Luật này yêu cầu các thành viên EU phải đẩy mạnh các nỗ lực nhằm bảo tồn và phục hồi môi trường.
Các quốc gia Liên minh châu Âu đã chính thức thông qua Luật phục hồi thiên nhiên sau nhiều tháng trì hoãn. Đây cũng là luật xanh đầu tiên được thông qua kể từ cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu trong tháng này.
Là một trong những chính sách môi trường lớn nhất của EU, luật phục hồi thiên nhiên buộc các quốc gia thành viên phải áp dụng những biện pháp nhằm khôi phục thiên nhiên cho 1/5 diện tích đất liền và biển vào năm 2030.
Cuộc bỏ phiếu thông qua luật được tổ chức sau khi Bộ trưởng môi trường Áo, Leonore Gewessler thuộc đảng Xanh, kêu gọi các đối tác trong liên minh cam kết ủng hộ chính sách, giúp nó được thông qua với tỷ lệ vừa đủ.
Bà Gewessler trả lời với báo giới: “Dù biết điều này sẽ vấp phải sự phản đối tại Áo, tôi tin rằng đây là thời điểm phù hợp để thông qua chính sách này”.
Nhằm mục đích đối phó với tình trạng suy giảm môi trường sống tự nhiên của châu Âu, với 81% xếp vào loại suy thoái, chính sách này đăt ra các mục tiêu cụ thể như: khôi phục các vùng đầm lầy để giúp hấp thụ khí thải CO2.
Động thái của Bộ trưởng Áo đã vấp phải sự phản đối từ Đảng Nhân dân (GOV) của Thủ tướng Karl Nehammer. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU, Karoline Edtstadler, cho biết lá phiếu ủng hộ của bà Gewessler không hợp lệ.
Bỉ, nước giữ chức chủ tịch luân phiên EU và chủ trì cuộc họp của các bộ trưởng, cho biết mâu thuẫn trong nội bộ chính phủ Áo sẽ không ảnh hưởng đến tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu.
Vào năm ngoái, Nghị viện châu Âu và các thành viên EU đã từng thỏa thuận về luật này. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, nó đã bị một số quốc gia chỉ trích trong bối cảnh làn sóng phản đối của nông dân đối với các quy định tốn kém của EU ngày càng tăng.
Phần Lan, Hungary, Ý, Hà Lan, Ba Lan và Thụy Điển đã bỏ phiếu phản đối luật này vào thứ Hai. Bỉ bỏ phiếu trắng.
Các nước EU đã lên kế hoạch thông qua chính sách này vào tháng 3, tuy nhiên đã không thực hiện được sau khi Hungary bất ngờ rút lại sự ủng hộ.
Các quốc gia, trong đó có Hà Lan, lo ngại chính sách sẽ làm chậm việc mở rộng các trang trại gió và các hoạt động kinh tế khác, trong khi Ba Lan hôm thứ Hai cho biết chính sách này thiếu kế hoạch tài trợ cho hoạt động bảo vệ thiên nhiên.