Gần 1.800 ha đất rừng ở Quảng Trị bị lấn chiếm, chưa rõ chủ sở hữu

Chỉ mới rà soát 5 đơn vị là các khu bảo tồn, ban quản lý rừng phòng hộ, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã phát hiện hơn 5.300ha đất rừng bị xâm lấn. Trong đó, có gần 1.800ha chưa xác định được chủ sở hữu, chưa biết phải xử lý như thế nào.

Hơn 5.300ha đất rừng bị xâm lấn

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đã tiến hành rà soát kỹ tại 5 đơn vị, gồm Ban quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông, BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải, BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn. Qua đó, đã phát hiện ở 5 đơn vị trên có 5.314,39ha đất rừng bị xâm lấn.

Diện tích đất rừng bị lấn chiếm thuộc quản lý của BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông. Ảnh: Hưng Thơ

Hiện trạng xâm lấn chủ yếu là rừng trồng, nương rẫy, sản xuất nông nghiệp, lúa nước, vườn nhà của người dân. Trong đó, đơn vị bị lấn chiếm lớn nhất, là BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông với 2.775,40ha, tiếp đó là BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông với 2.131,61ha…

Theo BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, từ năm 2019, nhận thấy biến động về hiện trạng rừng, nên đơn vị này đã thành lập tổ đi thực địa để kiểm tra.

Đơn vị này quản lý gần 43.000ha rừng và đất rừng đặc dụng, gồm BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Khu bảo vệ cảnh quan đường Hồ Chí Minh (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), nên mất 2 tháng mới có kết quả sơ bộ. Sau khi báo cáo lên cấp trên và rà soát lại cụ thể, con số diện tích đất rừng đặc dụng bị xâm canh, xâm lấn ở khu bảo tồn này lên đến 2.131,61ha.

Ông Trương Quang Trung – Giám đốc BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông – cho biết, việc có nhiều diện tích đất bị xâm lấn, là do lịch sử để lại. Trong đó, có nguyên nhân thời điểm cấp sổ đỏ cho khu bảo tồn không kiểm tra rõ thực địa, nên không ít diện tích đất người dân đã canh tác, làm nương rẫy không được bóc tách. Bên cạnh đó, do diện tích lớn, nên việc quản lý không bao quát hết được, người dân thiếu đất nên xâm lấn vào đất rừng.

Tương tự, ông Nguyễn Công Tuấn – Giám đốc BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông thông tin, vào năm 2013, đơn vị được cấp sổ đỏ. “Diện tích rộng, thời gian ngắn, chưa có các thiết bị chuyên dụng, nên cơ quan chức năng chưa đi hết thực địa trước khi cấp sổ đỏ, vì vậy nhiều diện tích đất là nương rẫy của người dân ở cạnh rừng phòng hộ cũng được cấp chồng lên. Ngoài ra, quá trình quản lý cũng chưa được tốt, nên một số diện tích bị người dân xâm lấn” – ông Nguyễn Công Tuấn cho hay.

Cán bộ BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông giải thích với người dân về tình trạng lấn chiếm đất rừng là trái quy định của pháp luật. Ảnh: Hưng Thơ

Gần 1.800ha đất rừng chưa rõ chủ sở hữu, khó xử lý

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, đơn vị này đã phối hợp với các BQL rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nói trên và đã hoàn thiện phương án xử lý tình trạng xâm lấn 5.314,39ha đất rừng.

Theo đó, sẽ thu hồi tổng cộng 1.696,87ha, giải pháp chính được đưa ra, là người dân tự nguyện trả lại đất, người dân thỏa thuận trả lại đất có điều kiện (được hợp đồng bảo vệ rừng, cấp đất nơi khác để sản xuất…), ký cam kết trả lại đất sau khi khai thác tài sản trên đất hoặc cưỡng chế, khởi kiện. Ngoài thu hồi, sẽ bàn giao 1.692,72ha cho địa phương rồi địa phương giao lại cho người dân canh tác.

Bên cạnh đó, sẽ liên doanh, liên kết, giao khoán trồng rừng 120,12ha cho người dân trồng rừng theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP ngày 27.12.2016, hoặc xây dựng phương án liên doanh, liên kết trồng rừng sản xuất với người dân theo quy định. Các phương án nói trên sẽ được thực hiện từ 1 đến 4 năm, dựa vào thời điểm khai thác rừng.

Tuy nhiên, còn 1.804,68ha đất rừng chưa thể đưa ra được giải pháp cụ thể, trong đó có 1.728,05ha chưa xác định chủ sử dụng. Để xử lý diện tích này, trước mắt chỉ có thể khoanh vùng, bảo vệ nguyên hiện trạng, tiến hành quy chủ để xử lý.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị, trên cơ sở đề xuất phương án xử lý đối với diện tích đất rừng bị xâm lấn trái phép, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị sẽ xem xét, tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị có phương án hợp lý để xử lý dứt điểm.