Quy định chống mất rừng của EU: Thách thức lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng gỗ

Nhiều quy định mới bắt buộc của Liên minh châu Âu (EU) về chống mất rừng, thúc đẩy phát triển sản xuất và bền vững đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh các mặt hàng gỗ xuất khẩu của tỉnh.

Ngày 23.6.2023, EU đã ban hành quy định chống mất rừng (EUDR) nhằm ngăn không cho các dòng gỗ và sản phẩm gỗ không được kiểm soát hoặc bất hợp pháp thâm nhập vào thị trường châu Âu.

Theo đó, từ ngày 30.12.2024, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có sản phẩm gỗ xuất khẩu đến thị trường EU, sẽ không được chấp nhận nếu không chứng minh được sản phẩm không liên quan đến phá rừng. Hàng trước khi được xuất sang thị trường các nước châu Âu sẽ được EU thẩm định kỹ là có liên quan đến nạn phá rừng hoặc những hoạt động làm suy thoái rừng hay không.

Quy định chống mất rừng của EU là thách thức lớn đối với các DN sản xuất mặt hàng gỗ xuất khẩu. Trong ảnh: Công ty TNHH Hoàng Hưng (Khu công nghiệp Phú Tài, TP Quy Nhơn) sản xuất các mặt hàng gỗ xuất khẩu. Ảnh: T.SỸ

Đối với việc truy xuất nguồn gốc gỗ nguyên liệu, EU yêu cầu về vị trí địa lý. Gỗ nguyên liệu phải có định vị khu vực khai thác và EU sẽ thẩm định vùng khai thác gỗ nguyên liệu đã có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) chưa, hay đó là vùng vi phạm phá rừng, làm suy thoái rừng. Trường hợp gỗ nguyên liệu được khai thác trong diện tích dưới 4 ha thì truy xuất điểm, còn trên 4 ha là truy xuất vùng. Việc thẩm định sẽ diễn ra trước khi DN đặt hàng hoặc trước khi hàng xuất đi và DN phải gửi các thông tin liên quan sau thẩm định cho các cơ quan có thẩm quyền của EU…

Châu Âu là thị trường xuất khẩu chính của 354 DN sản xuất kinh doanh các mặt hàng gỗ trên địa bàn tỉnh, vì thế, quy định EUDR của EU tác động nhiều mặt đối với các DN. Thực hiện tốt quy định EUDR sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, sản phẩm gỗ vào thị trường châu Âu tăng cao, tăng doanh thu. Ngược lại, DN sẽ không thể xuất bán sản phẩm sang thị trường quan trọng này, đồng nghĩa với việc tự loại mình ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, thiệt hại là rất lớn.

Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Ðịnh (FPA Bình Ðịnh), quy định EUDR của EU là rào cản và thách thức lớn đối với DN xuất khẩu các sản phẩm gỗ. Đến nay, khung kế hoạch hành động thích ứng quy định EUDR do Bộ NN&PTNT chủ trì thực hiện cũng mới chỉ dừng lại ở khâu chuẩn bị, nên các DN ngành gỗ của tỉnh rất lúng túng khi thực hiện quy định này.

“Hiện nhiều đối tác ở châu Âu đã yêu cầu, nếu tiếp tục xuất khẩu mặt hàng gỗ trong năm nay thì phải cung cấp hồ sơ sản phẩm, trong đó có bản đồ chuỗi cung ứng sản phẩm; định vị địa lý dưới dạng bản đồ đa giác hoặc tọa độ định vị GPS của vị trí khai thác gỗ; nguồn gốc gỗ; bằng chứng cho thấy các địa điểm gỗ khai thác không thuộc diện bị phá rừng và suy thoái rừng sau ngày 30.12.2020. Đây là vấn đề nan giải đối với các DN thành viên FPA Bình Ðịnh nói chung, vì phần lớn diện tích gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh chưa được cấp chứng chỉ FSC, nhiều diện tích đất rừng chưa đầy đủ tính pháp lý, nên không thể truy xuất được nguồn gốc gỗ nguyên liệu. Ngày 20.6.2024, Hiệp hội đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định EUDR của EU”, ông Lê Minh Thiện chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP năng lượng sinh học Phú Tài (Khu công nghiệp Phú Tài, TP Quy Nhơn) cho rằng, rất khó có thể cung cấp cho khách hàng thông tin cụ thể về nguồn gốc, tọa độ địa lý của những cánh rừng đã khai thác để chế biến thành sản phẩm viên nén xuất khẩu, vì quá nhiều chủ rừng sở hữu diện tích nhỏ và chưa được cấp quyền sử dụng đất rừng trồng, không có cơ sở dữ liệu rừng trồng hợp pháp. Trong bối cảnh đó, DN phải tìm kiếm và cung cấp sản phẩm cho thị trường khác ngoài EU. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài tỉnh cần phải phát triển rừng theo hướng bền vững, đảm bảo nguyên liệu gỗ có nguồn gốc rõ ràng.

Theo Sở NN&PTNT, thực hiện quy định EUDR của EU là thách thức lớn của Việt Nam chứ không riêng gì Bình Định. Riêng tại Bình Định, trong tổng số 167.612 ha rừng trồng mới, chỉ có 77.574 ha đã được Nhà nước cho thuê đất rừng trồng, sản lượng gỗ đáp ứng từ 20 – 30% công suất của các nhà máy chế biến gỗ. Diện tích còn lại chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chưa đảm bảo tính pháp lý, chưa có dữ liệu về tọa độ vị trí địa lý cụ thể thửa đất…, nên rất khó truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng đã khai thác. Hiện Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh thực hiện Văn bản số 3834/2019 của UBND tỉnh về việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, đảm bảo tính hợp pháp cho đất lâm nghiệp và gỗ rừng trồng; đồng thời kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm xây dựng công bố hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng hợp pháp của Việt Nam”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Tấn Thành cho biết.

Phạm Tiến Sỹ