Tín chỉ carbon là gì, được sử dụng như thế nào? Bài viết của PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Tín chỉ carbon
Trong những năm gần đây, vấn đề tín chỉ carbon nổi lên và được sử dụng thường xuyên, được rất nhiều người quan tâm theo nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó, có một số ý kiến coi đây là cơ hội làm giàu. Vậy tín chỉ carbon là gì, được sử dụng như thế nào?
Tín chỉ carbon (carbon credit) là chứng nhận phát thải khí carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được quy đổi tương đương sang CO2 (CO2tđ). Một tấn CO2tđ được xem là 1 tín chỉ carbon. CO2tđ là đơn vị mua bán trên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon. Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải khí CO2 hoặc khí CO2 tương đương. Tín chỉ carbon được coi như một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng nhất định khí CO2tđ, có thể là CO2 hoặc khí nhà kính khác (CH4, N2O).
Mỗi doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất đều có một định mức về lượng khí thải nhà kính thải ra môi trường. Nếu cao hơn mức quy định, những đơn vị này sẽ phải mua thêm tín chỉ carbon để không vi phạm quy định chung về bảo vệ môi trường. Ngược lại, nếu lượng phát thải thực tế nhỏ hơn mức giới hạn thì cơ sở đó có thể bán số tín chỉ carbon chưa sử dụng cho các đơn vị khác.
Thị trường carbon chính là nơi diễn ra các giao dịch về việc mua bán, trao đổi tín chỉ carbon giữa các công ty, đơn vị, tổ chức hoặc giữa các quốc gia. Là cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon. Hiện nay có hai loại thị trường carbon. Thị trường carbon tuân thủ được tạo ra từ sự cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu – bắt buộc các quốc gia thành viên phải thực hiện theo quy định. Thị trường carbon tự nguyện là nơi việc phát hành, mua và bán tín chỉ carbon trên cơ sở tự nguyện giữa các tổ chức, công ty hoặc giữa các quốc gia. Ngoài ra, có một hình thức đơn giản là mang lên sàn giao dịch.
Trên thị trường carbon, có 2 loại hàng hóa sẽ giao dịch. Loại thứ 1 là hạn ngạch phát thải KNK – Chính phủ sẽ phân bổ và doanh nghiệp có quyền phát thải trong hạn ngạch mình sở hữu. Còn phát thải thêm thì phải mua hạn ngạch từ các doanh nghiệp khác. Giá hạn ngạch thường rất cao, có thể lên đến 100 euro/tấn. Loại thứ 2 là tín chỉ carbon mang tính chất tự nguyện. Khi doanh nghiệp đầu tư vào những mô hình kinh doanh giảm phát thải như trồng rừng, thì các cơ quan quản lý phê duyệt, thẩm định lượng giảm đó – sẽ tạo ra được tín chỉ carbon. Tín chỉ đó vì mang tính tự nguyện nên giá thấp hơn nhiều, dao động từ 1 đến 25 USD/tấn, tùy vào loại hình công nghệ và mức đầu tư.
Để thực hiện cam kết với Quốc tế về lộ trình đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và lộ trình giảm 30% phát thải khí mê tan vào năm 2030 so với năm 2020 thì Chính phủ đã ra Nghị định số 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô zôn với lộ trình đưa thị trường carbon đi vào hoạt động từ năm 2028.
Đây là một cơ hội cho những đơn vị có mức phát thải thấp tham gia vào trao đổi tín chỉ carbon bằng cách áp dụng các giải pháp giảm phát thải KNK nhưng cũng là thách thức lớn đối với các đơn vị có mức phát thải cao, sẽ phải thực hiện báo cáo phát thải hàng năm và thực hiện chặt chẽ kế hoạch giảm phát thải của mình, đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về công nghệ. Vậy để đạt được tín chỉ carbon thì doanh nghiệp cần phải làm gì?
