Doanh nghiệp “ôm” đất, dân sống cạnh rừng nhưng không có rừng canh tác

Nhiều hecta đất rừng tại tỉnh Cao Bằng được giao cho doanh nghiệp nhưng không phát huy hiệu quả, trong khi người dân thiếu đất trồng rừng.

Hàng nghìn ha đất rừng được giao

Tính đến 15.6, toàn tỉnh Cao Bằng trồng được 1.255 ha rừng, tổng khối lượng gỗ khai thác đạt 9.216m3 những con số này được đánh giá là tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Hàng chục nghìn ha đất rừng tại Cao Bằng được doanh nghiệp thuê nhưng không mang lại hiệu quả. Ảnh: Tân Văn.

Tuy nhiên, tại Cao Bằng đang tồn tại một thực tế gây nên nhiều khó hiểu, thậm chí phản đối từ người dân. Theo đó, những năm 2010, hàng chục nghìn hecta đất lâm nghiệp (đất rừng) đã được UBND tỉnh Cao Bằng giao cho các doanh nghiệp quản lý, bảo vệ và thực hiện trồng rừng sản xuất phát triển kinh tế.

Qua thời gian dài, phần lớn các diện tích doanh nghiệp thuê đều không phát huy hiệu quả trong khi nhiều hộ dân thiếu đất trồng rừng.

Hàng nghìn ha đất rừng tại Cao Bằng được các doanh nghiệp thuê lại. Ảnh: Tân Văn.

Thực tế từ năm 2010 đến nay, Cao Bằng đã giao trên 20.000 ha cho một số đơn vị, doanh nghiệp. Sau khi nhận bàn giao đất, hầu hết doanh nghiệp với nhiều lý do từ vướng mắc thủ tục, chồng chéo các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ranh giới phân định chưa rõ, thiếu nguồn lực đầu tư, một số thay đổi về quy định cải tạo rừng nghèo kiệt… đã không thể triển khai trồng rừng theo đúng kế hoạch.

Theo tìm hiểu, một đơn vị mang tên Công ty TNHH Phát triển kỹ nghệ thương mại (trụ sở tại Hà Nội) đang xin chấm dứt dự án quy mô hơn 2.000 ha tại huyện Hạ Lang (trên địa bàn 3 xã Đồng Loan, Thắng Lợi, Minh Long) sau khi nhận đất nhiều năm nhưng không trồng rừng được như kế hoạch.

Anh Nông Văn Tài (xã Thắng Lợi, huyện Hạ Lang) cho biết, nhiều người dân trong xã muốn được trồng rừng và khai thác từ rừng, nhưng đất đã được doanh nghiệp thuê từ lâu. “Họ trồng rất ít cây, còn đâu để không, thà rằng đất đó để cho người dân thuê lại chủ động chăm sóc còn có kinh tế hơn” – anh Tài nói.

Ngày 16.7, trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Huân – Chủ tịch UBND xã Thắng Lợi cho hay: “Phía Công ty TNHH Phát triển kỹ nghệ thương mại đang được UBND tỉnh tạo điều kiện cho khai thác số gỗ đã trồng từ trước rồi sau đó thực hiện các bước bàn giao đất về địa phương”.

Thời gian dài hoạt động không hiệu quả

Đất rừng còn được giao cho Công ty TNHH Quang Minh với diện tích 3.300 ha nhưng đến nay đơn vị này cũng không phát huy được hiệu quả trên diện tích đất rừng được giao.

Riêng công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng (VINAFOR) được UBND tỉnh Cao Bằng giao khoảng 18.700 ha nhưng những năm qua mới trồng được vỏn vẹn 630 ha.

Quy trình để trả lại những diện tích đất này cũng nan giải khi ranh giới các ô, khoảnh rừng không rõ ràng. Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng chia sẻ với PV, hiện tại theo quy định mới của Chính phủ, đơn vị chịu trách nhiệm rà soát và đề xuất phương án xử lý các diện tích này sẽ với UBND tỉnh là Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Cao Bằng.

“Người dân cũng nhiều lần gửi ý kiến khi các doanh nghiệp nhận đất nhưng không trồng rừng như kế hoạch nên cũng mong tỉnh sẽ lấy lại đất để người dân tự sản xuất sẽ hiệu quả hơn” – đại diện Sở NNPTNT tỉnh Cao Bằng nói.

Những người dân sống bên rừng nhưng lại không thể làm kinh tế rừng. Ảnh: Tân Văn.

Theo tìm hiểu, ngày 20.6 vừa qua, Công ty TNHH Phát triển kỹ nghệ thương mại tiếp tục có công văn về việc gia hạn thời gian hoàn trả đất; UBND tỉnh Cao Bằng đang chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thủ tục thu hồi đất giao cho chính quyền địa phương quản lý theo quy định, hoàn thành trong tháng 7.2024.

Theo đó, chủ trương chung của Cao Bằng là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư dự án trên cơ sở khả năng và nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, với những diện tích này người dân mong mỏi sự giám sát chặt chẽ của chính quyền và ngành chức năng địa phương, tránh tình trạng doanh nghiệp giữ đất trong thời gian dài rồi để không trong khi người dân đang thiếu đất trồng rừng.