Đại diện Kiểm toán Nhà nước thông tin về 7 vụ việc liên quan đến những vi phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản năm 2022.
Chưa báo cáo cụ thể các vụ vi phạm vì thuộc danh mục bí mật
Kiểm toán Nhà nước cho biết, thời gian qua đã chuyển 7 vụ việc liên quan đến công tác khai thác tài nguyên – khoáng sản sang cơ quan điều tra, xử lý, truy tố.
Ông Vũ Khánh Toàn – Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực VI cho biết, khi thực hiện kiểm toán việc quản lý tài nguyên khoáng sản đối với Thành phố Hải Phòng, Kiểm toán Nhà nước phát hiện có việc vi phạm pháp luật trong vấn đề thăm dò, khai thác khoáng sản.
Phát hiện dấu hiệu tội phạm, Kiểm toán Nhà nước khu vực VI đã báo cáo với lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước phụ trách và Tổng Kiểm toán Nhà nước theo đúng trình tự quy định của ngành về việc phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để chuyển cơ quan điều tra.
“Theo khoản 1, Điều 1 Quyết định 504 của Thủ tướng Chính phủ ngày 22.4.2022, nội dung kết luận, kiến nghị xử lý của Kiểm toán Nhà nước đối với vụ việc có dấu hiệu tội phạm nghiêm trọng được phát hiện qua hoạt động kiểm toán thuộc danh mục bí mật Nhà nước trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước, nên chúng tôi xin phép chưa báo cáo cụ thể, rõ ràng” – ông Vũ Khánh Toàn nói.
Kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật
Ông Vũ Khánh Toàn thông tin, đối với các vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra, trong năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã tiếp đón Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị về việc kiểm tra việc tiếp nhận, phát hiện, xử lý và chuyển giao tin tố giác tội phạm. Trên tinh thần đó, Thành phố Hải Phòng đã rất trách nhiệm trong việc xử lý tin tố giác mà Kiểm toán Nhà nước khu vực VI chuyển qua.
“Đến nay, theo thông báo của Công an thành phố Hải Phòng, đã có 2 vụ việc được cơ quan công an ra quyết định khởi tố vụ án với nội dung là vi phạm quy định về khai thác tài nguyên theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước” – ông Vũ Khánh Toàn nêu rõ.
Ngoài việc chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc trên, ông Vũ Khánh Toàn nhấn mạnh, đối với tất cả các sai sót được nêu trong Báo cáo kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đều có những kiến nghị tương ứng, phù hợp và được thẩm định, duyệt qua các bước rất chặt chẽ.
Trong đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBND Thành phố Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị chức năng, các đơn vị được kiểm toán, các đơn vị được kiểm tra, đối chiếu thực hiện kiểm tra, rà soát để khắc phục, thực hiện và xử lý theo quy định.
Trường hợp xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thực hiện xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan và chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật – đối với các doanh nghiệp không có tên trong giấy phép, không thuộc các trường hợp được phép khai thác nhưng lại đưa phương tiện, thiết bị đến mỏ của doanh nghiệp có Giấy phép để thực hiện bơm hút cát và vận chuyển cát.
“Khi thực hiện kiểm toán, chúng tôi rất muốn các địa phương, đơn vị thực hiện tốt, làm đúng quy định pháp luật để Kiểm toán Nhà nước có căn cứ đánh giá, xác nhận.
Tuy nhiên, nếu phát hiện những dấu hiệu vi phạm pháp luật, chúng tôi kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật để minh bạch và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” – Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực VI Vũ Khánh Toàn nói.
Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị UBND Thành phố Hải Phòng đánh giá lại tác động môi trường đối với dự án khai thác khoáng sản cát theo quy định.
Đồng thời kiểm tra rà soát và xử lý đối với các trường hợp khai thác có tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện kiểm tra, rà soát và xử lý theo đúng quy định của pháp luật, theo hồ sơ báo cáo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường thể hiện sản lượng khai thác trong năm vượt công suất trong giấy phép.