Quảng Trị sẽ xử lý gần 1.000 ha rừng trồng trái quy định như thế nào?

Các ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đã kiểm tra và đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị giải pháp xử lý gần 1.000 ha rừng trồng liên doanh chưa đúng quy định trên đất rừng.

Một diện tích rừng trồng sản xuất theo dạng liên doanh, liên kết ở Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải. Ảnh: H.Thơ.

Ngày 14.6, UBND tỉnh Quảng Trị xác nhận, liên quan đến các hợp đồng liên doanh trồng rừng sản xuất chưa đúng quy định tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải và Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn, UBND tỉnh Quảng Trị đã nhận được ý kiến đề xuất của các đơn vị liên quan. Tới đây, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ họp bàn, để có phương án xử lý phù hợp.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị liên quan đã đi kiểm tra thực địa các diện tích rừng trồng liên doanh, liên kết không đúng quy định, từ đó đã có đề xuất cụ thể.

Đối với 604,6 ha rừng trồng liên doanh, liên kết năm 2016 và 2018 tại Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải hiện đã đến kỳ khai thác. Để xử lý các hợp đồng liên doanh liên kết tại ban này, các đơn vị đề xuất cho phép Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải tổ chức khai thác diện tích rừng đã đến chu kỳ khai thác. Đồng thời, kinh phí thu được thì việc khai thác rừng để chi trả các khoản chi phí của ban theo phương án tự chủ đã được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt.

Khi khai thác rừng xong, Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải sẽ chấm dứt hợp đồng với các đối tác liên doanh trồng rừng sản xuất, và xây dựng phương án liên doanh, liên kết trồng rừng sản xuất mới để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với 367,1 ha rừng trồng liên doanh, liên kết năm 2020 tại Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn đến nay mới 3,5 tuổi. Do cây còn non, nên các đơn vị đề nghị tạo điều kiện cho bên liên doanh tiếp tục tổ chức thực hiện các biện pháp lâm sinh để bảo vệ tài sản đã đầu tư.

Đến cuối năm 2025, đầu năm 2026 – khi cây rừng đủ tuổi khai thác và khai thác xong, Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn sẽ chấm dứt các hợp đồng và xây dựng mới phương án liên doanh trồng rừng sản xuất để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Riêng Sở Tài chính tỉnh Quảng Trị và Cục Thuế tỉnh Quảng Trị thì đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị có phương án xử lý phù hợp với thực tế, đúng quy định.

Trước đó, như Báo Lao Động đã thông tin, từ năm 2016 đến 2020, tại tỉnh Quảng Trị có gần 1.000 ha đất được trồng rừng sản xuất theo dạng liên doanh giữa chủ rừng và doanh nghiệp sai quy định. Tháng 10.2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị đề nghị phải xử lý, chấm dứt các hợp đồng liên doanh trồng rừng sản xuất không đúng quy định.