Theo ước tính của IREA, tính trung bình cần tạo ra 1.000 GW công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu mỗi năm cho đến năm 2030.
Ở Falls County, cách Waco (bang Texas, Mỹ) 30 phút chạy xe, Avangrid đang xây dựng dự án năng lượng mặt trời lớn nhất từ trước đến nay của hãng này. Khi hoàn thành vào đầu năm tới, dự án năng lượng mặt trời True North của Avangrid sẽ có công suất 321 MW, tương đương đủ điện cung cấp cho hơn 55.000 ngôi nhà ở Mỹ. Thế nhưng, cần nhiều hơn nữa những dự án như True North nếu muốn đạt được các mục tiêu khí hậu.
Theo ước tính của Hiệp hội Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IREA), tính trung bình cần tạo ra 1.000 GW công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu mỗi năm cho đến năm 2030, tương đương với hơn 3.000 dự án có quy mô cỡ True North. Không chỉ vậy, các tòa nhà sẽ phải được xây dựng tiết kiệm năng lượng hơn, tất cả các cơ sở hạ tầng phải thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và các môi trường tự nhiên phải được phục hồi và trở nên bền vững hơn. Chi phí cho các khoản này cực kỳ đắt đỏ.
Nếu nhiệt độ trung bình của trái đất được giới hạn trong mức mà Hiệp định Paris 2015 đặt ra thì tài chính khí hậu toàn cầu sẽ cần phải tăng lên khoảng 9.000 tỉ USD mỗi năm vào năm 2030, từ mức chỉ dưới 1.300 tỉ USD trong giai đoạn 2021-2022, theo một báo cáo vào năm ngoái của Climate Policy Initiative.
Riêng Đông Nam Á cần tới 1.500 tỉ USD để đạt các cam kết khí hậu đến năm 2030 theo thỏa thuận Hiệp định Paris, theo báo cáo Kinh tế xanh Đông Nam Á 2024 của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek. Đây là một vấn đề nan giải trong bối cảnh nợ gia tăng, nền kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn hậu COVID-19 cùng các xung đột địa chính trị vẫn kéo dài…
Tuy nhiên, cơ hội đi cùng với thách thức. Cũng theo báo cáo trên, khu vực Đông Nam Á có thể tạo ra thêm 300 tỉ USD doanh thu hằng năm nhờ các khoản đầu tư vào nền kinh tế xanh đến năm 2030 nếu chính phủ các nước tăng tốc hợp tác phát triển lưới điện và các thị trường carbon trong khu vực, thúc đẩy các sáng kiến về năng lượng sạch cũng như đưa ra các quy định rõ ràng hơn về tài chính xanh.
Trong con số “triển vọng” 300 tỉ USD, thiên nhiên và nông nghiệp, vận tải và năng lượng chiếm tới 220 tỉ USD. Chẳng hạn, đầu tư vào trồng lúa bền vững có thể cắt giảm lượng nước sử dụng và lượng thải khí methane. Các giải pháp dựa trên thiên nhiên như bảo vệ các khu rừng nhiệt đới và trồng lại rừng ngập mặn có thể “hút” CO2 ra khỏi không khí trong khi mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương vì rừng ngập mặn rất thích hợp để nuôi cá và cũng giúp bảo vệ bờ biển khỏi các cơn bão. Hay việc triển khai các dự án phong điện, năng lượng mặt trời có thể giúp khu vực giảm lệ thuộc vào than đá và khí đốt để tạo ra điện trong khi các quy định về tiết kiệm năng lượng ở các tòa nhà có thể giảm nhu cầu sử dụng điện.
Dẫu vậy, có nhiều thách thức đang cản trở cuộc chuyển đổi xanh của thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Theo Dale Hardcastle, Giám đốc Trung tâm Cải tiến Bền vững toàn cầu tại Bain & Company, đối với Đông Nam Á, đó là thách thức về nhu cầu năng lượng tăng mạnh trong bối cảnh các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, trong khi khu vực phụ thuộc quá lớn vào nhiên liệu hóa thạch (tại một số nước Đông Nam Á, xuất khẩu than đá, dầu mỏ và khí đốt vẫn là các nguồn thu nhập chính). “Đó còn là việc thiếu các sáng kiến thúc đẩy nền kinh tế xanh cũng như thiếu khả năng tiếp cận vốn để tăng tốc đúng như tốc độ chúng ta muốn”, ông nói. Hardcastle nhấn mạnh sự cam go của thách thức chuyển đổi hiện nay: “Quy mô của sự thay đổi và sự chuyển mình mà chúng ta đang tìm kiếm là chưa từng có tiền lệ”.