển mà tổ chức này sử dụng để theo dõi các mục tiêu net zero của doanh nghiệp thành “cam kết bị loại bỏ”. Lý do là những doanh nghiệp này đã không đặt ra được các mục tiêu khí hậu đủ ý nghĩa dù đã cam kết từ nhiều năm trước. Sự việc này cho thấy những thách thức mà doanh nghiệp gặp phải trong việc xác định chiến lược để đạt được mục tiêu net zero đã đặt ra trước đó.
Microsoft, P&G, Unilever, Walmart (tổng cộng chiếm hơn 4.000 tỉ USD vốn hóa thị trường) cũng nằm trong danh sách “cam kết bị loại bỏ” của SBTi, một tổ chức được thành lập năm 2015 nhằm tạo độ đáng tin cậy cho các mục tiêu giảm khí thải dựa trên cơ sở khoa học mà các công ty tự nguyện đưa ra để phù hợp với mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris về việc hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,50C.
Nhiều công ty thừa nhận họ khó lòng đạt tiêu chuẩn của SBTi. Chẳng hạn, đầu năm nay Intel cho biết các tiêu chuẩn của SBTi không cho phép tập đoàn này tính vào lượng khí thải đã giảm được trong quá khứ nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp nằm ở việc giảm khí thải phạm vi 3 (lượng khí thải gián tiếp từ các khách hàng và chuỗi cung ứng của doanh nghiệp) để đạt các tiêu chuẩn của SBTi, theo khảo sát của SBTi thực hiện trên 971 doanh nghiệp (chiếm tổng cộng 21.000 tỉ USD vốn hóa thị trường) đã đưa ra các cam kết net zero trong giai đoạn 2019-2021. “Phân nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát trả lời rằng phạm vi 3 là thách thức quá lớn đối với họ trong việc tạo lập mục tiêu net zero”, khảo sát của SBTi kết luận.
Hàng loạt công ty lớn khác trong suốt năm qua cũng tuyên bố họ sẽ không thể đạt được các chỉ tiêu thải khí đã đặt ra từ nhiều năm trước như Bank of America, Shell… Một số lý do được hầu hết các doanh nghiệp đưa ra là thiếu sự hỗ trợ từ chính phủ, thiếu các quy định và tiêu chuẩn rõ ràng cũng như việc chậm ra mắt các công nghệ mới.
Việc không đạt được mục tiêu khí hậu khiến nhiều người sốt ruột, bởi các mục tiêu này vốn dĩ đã được thiết lập ở mức nền tương đối thấp. Trong một cuộc nghiên cứu chung năm nay, NewClimate Institute và Carbon Market Watch chỉ ra mục tiêu trung bình của 51 công ty lớn là cắt giảm 30% lượng khí thải đến năm 2030. Con số này là khá thấp so với nhu cầu bức thiết phải giảm lượng khí thải lên đến 43% vào cuối thập niên này – một mục tiêu mà Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho rằng cần phải đạt được để có thể giữ sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức tăng 1,5oC theo cam kết tại Thỏa thuận chung Paris năm 2015. Nhưng kể từ đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu và mức thải khí vẫn không ngừng tăng lên, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, khiến vấn đề giảm phát thải càng trở nên cấp thiết.
Theo đánh giá của Rachel Whittaker, đứng đầu mảng nghiên cứu đầu tư bền vững tại Robeco (Hà Lan), nhiều công ty đã đặt ra mục tiêu giảm khí thải mà không biết phải triển khai khối lượng công việc như thế nào mới có thể đạt được mục tiêu đó. “Mọi người đều bị cuốn vào làn sóng cuồng nhiệt mà thực tế triển khai thì không hề đơn giản”, bà nói.
