Có hàng nghìn hécta đất rừng ở Gia Lai bị lấn chiếm trái phép, đặc biệt là tại các huyện vùng biên giới, khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng ở tỉnh này khó khăn hơn bao giờ hết. Ngăn chặn xâm lấn đất, phá rừng, nhân viên bảo vệ rừng có khi phải đổ máu, hoặc đối diện với nguy cơ lao lý với diện tích “rừng trên giấy”.
Nhiều thủ đoạn xâm lấn đất, phá rừng
Xã Ia Mơ, huyện Chư Prông có hàng nghìn hécta diện tích đất rừng khộp. Kể từ khi có thông tin sẽ chuyển đổi 4.700ha đất rừng sang làm vùng tưới hồ thủy lợi Ia Mơ – công trình có vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng, nhiều đối tượng lợi dụng để phá rừng, lấn chiếm đất trồng lúa, trồng mì.
Ông Nguyễn Trung Văn – Trưởng Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Ia Mơ – cho biết, đơn vị quản lý hơn 10.000ha đất rừng. Theo số liệu đến năm 2021, người dân lấn chiếm đến 1.300ha đất rừng tại các lâm phần để sản xuất nông nghiệp.
“Thực tế việc phá rừng do các đối tượng lâm tặc cộm cán thì ít mà chủ yếu do nhu cầu canh tác nương rẫy, sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, mì của người dân. Diện tích rừng trải dài, nhân viên bảo vệ ít nên để giữ rừng rất khó”, ông Văn nói.
Như vụ phá rừng đêm 30 Tết Nguyên đán 2024, nhóm khoảng 30 người tiến hành khai thác gỗ trái phép tại Tiểu khu 1003. Một nhóm nhỏ tìm đường đánh lạc hướng lực lượng bảo vệ rừng, nhóm còn lại được phân công để dùng cưa xăng đốn hạ cây rừng ở vị trí khác.
Khi bảo vệ rừng phát hiện được, lập tức các đối tượng vi phạm có hành vi chống đối, dùng dao, rựa, cưa xăng… để đe dọa lực lượng chức năng và tẩu tán phương tiện ra khỏi hiện trường. Qua kiểm tra, có hơn 100 cây gỗ lớn nhỏ, chủ yếu cây dầu, kơnia… bị đốn hạ theo kiểu phá trắng.
Cuối năm 2023, cơ quan chức năng huyện Chư Prông phát hiện nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng liên tiếp. Cây rừng bị đốn hạ với thủ đoạn như: Khoan gốc, đổ hóa chất, trét đất sét… Lực lượng liên ngành Công an, Kiểm lâm, Viện kiểm sát đã vào cuộc khởi tố vụ án, tiến hành điều tra truy bắt thủ phạm.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Trung Văn – Trưởng ban Quản lý Bảo vệ Rừng phòng hộ Ia Mơ – cho biết: “Tại xã Ia Mơr, chủ yếu cư dân bản địa với đồng bào dân tộc thiểu số có thói quen, tập quán vào rừng săn bắn, lấy củi, khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất. Nhiều đối tượng khai nhận, dùng cưa xăng đốn hạ cây, khai thác gỗ làm củi, làm nhà cửa, tổ chức cưới hỏi, ma chay…”.
359 ha caosu vô chủ trên đất rừng
Gần với diện tích rừng Ia Mơ là rừng ở Ia Puch, thuộc huyện Chư Prông. Ông Nguyễn Anh Vũ – Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Puch thông tin, đơn vị quản lý hơn 15.000ha rừng, trong đó, rừng phòng hộ 5.500 ha, rừng sản xuất 8.300 ha, ngoài quy hoạch 3 loại rừng 1.800 ha.
Theo thống kê, diện tích đất lâm nghiệp bị xâm lấn khoảng 2.800 ha, chủ yếu là các diện tích đất rừng nằm manh mún, xen kẽ với đất của các doanh nghiệp tư nhân, đất khu dân cư, đất của người dân sinh sống rải rác giữa rừng núi… Điển hình cho vụ ngang nhiên xâm lấn đất lâm nghiệp là trồng trái phép 359 ha cao su.
Trước đó, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Puch phát hiện tại 9 tiểu khu do ban này quản lý, có gần 359ha rừng và đất rừng bị một số doanh nghiệp chặt phá, lấn chiếm.
Tại nhiều diện tích rừng bị lấn chiếm trái phép đã được trồng dày đặc cây caosu. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, các chủ vườn caosu đã chối bỏ vì sợ trách nhiệm. Sau một thời gian, họ tiếp tục khai thác mủ caosu.
Theo ông Nguyễn Anh Vũ, diện tích caosu trái phép không rõ là caosu của ai. Từ năm 2021, cơ quan điều tra vào cuộc, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông báo tìm ra thủ phạm, chủ nhân số diện tích caosu trái phép. Với 359ha caosu tuổi đời hơn 10 năm, được tiến hành khai thác cạo mủ nhiều lần, chứng tỏ việc lấn chiếm đất rừng diễn ra từ lâu, kéo dài.
“Diện tích caosu xen lẫn với những khoảnh rừng còn sót lại gây không ít khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhiều năm qua, nhân viên bảo vệ rừng vẫn tiến hành tuần tra, trông coi khu vườn caosu vô chủ, giữ nguyên hiện trạng, không để người dân, doanh nghiệp vào chặt phá, lấy gỗ” – ông Nguyễn Anh Vũ nói.
Ngoài trồng caosu, người dân di cư còn lấn chiếm, trồng cây điều, mì trên các diện tích đất cằn cỗi, cây bụi được quy hoạch là đất lâm nghiệp. Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch mong muốn cơ quan có thẩm quyền sớm kết luận, có hướng xử lý đối với diện tích caosu vô chủ để trồng lại rừng hoặc bóc tách ra khỏi diện tích rừng cần được bảo vệ.