Hội Nghị Bảo Tồn Việt Nam- Vietnam Conservation Summit 2024 do Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam tổ chức tại Furama Resort Đà Nẵng diễn ra ngày 15/6/2024.
Chương trình là lời chào chính thức của Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam (còn gọi là Conservation Vietnam) đến với quý đại biểu, quan khách là các Chủ tịch tập đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp và các chuyên gia trong ngành bảo tồn Việt Nam. Thông qua Hội nghị lần này, Quỹ Bảo tồn đã mang đến góc nhìn tổng quan về bảo tồn động thực vật hoang dã tại Việt Nam, các chương trình, dự án nổi bật, cũng như góc nhìn của các tổ chức và doanh nghiệp về vấn đề này.
Hội nghị Bảo tồn Việt Nam 2024 cũng đánh dấu sự chuyển giao của “Chương trình Bảo tồn Linh trưởng” giữa Tổ chức Động thực vật Thế giới tại Việt Nam (Fauna & Flora Vietnam) và Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam (Conservation Vietnam). Đồng thời vinh danh 4 tổ chức bảo tồn với 4 dự án đã được Quỹ Bảo tồn cấp chi tài trợ. Từ đó, những chuyên gia, các tổ chức bảo tồn có thể kết nối, giao lưu cùng đại diện những doanh nghiệp đầu ngành với hy vọng cùng nhau tạo nên những tác động tích cực đến sứ mệnh bảo tồn tại Việt Nam.
4 dự án đã được Quỹ Bảo tồn cấp chi tài trợ gồm:
Dự án “Bảo tồn loài Gà lôi lam mào trắng Lophura edwardsi cực kỳ nguy cấp” thực hiện bởi Công ty TNHH Một thành viên Bảo tồn Thiên nhiên Việt – ViNaConserv tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, Tỉnh Hà Tĩnh và Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời gian dự án: 36 tháng từ 29/12/2023.
Dự án “Bảo tồn hệ sinh thái rừng, biển và các loài nguy cấp của Bán đảo Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng” thực hiện bởi Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh – GreenViet tại Bán đảo Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng. Thời gian dự án: 36 tháng từ 2/1/2024.
Dự án “Bảo vệ các khu rừng vùng thấp nhằm bảo tồn các loài động vật nguy cấp” thực hiện bởi Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam – Save Vietnam’s Wildlife tại Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Thời gian dự án: 36 tháng từ 1/4/2024.
Dự án “Tăng cường thực thi pháp luật nhằm bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin” thực hiện bởi Trung tâm Hành động vì Động vật Hoang dã Việt Nam – WildAct tại Tỉnh Đắk Lắk. Thời gian dự án: 36 tháng từ 1/5/2024.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện các tổ chức bảo tồn cũng đóng góp những phần diễn thuyết có tác động tích cực đối với công tác bảo tồn tại Việt Nam, đơn cử như Bà Phạm Tuấn Anh, Đồng sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Quản lý kiêm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt (Viet Nature), Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Bảo tồn Thiên nhiên Việt (ViNaConserv – doanh nghiệp xã hội trực thuộc Viet Nature), với chủ đề “Tiềm năng phát triển Tín chỉ Carbon và Tín chỉ đa dạng sinh học”.
Bên cạnh đó, Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife) cũng đóng góp phần diễn thuyết với chủ đề “Ứng dụng công nghệ trong bảo tồn động vật hoang dã”.
Nối tiếp phần diễn thuyết từ 2 đại diện tổ chức bảo tồn, Hội nghị cũng đón nhận sự đồng ý từ Ông Dominic Scriven, OBE – Nhà sáng lập, Chủ tịch Dragon Capital tham dự với vai trò điều phối Phiên thảo luận, bên cạnh sự góp mặt của những chuyên gia như Ông Phạm Xuân Thịnh, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên; Tiến sĩ Ben Rawson, Chủ tịch Ban cố vấn Conservation Vietnam; Bà Nina Marshall, Đại diện Nhà tài trợ Quốc tế Conservation International và Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Nhà sáng lập, Giám đốc Trung tâm Hành động vì Động vật Hoang dã Việt Nam (WildAct). Với chủ đề “Chia sẻ câu chuyện bảo tồn – Những đóng góp và thành tựu trong hoạt động bảo tồn”, Phiên thảo luận đã mang đến quý đại biểu và quan khách thêm nhiều góc nhìn tích cực trong công tác bảo tồn tại Việt Nam.
Hội nghị Bảo tồn Việt Nam 2024 cũng nhận được sự quan tâm từ giới nghệ sĩ, đơn cử như là nghệ sĩ Cao Bá Hưng, cháu nội đời thứ 7 của nhà thơ lỗi lạc Cao Bá Quát, danh hiệu Quán quân chương trình “Sing My Song” năm 2016. Cao Bá Hưng đã mang đến tiết mục mở màn bằng một bài hát mới, được phối cùng thanh âm của đại ngàn và bản nhạc “Trống Cơm” với giai điệu tươi vui, đầy bản sắc, đặc biệt được phối riêng cho Hội nghị lần này.
Bên cạnh đó ở phương diện hội họa, tham dự Hội nghị còn có họa sĩ Đào Văn Hoàng. Sau 16 năm sinh sống ở Pháp, năm 1996 họa sĩ Đào Văn Hoàng chọn quay về với quê hương và bắt đầu sự nghiệp vẽ tranh động vật hoang dã vào đầu thập niên 2000. Từng tham dự nhiều buổi Triển lãm Quốc tế, tại Hội nghị lần này, họa sĩ đã mang đến những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng về loài Voọc Chà vá Chân nâu hay loài Tê tê Java… là những loài động vật hoang dã quý hiếm thuộc các dự án bảo tồn do Quỹ Bảo tồn cấp chi tài trợ.
Vào tháng 8 tới đây, Quỹ Bảo tồn sẽ tiếp tục lan tỏa sứ mệnh bảo tồn đến với Hội nghị Thượng đỉnh và Triển lãm Quốc tế “Phát triển Bền vững 2024” do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức tại Dinh Thống Nhất, TP.HCM với vai trò Đối tác đồng hành Hạng mục Bảo tồn Môi trường.
Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam (Conservation Vietnam) tin rằng các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam khi cùng đồng lòng chung tay, chắc chắn sẽ cùng nhau tạo nên những tác động bền vững đến công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học và gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên Việt Nam, với đích đến: “Con người chung sống hòa hợp với thiên nhiên và cùng cộng hưởng thăng hoa”.