Quản lý khai thác khoáng sản: Cần làm rõ trách nhiệm giải quyết ý kiến người dân

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức trong việc lấy ý kiến và giải quyết các ý kiến của người dân tại những nơi bị ảnh hưởng bởi việc khai thác khoáng sản.

Sau gần 15 năm thực hiện thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá luật này đã bộc lộ một số hạn chế, không còn phù hợp với thực tiễn. Do đó việc sửa đổi, bổ sung luật là hết sức cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực khoáng sản và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, mong mỏi của cử tri.

Một trong những giải pháp cần​ được cụ thể hóa rõ hơn vào dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (thay thế luật trên) là bổ sung, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức liên quan trong việc lấy ý kiến và giải quyết các ý kiến của người dân tại những nơi bị ảnh hưởng bởi việc khai thác khoáng sản.

Một điểm mỏ khai thác đá ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đảm bảo sự đồng thuận trong cộng đồng

Nêu thực tế tại địa phương, đại biểu Dương Khắc Mai – Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XV, cho biết hiện nay trên địa bàn một số tỉnh Tây Nguyên, việc quy hoạch bauxite phân bố quá rộng, có huyện quy hoạch bô xít chiếm khoảng 53% diện tích tự nhiên và có xã chiếm đến 90%. Do vậy, diện tích quy hoạch không tránh khỏi bao trùm lên toàn bộ hoạt động đời sống kinh tế-xã hội của người dân, các mỏ vật liệu xây dựng thông thường và tác động rất lớn đến việc thu hút, triển khai các dự án đầu tư.

“Như Đắk Nông, hiện có khoảng hơn 1.000 dự án bị chồng lấn với quy hoạch bauxite nên gần như không triển khai được,” đại biểu Dương Khắc Mai nói.

Đại biểu Dương Khắc Mai cũng lưu ý mặc dù tại điểm g khoản 1 điều 218 của Luật Đất đai trước đây đã quy định sử dụng đất đa mục tiêu và khi triển khai thi công các công trình xây dựng đều phải thu hồi, bảo vệ khoáng sản theo quy định. Tuy nhiên, việc thu hồi khoáng sản sẽ không khả thi nếu khoảng cách vận chuyển từ điểm khai thác quá xa so với nhà máy chế biến.

Vì thế, đại biểu Dương Khắc Mai đề xuất cơ quan hoạch định chính sách cần nghiên cứu đưa nội dung “các nơi quy hoạch khoáng sản đang trong quá trình dự trữ khoáng sản có hàm lượng thấp hoặc khoáng sản có dự trữ ít được thực hiện các công trình, dự án thì được chuyển đổi mục đích sử dụng và người dân được thực hiện sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội” vào dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (sẽ bàn thảo tại Kỳ họp thứ 8 tới).

Về trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác, đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết dự thảo luật đã quy định: Trách nhiệm trong việc tham gia giám sát hoạt động khoáng sản, trách nhiệm trong việc phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm nếu phát hiện thấy có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, dự thảo luật chưa quy định rõ về trách nhiệm của các tổ chức, cộng đồng tại khu vực trong việc tổ chức lấy ý kiến; chưa quy định cụ thể về trách nhiệm trong xử lý, giải quyết các ý kiến của người dân. Đây là những vấn đề rất quan trọng, có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

“Vì vậy, tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức liên quan trong việc lấy ý kiến và giải quyết các ý kiến của người dân, góp phần tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, nhất là tại những nơi bị ảnh hưởng bởi việc khai thác khoáng sản; quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản; đặc biệt là trong việc đảm bảo sản xuất, đời sống của những người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra,” đại biểu Trần Thị Thanh Hương nói.

Bổ sung chính sách hỗ trợ sức khỏe người dân

Về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia khai thác khoáng sản, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội Trần Thị Thanh Hương cho hay tại khoản 2 điều 62 dự thảo luật đã quy định khá chi tiết, cụ thể về nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo việc hỗ trợ cho địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.

Cần quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, thực tế cho thấy khai thác khoáng sản có ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có không ít trường hợp bị ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhất là người dân sinh sống tại các vùng mỏ.

Vì vậy, bà Hương đề xuất bên cạnh các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, sinh kế của người dân, cơ quan soạn thảo dự án luật cần nghiên cứu, bổ sung, quy định các chính sách hỗ trợ về mặt sức khỏe cho người dân ở khu vực khoáng sản được khai thác.

Cùng với đó, dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn về cơ chế hỗ trợ, xác định các lĩnh vực ưu tiên dựa trên nguồn lực và nhu cầu, giao cho Chính phủ quy định chi tiết định mức cụ thể, hỗ trợ cho người dân cả trong những tình huống bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bà Hương cũng lưu ý trong hoạt động khai thác khoáng sản, vấn đề an toàn, vệ sinh lao động là vô cùng quan trọng và rất cần được quan tâm đúng mức. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung, quy định tại điều 50, điều 62, điều 73, điều 92 về nghĩa vụ của các tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với các cá nhân tham gia các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định ý kiến của các đại biểu là rất quý giá để cơ quan soạn thảo rà soát, điều chỉnh quy định, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đơn cử như việc phân cấp quản lý, ông Khánh cho biết vừa qua đã có phân cấp nhưng ở các địa phương quản lý không tốt. Do đó, cơ quan soạn thảo dự án Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và cố gắng tiếp tục đưa vào phân cấp, phân quyền nhưng gắn với giám sát.

“Hiện nay đã phân cấp thì phải tăng chế tài xử lý, kiểm tra, giám sát. Trong luật, chúng tôi đã đưa vào là trách nhiệm, kể cả chủ mỏ, cơ quan Nhà nước đều phải có một hệ thống giám sát việc khai thác mỏ. Tức là chủ mỏ phải lắp hệ thống giám sát quan trắc để không khai thác ngoài ranh giới mỏ, quá chiều sâu mỏ, quá công suất mỏ gây ảnh hưởng đến môi trường so với giấy phép và được kết nối về cơ quan quản lý cấp tỉnh, cấp bộ,” ông Khánh nói.