Mặc dù các chính sách công nghiệp và định giá carbon có thể giúp các nhà hoạch định chính sách ở Hoa Kỳ và châu Âu tránh được những lựa chọn chính trị khó khăn nhưng chúng ta không thể dựa vào những công cụ này để đạt được các mục tiêu quan trọng về khí hậu. Các chính sách về khí hậu phải chuyển từ việc tập trung vào thuế và trợ cấp xanh và bước vào giai đoạn sử dụng các giải pháp chính trị.
Trong những năm gần đây, nhiều nhà hoạch định chính sách cho rằng họ đã tìm ra công thức hoàn hảo để thực hiện các chính sách thân thiện với khí hậu mà không phải đối mặt với những đánh đổi chính trị khó khăn: trợ cấp trên quy lớn. Chiến lược này, thường gắn liền với Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã ảnh hưởng đến một số nước phương Tây.
Về mặt lịch sử, các nhà kinh tế học chính thống tin rằng cách tốt nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi xanh là thiết lập giá carbon thông qua thuế hoặc hạn ngạch, sau đó chuyển các quyết định kinh tế liên quan cho các khối tư nhân. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều nhà kinh tế đã chỉ trích IRA là một phương pháp phân bổ nguồn lực kém hiệu quả. Nhưng họ đã bỏ lỡ những khía cạnh quan trọng của chính sách dựa trên trợ cấp công nghiệp xanh.
Những chính sách như vậy đã vượt qua được một số trở ngại chính trị cản trở việc hoạch định chính sách về khí hậu. Họ nuôi hy vọng rằng lợi ích công nghiệp, mối quan tâm về an ninh và các ưu tiên về môi trường có thể được điều chỉnh. Chúng cân bằng giữa mối quan ngại sâu sắc của cử tri về biến đổi khí hậu và nhu cầu tái công nghiệp hóa của người lao động, thậm chí còn phục vụ một số mục tiêu kinh tế thuần túy. Từ góc độ kinh tế vĩ mô, khi lãi suất ở mức thấp lịch sử, các chương trình tài trợ bằng nợ có thể hỗ trợ cú hích cần thiết đối với tổng cầu cho nền kinh tế đang bị tổn thương bởi cuộc khủng hoảng COVID-19 và nỗi lo sợ về tình trạng trì trệ kéo dài. Từ góc độ kinh tế vi mô, những chương trình như vậy có thể được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực cụ thể.
Nhưng những hạn chế của học thuyết này ngày càng trở nên rõ ràng. Đầu tiên, điều kiện tài chính đã thay đổi. Các khoản đầu tư xanh mà Pháp cần thực hiện đến năm 2030 ước tính khoảng 2% GDP, một nửa trong số đó dự kiến đến từ khu vực công. Những con số này phù hợp với các ước tính khác đối với các quốc gia tương tự. Do lãi suất tăng, cần có sự giám sát tài chính bổ sung để đáp ứng các khoản đầu tư này. Thứ hai, chỉ trợ cấp thôi thì không thể đưa các mục tiêu về khí hậu của chúng ta vào tầm tay. Rủi ro nằm ở khả năng tăng cường sử dụng năng lượng sạch mà không làm giảm đáng kể việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đáng tiếc, đây lại là xu hướng toàn cầu hiện nay.
Thứ ba, từ quan điểm chính trị, mặc dù các ngành công nghiệp xanh là cần thiết nhưng chúng không ngay lập tức tạo ra một lượng người ủng hộ đủ lớn để chống lại phản ứng dữ dội của công chúng đối với những hạn chế mới. Thách thức này thể hiện rõ ở Đức, nơi chính phủ gần đây đã phải điều chỉnh kế hoạch loại bỏ dần các hệ thống sưởi ấm bằng nhiên liệu hóa thạch, và ở Hà Lan, nơi kế hoạch cắt giảm lượng khí thải nitơ đã gây ra phản ứng tương tự. Đã đến lúc cần cập nhật học thuyết. Trong khi các khía cạnh quan trọng của chính sách công nghiệp xanh cần được duy trì và thậm chí tăng cường thì việc sửa đổi và bổ sung là rất cần thiết. Điều quan trọng là chính sách tài khóa phải được cải cách. Trong thời kỳ thắt chặt tiền tệ, nợ công liên quan đến chính sách khí hậu cần được phân biệt rõ ràng. Pháp dự định thực hiện điều này ở cấp địa phương nhưng cũng cần có sự tiến bộ ở cấp quốc gia và cả ở châu Âu. Điều này có thể liên quan đến việc đầu tư bổ sung của Liên minh châu Âu hoặc sửa đổi các quy tắc tài chính của EU.
