Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cả nước hiện có 14,8 triệu ha rừng, nhưng 1/3 trong số đó là rừng trồng, thường xuyên bị cháy, khai thác, nên thiếu bền vững…
Thông tin với phóng viên Báo Lao Động ngày 5.5, lãnh đạo UBND xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, Quảng Nam cho biết, chỉ 1 vụ cháy rừng vừa xảy ra ở địa phương cuối tháng 4, đã thiêu rụi 100ha rừng keo của 10 hộ dân. Trong đó, hộ ít nhất 4ha, hộ nhiều lên đến 30ha.
Giá thị trường hiện 1ha keo trồng bán được 70 triệu đồng. Vì vậy, chủ hộ bị cháy 20 – 30ha vừa rồi đã mất trắng tiền tỉ. Đó không chỉ là nguồn thu, vốn vay, mà còn là công sức chăm trồng, bảo vệ hơn 5 năm của dân, nay bỗng chốc trắng tay.
Ngoài thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, cháy rừng đang lặp lại hàng năm, đe doạ tính bền vững của những cánh rừng vốn đang bị thu hẹp dần như hiện nay.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (tổ chức ở Kon Tum hôm 5.5), Bộ NN-PTNT cho biết, cả nước có 14,8 triệu ha rừng, nhưng 1/3 trong số đó là rừng trồng. Năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, do nắng nóng kỷ lục, cả nước xảy ra gần 400 vụ cháy rừng, thiệt hại gần 1.200ha rừng.
Phát biểu tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nói: “Về lý thuyết, độ che phủ rừng cả nước là 42%, nhưng diện tích thực tế có thể thấp hơn. Theo quy định, đến năm 2030, mới đo đạc lại nhưng Trung ương có chủ trương giao Bộ NN-PTNT lập đề án đo đạc riêng cho 5 tỉnh Tây Nguyên. Đây là làm thí điểm, xem mức độ còn rừng có đúng như trên giấy hay không”.
“Nghi ngờ” diện tích rừng thực tế thấp hơn là có cơ sở. Bởi phần lớn trong số gần 5 triệu ha rừng trồng, chỉ sau 4 – 5 năm là bị luân phiên trọc hóa do đến tuổi khai thác. Chưa kể, sau thu hoạch, dân đốt thực bì, nên hàng năm xảy ra cả trăm vụ cháy rừng.
Địa phương nào cũng “than” lực lượng quản lý bảo vệ rừng mỏng, kinh phí thiếu nên rất khó giảm thiểu các vụ phá rừng, cháy rừng. Nhiều tỉnh như Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam… đang trông chờ vào nguồn kinh phí thu được sau khi bán tín chỉ carbon từ rừng để cải thiện.
Nhưng mất rừng do cháy hay phá rừng đều ảnh hưởng đến tính bền vững – điều kiện tiên quyết đến việc bán tín chỉ carbon. Cho nên, muốn sớm có thêm tiền từ nguồn bán tín chỉ carbon, bù đắp ngân sách cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, thì các địa phương phải bằng mọi giá bảo vệ được rừng.
Trước khi chờ giải pháp đồng bộ, hữu hiệu từ ngành Kiểm lâm, Bộ NN-PTNT, mỗi địa phương phải tự nghĩ ra cách quản lý bảo vệ rừng hiệu quả. Như việc Quảng Ngãi cấm tuyệt đối, không cho đốt thực bì rừng trồng sau khai thác. Nhờ vậy, Quảng Ngãi chỉ có 1 vụ cháy rừng trong năm 2022, và 5 vụ năm 2023. Dù địa phương này có trên 150.000ha rừng trồng.
Dọn thực bì mà không đốt kiểu Quảng Ngãi sẽ tốn nhiều công sức, nhưng không bị mất tiền tỉ như nông dân ở Quảng Nam – nếu xảy ra cháy rừng. Rừng cả nước mới được tồn tại, sinh trưởng bền vững.