Đặc biệt là với sản xuất nông nghiệp, đây có thực sự là cơ hội? Và làm thế nào để tạo ra tín chỉ carbon một cách tối ưu nhất? Vì tín chỉ carbon là lượng CO2tđ được giảm phát thải hoặc loại bỏ hay là sản phẩm của các quá trình áp dụng biện pháp giảm phát thải KNK, lưu trữ carbon nên để đạt được tín chỉ carbon thì chúng ta cần phải chú trọng đến các hoạt động giảm phát thải KNK và lưu trữ carbon.
Phát thải khí nhà kính trong trồng trọt
Theo kết quả kiểm kê KNK của ngành Nông nghiệp và PTNT thì năm 2014 ngành Nông nghiệp phát thải lượng KNK là 89 triệu tấn CO2tđ/năm, trong đó sản xuất lúa phát thải 44 triệu tấn CO2tđ/năm, tiếp theo là đất nông nghiệp phát thải 23 triệu tấn CO2tđ (chủ yếu từ bón phân đạm và các loại phân hữu cơ), tiếp đến là tiêu hóa dạ cỏ của gia súc nhai lại và đến phát thải từ quản lý phân gia súc với lượng là 11 và 9 triệu tấn CO2tđ. Như vậy có 4 nguồn phát thải lớn trong ngành nông nghiệp là sản xuất lúa, đất nông nghiệp, tiêu hóa dạ cỏ và quản lý phân gia súc.
Tuy nhiên, nếu mở rộng phạm vi của chuỗi sản xuất thì còn lượng phát thải tương đối lớn từ năng lượng sử dụng cho máy móc (làm đất, gieo hạt/cấy, làm cỏ, bón phân, thu hoạch, chế biến…) mà có thể tính toán tùy thuộc sự quy định về phạm vi tính toán.
Giảm phát thải khí nhà kính
Từ việc phân tích nguồn phát thải thì sẽ xác định được cần giảm phát thải ở những nguồn nào, công đoạn sản xuất nào và có thể giảm được bao nhiêu như trong Hình 1. Nhìn chung, các nguồn phát thải sẽ tập trung ở 3 nhóm là năng lượng, vật liệu sản xuất, các hoạt động canh tác và các hoạt động, nguồn phát thải nhỏ nằm trong mỗi nhóm và được củ thể hóa các hoạt động giảm phát thải mà chúng ta có thể nhận ra một cách rõ ràng.
Lựa chọn giải pháp giảm phát thải KNK tiềm năng phù hợp
Đối với một đơn vị đất đai, một loại hình sản xuất thì có nhiều giai đoạn có tốc độc phát thải khác nhau. Giải pháp giảm phát thải có thể là riêng lẻ hoặc tổng hợp để được lượng giảm phát thải cao nhất. Ví dụ tại 1 điểm sản xuất lúa vùng ĐBSCL, lượng phát thải cơ sở ở mức canh tác 2 vụ lúa có vùi rơm rạ tươi và chế độ nước ngập thường xuyên là 13 tấn CO2e/ha/năm.
Nếu tiếp tục trồng lúa và thực hiện chế độ tưới khô ướt xen kẽ thì lượng phát thải sẽ còn là 7,15 tấn/ha/năm. Nhưng với một lý do bị xâm nhập mặn, lúa trồng kém hiệu quả phải chuyển 1 vụ lúa sang trồng lúa nuôi tôm thì phát thải sẽ còn 6,5 tấn CO2e/ha/năm.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi này không những có thể giảm phát thải KNK mà còn cho lợi nhuận tăng cao hơn mô hình cũ rất nhiều do giá tôm và gạo (đều được canh tác theo phương thức hữu cơ) cao hơn. Cũng vì một lý do nào đó như thiếu nước phải chuyển sang trồng rau, hoặc phèn hóa phải lên líp trồng cây ăn trái hoặc ngập, sình lầy phải chuyển sang trồng sen thì lượng phát thải giảm rất nhiều so với mô hình cũ là trồng 2 vụ lúa theo kiểu truyền thống.
Tuy nhiên việc lựa chọn giải pháp giảm phát thải ở đây phải dựa theo điều kiện phù hợp mới có hiệu quả. Không phải chỗ nào cũng có thể chuyển cây trồng mà đất phù hợp cho cây trồng mới cũng chỉ ở mức độ giới hạn nào đó như lúa tôm chỉ ở những vùng thấp và xâm nhập mặn, cây rau chỉ ở những vùng có điều kiện địa hình cao, thoát nước tốt, thành phần cơ giới nhẹ và đặc biệt là có thể tiếp cận thị trường.
