Vụ án gần đây liên quan đến nhà thiết kế người Colombia, Nancy Gonzalez, bị cáo buộc buôn lậu túi xách da cá sấu và rắn vào Mỹ đã đưa thị trường da động vật quý hiếm – nguyên liệu đắt đỏ và gây tranh cãi nhất trong ngành thời trang – trở thành tâm điểm chú ý của dư luận…
Vụ việc này và những vụ việc tương tự đã phơi bày mặt tối của một ngành thương mại gây nhiều tranh cãi, nơi da động vật quý hiếm được sử dụng để chế tác thành các mặt hàng thời trang xa xỉ. Nhiều người cho rằng khi được quản lý chặt chẽ, thị trường này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn động vật hoang dã. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là liên quan đến vấn đề phúc lợi động vật, vẫn tiếp tục thổi bùng những tranh cãi.
Gây hại hay giúp ích?
“Nhu cầu thì cao như việc thực thi pháp luật lại yếu kém,” Liliana Jauregui Bordones, chuyên gia cấp cao về công bằng môi trường tại Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN), cho biết. “Việc truy xuất nguồn gốc của những tấm da quý hiếm này cực kỳ khó khăn”.
Thực tế, túi xách, giày dép và quần áo làm từ da động vật quý hiếm như cá sấu, rắn và thằn lằn nằm trong số những mặt hàng xa xỉ đắt đỏ và được ưa chuộng nhất thế giới. Mặc dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị trường, nhưng theo Bain & Company, chúng vẫn đóng góp đáng kể, chiếm từ 5 – 10% tổng doanh số mặt hàng da năm 2021. So với các sản phẩm từ da thông thường, da động vật quý hiếm mang lại lợi nhuận cao hơn và là công cụ hiệu quả để nâng tầm thương hiệu.
Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ động vật từ lâu đã lên tiếng phản đối hoạt động này. Họ cáo buộc rằng động vật quý hiếm, đặc biệt là các loài bò sát như cá sấu được nuôi nhốt trong các trang trại phải chịu đựng sự đối xử tàn nhẫn và sống trong điều kiện tồi tệ. Bên cạnh đó, họ còn lo ngại về tình trạng buôn lậu da động vật, đe dọa đến các loài động vật đang nguy cấp và quần thể động vật hoang dã.
Ở chiều ngược lại, lệnh cấm buôn bán da từ các loài bò sát cảnh đẹp cũng có thể không có lợi cho các loài và cả cộng đồng dân cư bản địa – theo các thành viên của IUCN. Những người ủng hộ, bao gồm cả một nhóm các nhà bảo tồn nổi tiếng, cho rằng việc kinh doanh các loại da động vật quý hiếm tạo ra động lực kinh tế để các cộng đồng địa phương tham gia bảo vệ các loài và hệ sinh thái dễ bị tổn thương. Họ lập luận rằng các vấn đề về tội phạm chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch thương mại, và hầu hết các loài động vật được sử dụng để khai thác da trong thời trang vốn dĩ không nằm trong danh sách nguy cấp.
Theo IUCN, các thương hiệu, nhà thiết kế và cửa hàng bách hóa xa xỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các chương trình bảo tồn trên toàn cầu. Ví dụ, Hermès và Louis Vuitton mua da cá sấu nước mặn từ một quần thể cá sấu ở Úc đã phục hồi đáng kể, gần đạt đến mật độ thích hợp của môi trường sống. Việc thu hoạch trứng cá sấu hoang dã được cho là khuyến khích bảo vệ môi trường sống và sự chấp nhận của người dân địa phương đối với loài săn mồi nguy hiểm này.
Theo Business of Fashion (BoF), các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động thương mại trong thị trường da động vật quý hiếm của những thương hiệu xa xỉ hàng đầu đã giúp đưa quần thể cá sấu nước mặn của Úc thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Tương tự, tại Louisiana, Mỹ, số lượng cá sấu Mỹ từng giảm xuống dưới 100.000 vào những năm 1950 và 1960. Nhưng nhờ một chương trình chăn nuôi do nhà nước điều hành, kết nối các đầm lầy ở Louisiana với các xưởng nghề thủ công tại Pháp và Ý, được cho là đã giúp phục hồi số lượng cá sấu lên đến hàng triệu con.
