Xây dựng bản đồ trữ lượng carbon rừng

Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai rà soát để xây dựng bản đồ trữ lượng carbon của rừng cũng như lộ trình phù hợp phát triển thị trường carbon.

Tỉnh Thái Nguyên đang tập trung phát triển hệ sinh thái rừng theo hướng đạt giá trị đa dụng. Ảnh: PH.

Hướng đến khai thác lâm sản ngoài gỗ

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung phát triển hệ sinh thái rừng theo hướng đạt giá trị đa dụng. Địa phương hướng đến việc không chỉ đơn thuần trồng rừng lấy gỗ, bảo vệ môi trường mà còn thu lợi từ các hoạt động dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái và sản phẩm ngoài gỗ. Thái Nguyên đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỉnh sẽ đạt giá trị sản phẩm gỗ từ rừng gần 11.000 tỷ đồng; giá trị lâm sản ngoài gỗ tăng 1,5 lần và thu từ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tăng 50% so với năm 2020…

Để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung, tăng diện tích rừng gỗ lớn. Xác định đây là một trong những yêu cầu quan trọng để phát triển kinh tế rừng, tỉnh đã chỉ đạo chuyển dần rừng trồng gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn, tập trung ở các huyện có lợi thế về rừng như Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương.

Đặc biệt, cần lưu tâm đến chất lượng giống cây rừng và kỹ thuật thâm canh tăng năng suất. Tiến tới tất cả gỗ rừng trồng phải được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững hoặc cấp mã vùng trồng để có thể đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Do có nguyên liệu dồi dào, đảm bảo quy chuẩn, tỉnh Thái Nguyên đã và đang khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến lâm sản tương ứng theo hướng hiện đại, đa dạng, giảm dần sản phẩm thô, sản phẩm từ rừng gỗ nhỏ và cơ sở chế biến thủ công. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được một số nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ quy mô lớn với các sản phẩm xuất khẩu như viên nén, ván ép, gỗ dán.

Ngoài khai thác gỗ, các địa phương có rừng trong tỉnh đang hướng đến khai thác lâm sản ngoài gỗ như tre, nứa, cọ… và cây dược liệu dưới tán rừng. Theo đó, những vùng trồng quế tập trung đã được hình thành tại một số huyện, trong đó trọng điểm là Định Hóa và Võ Nhai, với mục tiêu đến năm 2030 đạt diện tích 11.500ha. Đồng thời, xây dựng một số mô hình sản xuất, chế biến quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ, thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến với công suất khoảng 30.000 tấn sản phẩm/năm.

Thái Nguyên đang hướng đến khai thác lâm sản ngoài gỗ như tre, nứa, cọ… và cây dược liệu dưới tán rừng. Ảnh: PH.

Theo TS. Trần Lâm Ðồng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT), gần đây, nhờ chủ trương phát triển diện tích trồng các loài cây dưới tán rừng, nhiều địa phương có rừng có xu hướng đẩy mạnh trồng cây dược liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Điển hình như thảo quả tập trung ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang; sa nhân tập trung ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Giang; ba kích ở các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ; cây sâm ở Lai Châu, Lào Cai, Kon Tum, Quảng Nam… Từ đó, đã hình thành nên nhiều vùng chuyên canh một số loài cây lâm sản ngoài gỗ để cung cấp nguyên liệu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…”, chuyên gia ngành lâm nghiệp chia sẻ.

Ưu tiên phát triển dịch vụ môi trường rừng

Theo Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Phạm Hồng Lượng, Ðề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã giao chỉ tiêu cho ngành lâm nghiệp phải phấn đấu bảo đảm nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng tăng trưởng ổn định, bình quân 5%/năm.

Mục tiêu phát triển dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở cụ thể hóa, mở rộng các loại dịch vụ môi trường rừng; đồng thời quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn từ dịch vụ môi trường rừng phù hợp với quy định của pháp luật.

Tỉnh Thái Nguyên đang tập trung xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các đề án về phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ. Ảnh: PH.

Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên xác định việc phát triển dịch vụ môi trường rừng và khai thác du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí từ hệ sinh thái rừng là những ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Theo đó, Thái Nguyên đặt mục tiêu phải triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính bằng việc hạn chế tối đa hiện tượng phá rừng, làm rừng suy thoái, cạn kiệt.

Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai rà soát để xây dựng bản đồ trữ lượng carbon cũng như lộ trình phù hợp phát triển thị trường carbon. Mặt khác, tỉnh cũng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng để đầu tư trở lại cho công tác bảo vệ rừng bền vững trên cơ sở đảm bảo lợi ích cho người trồng và giữ rừng.

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng đang tập trung xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các đề án về phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển du lịch tại Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng (huyện Võ Nhai), Khu rừng cảnh quan ATK Định Hóa và Khu rừng phòng hộ hồ Núi Cốc.

Đồng thời, quan tâm phát triển loại hình du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng, du lịch lịch sử, thể thao mạo hiểm và chăm sóc sức khỏe để tăng nguồn thu từ hệ sinh thái rừng. Theo đó, tỉnh đã chủ trương phát triển mạnh thị trường khách du lịch nội địa, hướng tới du lịch liên thông các tuyến trong và ngoài tỉnh.

Theo Cục Lâm nghiệp, nguồn thu của các loại dịch vụ trong các hệ sinh thái rừng gồm dịch vụ cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon, dịch vụ du lịch sinh thái… đã mang lại giá trị khoảng 40.000 tỷ đồng mỗi năm.

“Ngành lâm nghiệp sẽ tập trung phấn đấu đa dạng hóa, mở rộng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng phù hợp với quy định của pháp luật, đặc biệt là dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh”, ông Phạm Hồng Lượng nhấn mạnh.