Hơn 5.000ha rừng tự nhiên tại xã Cư San, huyện M’đrắk bị biến động, suy giảm sang rừng trồng, đất sản xuất nông nghiệp… Xã này thừa nhận nhiều nguyên nhân chủ quan khiến diện tích rừng tự nhiên bị “xà xẻo” hằng năm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đang thanh tra tại huyện M’đrắk liên quan đến việc hơn 7.000ha rừng tự nhiên bị suy giảm. Trong đó, riêng xã Cư San bị suy giảm tới hơn 5.000ha rừng tự nhiên.
Theo báo cáo của UBND xã Cư San, toàn bộ diện tích rừng bị suy giảm nêu trên, hiện đang sử dụng vào mục đích: Rừng trồng, đất sản xuất nông nghiệp, đất ao hồ, công trình công cộng, mặt nước chuyên dùng…
Cụ thể, diện tích rừng tự nhiên bị biến động thành rừng trồng (hơn 4.608ha); biến động thành đất mặt nước 223,75ha (lòng hồ Krông Pách Thượng); biến động thành đất giao thông, sông suối, công trình công cộng 44,97ha.
Lý giải nguyên nhân khiến diện tích rừng tự nhiên bị biến động hàng năm, theo UBND xã Cư San, do người dân phá, lấn chiếm để lấy đất làm nông nghiệp, mục đích là để trồng keo và hoa màu.
Trong đó, nguyên nhân chủ quan do áp lực về diện tích đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ phía Bắc, đặc biệt là đồng bào dân tộc H’Mông, Dao. Nạn phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép vẫn diễn ra trên địa bàn với những thủ đoạn ngày một tinh vi hơn, nấp dưới nhiều hình thức.
Trách nhiệm quản lý của UBND xã là đơn vị được giao trực tiếp quản lý rừng chưa làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, không đủ lực lượng, phương tiện để tự bảo vệ rừng trên lâm phần được giao, còn thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý, còn để xảy ra tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác, vận chuyển lâm sản.
UBND xã và lực lượng kiểm lâm địa bàn có chức năng được giao trách nhiệm làm công tác quản lý bảo vệ rừng, kiểm tra xử lý vi phạm. Tuy nhiên, lực lượng này quá mỏng nhưng nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng được giao rất nặng nề và khó khăn phức tạp, nên chưa phát huy hết trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Việc trao đổi thông tin giữa lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự chưa được kịp thời nên hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn vi phạm lâm luật chưa đạt kết quả như mong muốn. UBND xã chưa đề ra được các biện pháp, giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng cháy rừng, chặt phá, lấn chiếm đất rừng.
Nguyên nhân khách quan xuất phát từ việc: Địa bàn rộng, địa hình phức tạp, tiếp giáp với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, có nhiều đường kết nối dẫn đến người dân địa phương khác phá rừng, xâm canh đất rừng; đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ rừng quá mỏng, năng lực, trình độ và nhận thức còn có mặt hạn chế.
Đặc biệt công chức kiểm lâm được phân công phụ trách địa bàn liên tục bị thay đổi nên việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, điều hành về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa thường xuyên, đầy đủ, kịp thời.
Dân số của xã đông, tốc độ tăng dân số nhanh cả về sinh học lẫn cơ học và chủ yếu là người dân tộc thiểu số phía bắc di cư vào điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, tập quán sinh hoạt và sản xuất còn nhiều lạc hậu, nhiều hộ gia đình vẫn chủ yếu dựa nhiều vào rừng, việc chặt phá rừng lấy đất sản xuất, lấy gỗ làm nhà đã diễn ra từ nhiều đời nay.
Kinh tế – xã hội phát triển, nhiều người dân có nhu cầu sử dụng gỗ rừng trong việc xây dựng nhà cửa và trang trí nội thất, vì vậy gỗ rừng ngày càng có giá trị, dẫn đến các đối tượng đầu nậu, buôn gỗ bất chấp quy định cấm của pháp luật tìm mọi thủ đoạn tinh vi để buôn bán, vận chuyển gỗ trái phép; trong những năm gần đây, giá trị kinh tế của cây keo và cây mỳ cao nên nhiều người dân lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác.
Chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa được quan tâm đúng mức; kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế. Thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật lâm nghiệp của UBND xã cũng như cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều bất cập, hạn chế, không đủ mạnh để răn đe…
Ngày 28/6, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố quyết định về việc thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng của huyện M’đrắk trong việc để hơn 7.000ha diện tích rừng tự nhiên suy giảm.
Việc thanh tra nhằm làm rõ các nội dung sai phạm có quy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; kiến nghị các biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Để thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị liên quan cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định.