Gỡ bỏ bẫy dây ở các khu bảo tồn?

Việc đặt bẫy đang gây ra sự suy giảm đa dạng sinh học trên khắp các khu bảo tồn nhiệt đới, dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài và gây nguy hiểm cho sức khỏe của hệ sinh thái rừng ở Đông Nam Á.

Hình ảnh những con vật quằn quại trong đau đớn khi bị mắc bẫy, dù đã được nhìn thấy không biết bao nhiêu lần, vẫn không thôi khiến những người làm công tác bảo vệ rừng xót xa và ám ảnh mỗi lần bắt gặp. “Khi mắc bẫy, động vật phải chịu đau đớn vài ngày hoặc hàng tuần trước khi chết bởi các vết thương, và, rất hiếm khi, nếu chúng có thể thoát khỏi bẫy thì chúng cũng chết bởi các vết thương hoặc do nhiễm trùng”, theo chia sẻ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) năm 2020.

Báo cáo “Sự im lặng của những chiếc bẫy dây: Khủng hoảng đặt bẫy dây ở Đông Nam Á” vào năm 2020, ước tính có khoảng 12,3 triệu bẫy dây đang đe dọa các loài động vật hoang dã trong các khu bảo tồn ở Campuchia, Lào và Việt Nam – những quốc gia có nạn đặt bẫy nghiêm trọng nhất trong khu vực.

Một con vật bị mắc vào bẫy dây. Ảnh: WWF

Những chiếc bẫy thô sơ này, thường được làm từ dây phanh xe đạp hay dây cáp, làm tăng tần suất tiếp xúc giữa người và các loài hoang dã, do đó tăng nguy cơ lan truyền các bệnh truyền nhiễm bắt nguồn từ động vật sang người. Các nhà nghiên cứu cũng đã xác định rất nhiều loài mục tiêu của hoạt động đặt bẫy, như lợn rừng, cầy, và tê tê, thuộc nhóm các loài có nguy cơ cao mang các bệnh truyền nhiễm. Và điều đáng lo ngại là, việc đặt bẫy như vậy làm suy giảm quần thể động vật hoang dã và đẩy nhiều loài động vật có vú lớn hơn đến tình trạng tuyệt chủng cục bộ hoặc thậm chí toàn cầu.

Nỗ lực loại bỏ

Một trong những nguyên nhân chính khiến động vật hoang dã suy giảm ở các khu rừng nhiệt đới là việc sử dụng bẫy dây. Bẫy là phương pháp rẻ tiền, dễ đặt với số lượng lớn và có hiệu quả cao trong việc bắt các loài động vật có xương sống trên cạn. Chúng không có tính chọn lọc, bởi vì mọi động vật sống trên mặt đất đều có thể bước vào bẫy dây và bị bắt, cho dù những bẫy này có nhắm mục tiêu vào chúng hay không. Chưa kể đến, bẫy dây có thể vẫn hoạt động trong nhiều tháng.

Một cuộc điều tra khoa học gần đây cho thấy việc đặt bẫy là mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng hơn đối với các cộng đồng động vật hoang dã ở Đông Nam Á so với tình trạng suy thoái rừng ở một số khu vực, và có thể làm mất đi các loài động vật hoang dã trong rừng. Ở dãy Trường Sơn – dãy núi nằm giữa biên giới Việt Nam và Lào, việc đặt bẫy đã đẩy nhiều loài đặc hữu sống trên mặt đất đến bờ vực tuyệt chủng. Trong đó, Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Mang gạc lớn (Muntiacus vuquangensis), Thỏ vằn Trường Sơn (Nesolagus timminsi) và Cheo cheo lưng bạc (Tragulus versicolor) đều bị đe dọa nghiêm trọng do hoạt động đặt bẫy quy mô công nghiệp trên toàn khu vực.

Bẫy dây bị phá hủy được thu thập tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sao la, Thừa Thiên Huế. Ảnh: WWF

Thực trạng trên cũng chính là lý do từ năm 2011 đến năm 2021, WWF-Việt Nam và chính quyền địa phương đã nỗ lực loại bỏ gần 120.000 bẫy tại các Khu bảo tồn thiên nhiên Sao la Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Những khu bảo tồn này là nơi sinh sống của một số loài đặc hữu, quý hiếm và bị đe dọa, bao gồm Thỏ vằn Trường Sơn (Nesolagus timminsi) và Trĩ Sao (Rheinardia ocellata).

Thực tế, việc loại bỏ bẫy như vậy không đơn giản vì quá trình này đòi hỏi rất nhiều công sức và tốn kém về mặt chi phí. Các kiểm lâm viên cần phải đi bộ đến những khu vực rộng lớn có địa hình gồ ghề và khó tiếp cận. Dù vậy, việc gỡ bỏ bẫy vẫn là một chiến lược thường được áp dụng vì nó đơn giản và không gây tranh cãi so với các giải pháp khác như bắt giữ và truy tố người đặt bẫy. Song, cho đến nay, có rất ít nghiên cứu đánh giá tác động của việc dỡ bỏ bẫy đối với mức độ đặt bẫy trong thời gian dài.

Để ước tính được hiệu quả của giải pháp này, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đến từ Viện Nghiên cứu Động vật hoang dã và Vườn thú Leibniz (Leibniz-IZW, Đức), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và WWF châu Á Thái Bình Dương cũng như các trường Đại học Exeter (Anh) và Đại học Montpellier (Pháp) đã phân tích dữ liệu tuần tra trong 11 năm và kết luận rằng việc tích cực loại bỏ bẫy đã giảm đáng kể mối đe dọa này.

