Sau một thời gian dài truy quét tại các khu chợ tự phát, nhà hàng, quán ăn… nạn buôn bán các loại động vật hoang dã ở miền Tây Nam Bộ đã có chiều hướng giảm bớt. Tuy nhiên thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội, các nhóm kín, chợ online tình trạng rao bán nhiều loài động vật hoang dã lại tái diễn.
Trong một nhóm cộng đồng dân cư trên mạng xã hội facebook với khoảng 37.000 thành viên, một tài khoản liên tục đăng tin quảng cáo bán các loại chim trời “Hôm nay em lại có cò vạc, cò ốc, chim trời, gà nước… nhé cả nhà. Ai ăn gì inbox em làm sẵn giao luôn nhé”. Được biết, tài khoản này có nhiều lần quảng cáo rao bán các loại chim trời săn bắt trong tự nhiên ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Thậm chí ngoài hình ảnh, tài khoản trên mạng còn có thể quay cả clip để thu hút khách hàng. Trong đó hàng chục chú chim bị buộc chân, treo ngược lên cùng hình ảnh nhiều con chim khác đã bị làm thịt, đang thui.
Không chỉ rao bán, trên nhóm còn có nhiều người đăng thông tin để thu mua tất cả các loại chim trời mà người khác săn bắt được. Kèm theo đó là số điện thoại để liên lạc trực tiếp. Việc đăng các thông tin bán và đặc biệt là thu mua các loại chim trời như vậy đang hàng ngày kích thích tình trạng săn bắt chim trời trái phép diễn ra ở nhiều địa bàn miền Tây Nam Bộ.
Người mua bán chim trời hay các loại động vật hoang dã trên mạng thường đăng tải thông tin bằng các tài khoản ảo để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Thậm chí sau khi đăng thông tin lên mạng và có khách vào mua bán trao đổi, họ sẽ đưa số điện thoại để nhắn tin và xóa các thông tin công khai khiến việc tìm kiếm, kiểm soát thông tin vô cùng khó khăn.
Hiện nay trên mạng xã hội facebook còn nhiều nhóm với hàng nghìn thành viên được lập ra chỉ để mua bán, trao đổi các loại động vật hoang dã, trong đó có không ít các động vật nằm trong danh sách cần bảo vệ.
Tại một nhóm khác chuyên mua bán thú rừng, một tài khoản đăng thông tin kèm clip bán nhiều loại thú rừng như chồn hương, rùa núi, rùa vàng, kỳ đà, rắn hổ ngựa, mang, hoẵng, cầy, sóc, nhím… với cam kết đều là hàng bắt trong tự nhiên. Đáng chú ý, kèm theo lời chào hàng là rất nhiều clip, hình ảnh chụp các loài động vật hoang dã bị săn bắt. Trong đó nhiều loại đã được giết mổ, cấp đông và hứa sẽ giao hàng “toàn quốc”.
Theo luật sư Nguyễn Trí Đức (Đoàn luật sư TPHCM) hiện nay quy định của pháp luật có nhiều chế tài xử phạt các hành vi săn bắt, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ các loại động vật rừng hoang dã và động vật rừng thuộc loại quý hiếm, nguy cấp. Cụ thể, theo Điều 21 Nghị định 35/2019/NĐ-CP, sửa đổi năm 2022 thì các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động rừng trái quy định sẽ có nhiều mức hình phạt hành chính với số tiền từ 1 triệu đồng đến 25 triệu đồng tuỳ theo hành vi, số lượng và loại động vật này. Bên cạnh đó còn có hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, công cụ vi phạm và buộc khắc phục hậu quả về môi trường, lây lan dịch bệnh nếu có.
Trong khi đó, cũng với các hành vi nêu trên nhưng là nhóm các loại động vật rừng quý hiếm, nguy cấp… thì mức xử phạt tăng lên rất nhiều, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo Điều 244 bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) về các vi phạm săn bắt, giết mổ, nuôi nhốt, vận chuyển động vật hoang dã có thể bị phạt từ 50 đến 300 triệu đồng, kèm theo hình phạt tù không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, nếu việc vi phạm này có tổ chức, lợi dụng danh nghĩa cơ quan tổ chức, tái phạm tội hay sử dụng các dụng cụ cấm để săn bắt… thì có thể phạt tới 1,5 tỷ đồng kèm theo mức phạt tù từ 3 đến 7 năm.