Là quốc gia hạ nguồn sông Mê Kông, Việt Nam rất quan tâm đến các tác động xuyên biên giới và khả năng tích nước của các công trình thủy điện trên dòng sông này.
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao vào chiều 23/5, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về tác động của các công trình thủy điện trên dòng Mê Kông (14 con đập trên dòng chính, trong đó có 12 con đập của Trung Quốc) và các giải pháp của Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ: Mê Kông là dòng sông chung xuyên biên giới và chảy qua nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Là quốc gia hạ nguồn sông Mê Kông, Việt Nam rất quan tâm đến các tác động xuyên biên giới và khả năng tích nước của các công trình thủy điện trên dòng sông này.
Công trình thủy điện trên sông Mê Kông cần đảm bảo không gây tác động tiêu cực
“Như chúng tôi đã nhiều lần nói rõ, việc phát triển và vận hành các công trình thủy điện trên sông Mê Kông cần đảm bảo không gây tác động tiêu cực, bao gồm các tác động xuyên biên giới đến môi trường, cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội, đời sống kinh tế-xã hội của các nước trên lưu vực sông Mê Kông, nhất là các nước hạ nguồn và phải phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế”, ông Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh.
Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước liên quan tăng cường hợp tác nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mê Kông, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của các nước, vừa không có tác động tiêu cực đến đời sống của người dân sinh sống trong lưu vực.
Bên cạnh đó, Ủy hội sông Mê Kông quốc tế cũng có các đối tác đối thoại là các quốc gia thượng nguồn và cũng đang tích cực thúc đẩy hợp tác với các cơ chế Mê Kông khác.