Ngăn săn trộm tê giác bằng công nghệ hạt nhân

Một nhóm nghiên cứu tại Nam Phi đang thử nghiệm chống săn trộm bằng phương pháp đưa đồng vị phóng xạ liều thấp vào cơ thể 20 con tê giác sống.

Các công viên động vật hoang dã ở Nam Phi cho biết sau một năm tạm lắng do đại dịch COVID-19, nạn săn trộm tê giác đang gia tăng trở lại ở nước này. Các khu bảo tồn, vốn đang chống chọi với ngân sách eo hẹp trong bối cảnh du lịch giảm sút, cũng buộc phải cắt giảm các cuộc tuần tra chống săn trộm. Điều này làm tăng thêm mối đe dọa đối với tê giác.

Sẽ có hơn 11.000 máy giám sát phóng xạ được lắp đặt tại các sân bay, bến cảng và cửa khẩu để thực hiện dự án này.

Trước thực trạng đó, các nhà nghiên cứu Nam Phi vừa triển khai dự án Rhisotope đưa đồng vị phóng xạ liều thấp vào cơ thể 20 con tê giác sống để ngăn chặn nạn săn trộm. Nhà khoa học James Larkin tại Khoa Vật lý y tế và phóng xạ thuộc Đại học Witwatersrand của Nam Phi, cho biết, mục đích của dự án là dùng công nghệ hạt nhân theo hình thức đưa các đồng vị phóng xạ số lượng nhỏ vào sừng tê giác để có thể phát hiện được bằng các máy giám sát phóng xạ. Sẽ có hơn 11.000 máy giám sát phóng xạ được lắp đặt tại các sân bay, bến cảng và cửa khẩu để thực hiện dự án này.

Nếu thành công, dự án sẽ được mở rộng sang voi, tê tê và các loài động, thực vật khác.
Sau nhiều tháng nghiên cứu và thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đảm bảo rằng các đồng vị phóng xạ đưa vào không gây bất kỳ nguy cơ nào đối với sức khỏe hay nguy cơ nào khác đối với động vật hay những người chăm sóc. Nhóm bảo tồn tê giác đã tiến hành tiêm thuốc an thần cho tê giác và khoan một lỗ nhỏ ở sừng của chúng để đưa vào các đồng vị phóng xạ không độc. Các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi chặt chẽ số tê giác này 24/24 giờ trong 6 tháng tới để xác định tính khả thi của phương pháp này.

Nếu thành công, dự án sẽ được mở rộng sang voi, tê tê và các loài động, thực vật khác.

Trước đây, tê giác thường bị cưa sừng để tránh bại săn trộm. Tuy nhiên nghiên cứu gần đây cho thấy những con tê giác bị mất sừng thường có khuynh hướng giảm phạm vi sống và ít tương tác hơn với những con tê giác khác. Theo ý kiến của chuyên gia, việc cắt sừng có thể khiến tê giác rơi vào cái gọi là “bẫy sinh thái”. Nói cách khác, tê giác giảm phạm vi sinh sống và có ít khả năng tiếp cận tài nguyên hơn so với khi chúng còn sừng.