Những nỗ lực giám sát thương mại
Tuy nhiên, theo IUCN. mặc dù một số thương hiệu có thể đang thực hiện các biện pháp tích cực, những vấn đề thiếu minh bạch trong chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn là một rào cản lớn. Do đó, cần có thêm bằng chứng cụ thể để chứng minh cho những tuyên bố tích cực của các thương hiệu xa xỉ. Các nhà hoạt động môi trường kêu gọi tăng cường giám sát chuỗi cung ứng và thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo tính bền vững trong việc sử dụng da động vật quý hiếm.
Nghiên cứu của Đại học City University of New York (CUNY) công bố năm 2020 cho thấy, bất chấp nhiều lớp kiểm soát của các quốc gia và công ty, các sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp vẫn len lỏi được vào chuỗi cung ứng của một số thương hiệu thời trang nổi tiếng nhất thế giới, bất kể các thương hiệu này có biết hay không. Theo ước tính, tại Colombia, hàng triệu tấm da cá sấu hoang dã đánh bắt bất hợp pháp đã được trà trộn thành da nuôi từ những năm 1990 đến những năm 2000, làm ảnh hưởng đến khoảng 30% sản phẩm xuất khẩu của quốc gia này.
Theo một báo cáo do Traffic, mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã, thực hiện cho Ủy ban Châu Âu, da và các bộ phận khác của bò sát chiếm 10% tổng số vụ tịch thu động vật hoang dã được liệt kê trong Công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) của EU vào năm 2022. Cục Cá và Động vật Hoang dã Hoa Kỳ (US Fish and Wildlife Service) cũng đã bắt giữ gần 200 lô hàng các sản phẩm được làm từ bò sát, chủ yếu là đồ da từ các thương hiệu thời trang xa xỉ như Hermès, Louis Vuitton và Gucci.
Molly Morse, người phát ngôn của LVMH – tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu có tên trong danh sách các sản đồ da quý hiếm bị bắt giữ như Louis Vuitton, Loro Piana, Marc Jacobs, Christian Dior, Givenchy và Fendi – cho biết trong một email gửi National Geographic rằng các vụ tịch thu liên quan đến LVMH “đã xảy ra cách đây nhiều năm và chủ yếu liên quan đến thủ tục giấy tờ và dán nhãn”.
“Chúng tôi có quy trình và đào tạo nội bộ nghiêm ngặt để tuân thủ mọi quy định (về khai thác, mua bán và sử dụng da động vật quý hiếm)…và chúng tôi đang liên tục giữ liên lạc với các cơ quan pháp lý trên khắp thế giới về luật nếu có phát sinh mới,” bà Morse cho biết.
Việc những chuyến hàng buôn lậu này bị phát hiện thực ra đã cho thấy các nỗ lực giám sát thương mại về mặt hàng da động vật quý hiếm của các cơ quan quản lý đã có kết quả. Tuy nhiên, những người phản đối lại cho rằng các cuộc kiểm tra chỉ phát hiện được một phần nhỏ của hoạt động buôn bán bất hợp pháp đang diễn ra. Thêm vào đó, các lô hàng bị bắt giữ còn cho thấy những lỗ hổng vẫn tồn tại trong hệ thống kiểm soát, bất chấp các nỗ lực mà các thương hiệu cao cấp khẳng định đã thực hiện.
Helen Crowley, chuyên gia toàn cầu về kinh doanh và đa dạng sinh học, đồng thời là cựu giám đốc bộ phận tìm nguồn cung ứng bền vững và sáng kiến thiên nhiên tại Kering, cho biết các công nghệ mới đang làm cho việc truy xuất nguồn gốc trở nên dễ dàng hơn và các quy định mới đang khiến việc truy xuất nguồn gốc trở nên cấp thiết hơn. “Nếu quy trình sản xuất khép kín và bền vững, nguồn cung được theo dõi sát sao với đầy đủ giấy tờ, những sản phẩm này với chất lượng tốt, độ bền cao sẽ không ảnh hưởng tới sự tuyệt chủng của những loài động vật quý hiếm”.