Người dân phản ánh rừng keo tràm gây mất nước

Cử tri cho rằng, rừng tràm trồng đầu nguồn gây mất cân bằng sinh thái, suy giảm nguồn nước ngầm, trong khi ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị trả lời chưa có đánh giá khoa học.

Liên tiếp những lần tiếp xúc cử tri gần đây, nhiều ý kiến của cử tri tại huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho rằng, rừng đầu nguồn ở nhiều nơi tại địa phương chủ yếu trồng cây keo tràm. Đây có thể là lý do dẫn đến mất cân bằng sinh thái và làm mạch nước ngầm ngày càng hạ thấp. Từ đó, cử tri đề nghị các cấp các ngành tăng cường tuyên truyền, kiểm tra bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn.

Diện tích rừng trồng là cây keo phủ xanh ngọn đồi ở xã Ba Lòng (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Hưng Thơ

Trao đổi với Báo Lao Động về ý kiến nói trên, ông Hồ Xuân Hòe – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị – cho biết, trong thời gian qua, ngành lâm nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng trên địa bàn nên diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng, tỉ lệ che phủ rừng tăng dần qua các năm.

Khi mới tái lập lại tỉnh Quảng Trị vào năm 1989, diện tích đất có rừng của Quảng Trị là 98.626ha, độ che phủ khoảng 20% (trong đó rừng tự nhiên là 78.262ha, rừng trồng là 20.364ha. Năm 2024, diện tích đất có rừng 248.189,09ha (rừng tự nhiên 126.693,87ha, rừng trồng 121.495,22ha); tỉ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 49,4%.

Để có được thành quả trên, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác phủ xanh đất trống đồi núi trọc thông qua các chương trình, dự án như: Chương trình 327; dự án: 661, trồng rừng Việt – Đức, ADB, JBIC, JICA, Chương trình bảo vệ và PTR, trồng rừng thay thế…

Từ năm 2007, việc quản lý, bảo vệ phát triển rừng được triển khai theo quy hoạch 3 loại rừng được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt. Căn cứ vào điều kiện lập địa và mục tiêu của dự án, loài cây được ưu tiên lựa chọn trồng rừng phòng hộ đầu nguồn của các dự án trên chủ yếu là trồng hỗn giao theo băng giữa các loài cây bản địa như: Thông, Sao, Sến, Lát hoa, Muồng với các loài cây trồng phù trợ là các loài Keo (Keo Lá tràm, Keo Tai tượng, Keo lai).

Việc trồng các loài cây phù trợ là loài cây mọc nhanh nhằm che bóng cho các loài cây bản địa sinh trưởng tốt ở giai đoạn đầu trong điều kiện khắc nghiệt của khí hậu tỉnh Quảng Trị. Hiện nay, các diện tích rừng trồng quy hoạch phòng hộ đã phát huy hiệu quả chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế xói mòn… đặc biệt ở khu vực đầu nguồn các sông lớn (Thạch Hãn, Bến Hải).

Đối với việc trồng rừng sản xuất, cây Keo được xác định là cây trồng lâm nghiệp chính, mang lại giá trị kinh tế cho người dân của khu vực miền Trung nói chung cũng như địa bàn tỉnh Quảng Trị nói riêng.

“Nội dung người dân phản ánh rừng đầu nguồn ở một số nơi chủ yếu trồng tràm dẫn đến mất cân bằng sinh thái, mạch nước ngầm ngày càng hạ thấp hiện nay chưa có một báo cáo đánh giá khoa học cụ thể” – ông Hồ Xuân Hòe cho hay.

Được biết, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và các chủ rừng tập trung đầu tư trồng rừng thâm canh, kinh doanh rừng trồng gỗ lớn với luân kỳ kinh doanh rừng dài…