Hoặc mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp cũng là một giải pháp mang tính toàn diện, có thể áp dụng cho phần lớn diện tích lúa ở ĐBSCL, vừa có thể giảm phát thải được cao nhất, vừa mang lại các đồng lợi ích tốt nhất cho xuất khẩu của vùng. Vì vậy, việc cân nhắc để áp dụng các biện pháp giảm phát thải tiến tới tham gia thị trường carbon cần phải được cân nhắc một cách tối ưu và có sự chuẩn bị về cơ sở khoa học và đầu tư.
Vai trò của mức phát thải cơ sở và việc lựa chọn giải pháp tiềm năng cao
Nên nhớ rằng, khi thực hiện các giải pháp giảm phát thải KNK thì việc đo đạc, báo cáo và xác nhận lượng giảm phát thải đó là bắt buộc để biết được một đơn vị sản xuất có thể giảm được bao nhiêu KNK trong khoảng thời gian nhất định.
Việc này đã được quy định rõ ràng trong điều 6 của Thỏa thuận Paris năm 2022 và trong Nghị định 06 của Chính phủ về giảm phát thải KNK và bảo vệ tầng ô zôn. Việc này giúp cho đơn vị giảm phát thải KNK phải lưu ý rằng, lựa chọn một giải pháp giảm phát thải có tiềm năng cao là cần thiết để đạt được lượng phát thải cao nhất nhưng việc lựa chọn một kịch bản cơ sở cũng vô cùng quan trọng. Ví dụ trong hình 3 với canh tác lúa với 3 chế độ nước trong vụ sản xuất. Phát thải KNK của phương thức canh tác lúa ngập thường xuyên là cao nhất.
Nếu canh tác mức cơ sở là ngập thường xuyên và áp dụng biện pháp rút nước giữa vụ 1 lần thành công có thể giảm được 29% lượng phát thải. Nếu áp dụng biện pháp rút nước giữa vụ nhiều lần (hay còn gọi là khô ướt xen kẽ) thành công thì có thể giảm được 45% lượng phát thải. Trong trường hợp đang canh tác ở mức phát thải cơ sở là đang thực hiện rút nước giữa vụ 1 lần mà áp dụng giải pháp rút nước giữa vụ nhiều lần thì có thể giảm tiếp 16% của lượng giảm phát thải, nhưng nếu tiếp tục áp dụng giải pháp rút nước giữa vụ 1 lần thì không thể giảm phát thải thêm được nữa.
Tương tự với trường hợp đang áp dụng tưới khô ướt xen kẽ mà đăng kí áp dụng tưới khô ướt xen kẽ thì không được gọi là giảm phát thải vì lượng phát thải vẫn giữ nguyên. Chính vì thế, để có thể giảm được nhiều phát thải KNK và tạo được nhiều tín chỉ carbon thì cần phải lựa chọn giải pháp giảm phát thải có sự chênh lệch phát thải lớn với mức cơ sở, hay giải pháp có tiềm năng giảm phát thải cao.
Cũng giống như ví dụ về giải pháp tưới nước, liên hệ sang các trường hợp khác, người nông dân cần có sự nhìn nhận đúng về tiềm năng giảm phát thải của các ngành sản xuất của mình để có hướng đầu tư đúng đắn. Ví dụ khả năng lưu trữa carbon của một số loại cây rừng hoặc cây dài ngày, lượng carbon lưu trữ phải được so sánh với đường cơ sở.
Nếu là trồng rừng, trồng cây lâu năm trên đất chưa có rừng thì lượng lưu trữ carbon sẽ được nhiều (tức là đường cơ sở bằng “0”), nhưng áp dụng lưu trữ carbon trên đất đang trồng rừng hoặc đang trồng cây lâu năm, nếu có biện pháp làm tăng sinh trưởng của các loại cây này thì có thể lưu trữ được lượng carbon bằng chính lượng carbon tăng đó, nhưng nếu không có biện pháp nào làm tăng tốc độ sinh trưởng hoặc mật độ của cây thì khả năng tăng lưu trữ carbon là bằng không.