Từ sau Thỏa thuận Paris năm 2015, liên tiếp các cam kết đầy tham vọng được đưa ra và phong trào “nhà nhà cam kết” đã lên đỉnh điểm trong suốt đại dịch COVID-19 và tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow. Hơn 10.000 doanh nghiệp trên toàn cầu cam kết cắt giảm khí thải nhằm hưởng ứng chiến dịch Race to Zero của Liên Hiệp Quốc. Nhưng sự kiện hàng trăm công ty bị SBTi loại khỏi quy trình xác thực vào tháng 3/2024 đã cho thấy giữa cam kết và thực tế là một khoảng cách rất lớn.
Trong một số ngành, công nghệ là rào cản khiến các doanh nghiệp chậm trễ hành động. Barend van Bergen, Giám đốc Bền vững tại Roche, cho biết các kỹ sư và các nhà cung cấp của Roche đang tìm cách khai phá tiềm năng của năng lượng sinh khối, khí sinh học và các dạng nhiên liệu khác nhưng việc sưởi ấm các tòa nhà và cấp điện cho các quy trình sản xuất một cách xanh, sạch cho đến nay vẫn còn là một thách thức đối tập đoàn Thụy Sĩ này.
Năng lượng sạch sẵn có cũng là một vấn đề khác. Cơ quan Năng lượng Quốc tế khuyến cáo việc triển khai năng lượng tái tạo trên toàn cầu đang gặp rào cản do bất ổn chính trị, thách thức trong đầu tư cơ sở hạ tầng lưới điện và vướng mắc ở khâu giấy phép. Kimberly-Clark (Mỹ) cho biết nút thắt lưới điện từ nhiều năm nay đang làm chậm quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của tập đoàn này. Điều đó khiến cho mục tiêu đạt tới sử dụng 100% điện tái tạo tại các nhà máy sản xuất ở Anh của Kimberly-Clark vào năm 2030 trở nên khó khả thi.
Những thách thức này đang góp phần khiến doanh nghiệp lỗi hẹn với các mục tiêu xanh đặt ra. Kết quả là doanh nghiệp cũng e dè hơn với việc xây dựng cơ cấu nợ dựa trên các mục tiêu khí hậu, có thể thấy qua việc phát hành trái phiếu gắn với bền vững (loại trái phiếu mà chi phí vay mượn của doanh nghiệp sẽ được ràng buộc vào việc họ có đạt được các cam kết khí hậu hay không). Quý I/2024, phát hành toàn cầu loại trái phiếu này đã giảm còn chỉ 9,2 tỉ USD so với mức đỉnh gần 100 tỉ USD của quý I/2021, theo phân tích của Barclays.Trong khi một số công ty đang có dấu hiệu đi chậm lại thì những công ty khác vẫn đang nỗ lực đạt đến các mục tiêu net zero. Dữ liệu mới từ Energy & Climate Intelligence Unit (Anh) cho thấy hơn 2/3 doanh thu hằng năm (31.000 tỉ USD) của các công ty lớn nhất thế giới hiện đang gắn liền với net zero, tăng 45% so với cách đây 2 năm.
Dù có theo đuổi ráo riết các mục tiêu khí hậu hay không thì doanh nghiệp cũng đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ phía nhà đầu tư. Các nhà đầu tư lớn tin rằng biến đổi khí hậu đang tạo ra những rủi ro dài hạn đối với mức sinh lời của doanh nghiệp và do đó, họ ngày càng yêu cầu doanh nghiệp phải cấp đủ bằng chứng về hành động thực tiễn, chứ không chỉ là các mục tiêu tham vọng đặt ra.
Trong nhiều năm qua, những nhóm nhà đầu tư như Climate Action 100+ (gồm 700 nhà đầu tư lớn) đã thúc giục các doanh nghiệp phải đặt ra mục tiêu net zero và vạch rõ các rủi ro khí hậu. Từ năm ngoái họ đã bắt đầu quan tâm sát sao đến việc doanh nghiệp triển khai các kế hoạch chống rủi ro khí hậu như thế nào.