Cụ thể: dữ liệu từ các cuộc tuần tra của kiểm lâm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sao la Thừa Thiên Huế và Quảng Nam trong 11 năm cho thấy các nỗ lực loại bỏ bẫy dây tốn nhiều công sức và tốn kém nhưng đã giúp giảm gần 40% số lượng bẫy, và do đó làm giảm các mối đe dọa sắp xảy ra đối với động vật hoang dã. Hiệu ứng này rõ rệt hơn ở những địa điểm dễ tiếp cận, có thể là do hoạt động tuần tra diễn ra thường xuyên hơn ở những khu vực này. Song, việc giảm thêm rất khó đạt được mặc dù đã tiếp tục các nỗ lực loại bỏ.

“Điều chúng tôi cũng nhận thấy là sau khi tuần tra, khu vực đó sẽ ít có khả năng có thêm nhiều bẫy hơn”, Jürgen Niedballa – nhà khoa học dữ liệu từ Leibniz-IZW – chia sẻ trong thông cáo báo chí. “Việc tuần tra có tác dụng ngăn chặn nạn đặt bẫy trong tương lai và do đó là một biện pháp quan trọng để chống lại cuộc khủng hoảng đặt bẫy ở Đông Nam Á”.

Mặt khác, mức độ đặt bẫy vẫn tương đối cao ở những vùng xa hơn trong rừng. “Việc phân tích không gian của dữ liệu tuần tra có tầm quan trọng lớn đối với việc quản lý hằng ngày của chúng tôi”, ông Lương Viết Hùng – Giám đốc dự án của WWF-Việt Nam cho biết thêm. “Các bản đồ thể hiện sự phân bổ bẫy trong các khu vực được bảo vệ giúp chúng tôi hướng các hoạt động tuần tra của mình tới những khu vực cần được chú ý nhất trong khu bảo tồn.”

Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng mức độ bẫy giảm chủ yếu đạt được trong vòng sáu năm đầu tiên tuần tra. Sau đó, dù đã nỗ lực không ngừng nhưng sự hiện diện của bẫy vẫn không suy suyển.

Do đó, trong kết quả nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Conservation Letters, các nhà khoa học kết luận rằng việc loại bỏ bẫy là cần thiết nhưng tự nó không đủ để cứu sự đa dạng của các loài động vật hoang dã vốn đang bị đe dọa trong các khu rừng nhiệt đới.

“Kết quả của chúng tôi cho thấy chỉ việc loại bỏ bẫy không thôi thì không thể bảo vệ động vật hoang dã ở các khu bảo tồn ở Đông Nam Á”, Andrew Tilker – nhà khoa học tại Leibniz-IZW và Điều phối viên Bảo tồn Loài tại Re:wild – cho biết. “Điều này đặc biệt đúng đối với các loài quý hiếm hoặc nhạy cảm với bẫy, nhiều loài trong số đó hiện đang trên bờ vực tuyệt chủng ở Việt Nam”.

Cần có giải pháp đa diện và dài hạn

Các phát hiện cho thấy điều quan trọng là phải xem việc loại bỏ bẫy như một phần của các biện pháp bảo tồn đa diện và rộng hơn nhằm giải quyết các vấn đề ngầm ẩn bên dưới, các tác giả kết luận trong bài báo. Ông Nguyễn Văn Trí Tín – Trưởng nhóm Thực hành Động vật hoang dã của WWF-Việt Nam cho biết: “Chỉ dựa vào việc loại bỏ bẫy sẽ không đủ để giải quyết mối đe dọa trên quy mô lớn”.

“Với việc phối hợp với các đối tác bảo tồn khác, chúng tôi hiện đang tham gia vào các sáng kiến ​​bảo tồn đa ngành lớn hơn như hợp tác xuyên biên giới trong việc giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp; cải thiện sinh kế, nâng cao nhận thức và các chương trình thay đổi hành vi để bổ sung cho việc loại bỏ bẫy nhằm ngăn chặn ngay từ đầu việc đặt bẫy. Với những nỗ lực bổ sung này, chúng ta có thể giải quyết nguyên nhân cốt lõi của vấn đề và đưa các khu rừng ở dãy Trường Sơn ở Việt Nam trở lại là nơi an toàn cho động vật hoang dã.”

Một trong những sáng kiến như vậy là dự án CarBi II, được WWF-Việt Nam và Lào thực hiện trong thời gian năm năm (2019–2024) thông qua Ngân hàng Phát triển Đức (KfW) và một phần của Sáng kiến ​​Khí hậu Quốc tế (IKI). CarBi II được thiết lập nhằm góp phần bảo vệ, phục hồi và sử dụng bền vững các hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học tại Cảnh quan Trung Trường Sơn.

Một trong những cách tiếp cận của dự án là thành lập một số quỹ phát triển làng xã, tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương có cơ chế vay vốn để tạo thêm thu nhập từ sinh kế thay thế và giảm động cơ khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên. Các nhóm bảo tồn cấp cộng đồng cũng sẽ được hỗ trợ để đóng vai trò tích cực hơn trong việc nâng cao nhận thức và kích thích một số thay đổi tích cực trong thái độ và hành vi đối với nạn săn trộm động vật hoang dã.

Các tác giả kết luận, mặc dù động vật hoang dã ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với mối đe dọa chưa từng có từ bẫy, nhưng vẫn có hy vọng rằng, khi việc loại bỏ bẫy được kết hợp với các phương pháp tiếp cận toàn diện hơn, mối đe dọa này có thể được giải quyết ở quy mô cần thiết để phục hồi động vật hoang dã trên quy mô lớn.