Giá carbon, mua bán, trao đổi tín chỉ carbon và những điều cần lưu ý
Để tạo ra 1 tín chỉ carbon hay 1 CERT thì chủ doanh nghiệp hay nông dân cần phải áp dụng một hay nhiều giải pháp giảm phát thải KNK so với cách làm thông thường của họ ví dụ như trong nông nghiệp có thể áp dụng giải pháp trồng rừng so với để đất trống, cải tạo phục hồi rừng để tạo ra năng suất rừng cao hơn so với năng suất rừng hiện tại, tưới khô ướt xen kẽ cho lúa so với ngập thường xuyên hoặc rút nước giữa vụ, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, trồng lúa nuôi tôm, cải tạo khẩu phần ăn gia súc, quản lý tốt hơn phân gia súc, tuần hoàn chất thải vật nuôi và các loại phụ phẩm trồng trọt… và việc áp dụng công nghệ giảm phát thải cần phải được đầu tư về mặt công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng, vận hành hệ thống.
Ví dụ để giảm phát thải khí mê tan từ canh tác lúa thì nhà nước và nhân dân phải đầu tư rất nhiều vào xây dựng hệ thống tưới tiêu chính xác, hệ thống điều tiết nước… hay phải có những nhà máy xử lý chất thải và phụ phẩm cây trồng.
Không những thế còn cần một khoản lớn trong việc vận hành, duy tu bảo dưỡng vì các công trình trong nông nghiệp thường bị xuống cấp nhanh chóng. Giá để giảm 1 tấn CO2e hay để có 1 CERT được tính bằng tổng giá trị đầu tư trong toàn thời gian dự án, cộng duy tu bảo dưỡng, vận hành và các rủi ro về suy giảm năng suất sản lượng trừ đi phần lợi ích và đồng lợi ích và chia cho tổng khối lượng CO2e giảm được, được gọi là giá thành giảm phát thải hay chi phí giảm thải cận biên (MAC).
Nếu chỉ nhìn vào giá carbon thì ai cũng nghĩ sẽ là một cơ hội để kiếm tiền nhưng thực tế giá đó chỉ đủ bù cho những chi phí mà nhà nước, doanh nghiệp và người dân vừa bỏ ra trước đó. Một ông nông dân thực hiện giải pháp tưới khô ướt xen kẽ trên 1 mảnh ruộng của mình và đạt được 1 lượng CERT nào đó không phải chỉ công của ông nông dân đó mà thành tích đó còn nhờ cả vào hệ thống tưới tiêu của cả một cánh đồng. Như vậy trong nhiều trường hợp, có thể chúng ta đã chưa tính hết những đầu tư của mình hay giá carbon thấp hơn giá trị thực của nó.
Mặt khác, trong thị trường có 2 loại hàng hóa carbon là trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon. Trao đổi hạn ngạch thường có giá cao hơn nhưng chỉ dùng cho những đơn vị được cấp hạn ngạch, còn tín chỉ carbon được gọi là trao đổi tự nguyện thì giá lại rất thấp so với hạn ngạch. Đứng trên góc độ toàn cầu thì việc giảm phát thải và chống biến đổi khí hậu là của mọi công dân trên toàn cầu.
Còn đứng trên góc độ quốc gia, chúng ta có cam kết net-zero của Chính phủ về việc trung hòa carbon vào năm 2050 và cam kết với UNFCCC về kế hoạch giảm phát thải KNK của Quốc gia với 2 phần là quốc gia tự xác định và được thế giới hỗ trợ.
Việc thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải KNK theo sự xác định của quốc gia là mang tính pháp lý và cần phải được tuân thủ trước tiên. Ngoài ra, với các giải pháp cần sự hỗ trợ của quốc tế thì chúng ta có thể kêu gọi sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế về công nghệ cũng như các giải pháp khác như truyền thông, tăng cường năng lực… Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rõ về carbon, thị trường carbon để đạt được mục tiêu chung và riêng.
PGS.TS Mai Văn Trịnh