Để tạo ra các nguồn lực bổ sung, cần phải giảm trợ cấp cho “mảng nâu” và tăng một số loại thuế nhất định thông qua phối hợp quốc tế. Các biện pháp tiềm năng bao gồm mở rộng cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới và tăng cường đóng góp từ lĩnh vực vận tải hàng hải và hàng không.
Bằng cách cam kết công khai về một chiến lược dài hạn để tài trợ và thực hiện đầu tư vào khí hậu, các chính phủ có thể dễ dàng tác động hơn đến quyết định đầu tư của các công ty tư nhân và hộ gia đình, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều phối chính sách tài chính và công nghiệp xuyên biên giới quốc gia.
Ngân sách hàng năm không đủ cho công chúng thấy được sự thay đổi rõ ràng. Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật yêu cầu các biện pháp như vậy. Cũng cần có lộ trình chi tiết. Để dung hòa các mục tiêu về khí hậu, tính bền vững kinh tế và sự ủng hộ chính trị, cần sử dụng hài hòa tất cả các công cụ chính sách. Nhằm đạt được mục tiêu này, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã được đánh dấu bằng việc đưa ra một cách tiếp cận mới: quy hoạch môi trường. Chiến lược này xuất hiện từ việc nhận ra những thiếu sót của việc phụ thuộc quá nhiều vào định giá carbon, đặc biệt là sau khi thuế xăng và dầu diesel tăng vào năm 2019 đã làm dấy lên các cuộc biểu tình “áo vàng”, khởi xướng bởi những người phụ thuộc vào phương tiện chạy bằng xăng, dầu diesel và các nhóm cảm thấy bị bỏ rơi.
Mặc dù thừa nhận rằng các lực lượng thị trường không thể tạo ra các giải pháp thay thế đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu xã hội, quy hoạch môi trường cũng thừa nhận những hạn chế của việc chỉ dựa vào trợ cấp. Cách tiếp cận của Pháp dựa trên việc vạch ra một cách tỉ mỉ tất cả các hành động cần thiết để cắt giảm 55% lượng phát thải khí nhà kính của đất nước vào năm 2030 (so với mức của năm 1990).
Khi nói đến các lĩnh vực như cải tạo nhà ở, ô tô điện và loại bỏ cacbon công nghiệp, các giải pháp khả thi đã tồn tại và chủ yếu chỉ cần mở rộng quy mô hoặc cải tiến từng bước. Chỉ có một số ít trường hợp cần đến sự đổi mới mang tính đột phá. Sản xuất điện sạch sẽ được thúc đẩy nhờ năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo, đồng thời hiệu quả sử dụng năng lượng cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng.
Để đạt được các mục tiêu về khí hậu cần có sự kết hợp nhiều công cụ. Ví dụ, trong lĩnh vực nhà ở, chính phủ Pháp đã trợ cấp rất lớn cho các hộ gia đình nghèo và trung lưu để cách nhiệt cho những ngôi nhà của họ. Nó đã khuyến khích những người khác bằng cách dần dần đưa ra lệnh cấm đối với những tài sản cho thuê cần được cải tạo khẩn cấp. Ngoài ra, quốc gia này còn đặt ra các mục tiêu chính sách công nghiệp đầy tham vọng, đặc biệt đối với sản xuất nội địa các sản phẩm máy bơm nhiệt.
Chắc chắn vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đạt được một nền kinh tế xanh hơn. Năm tới sẽ là năm thử thách quan trọng đối với nhiều nước phương Tây, với các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, EU và Vương quốc Anh diễn ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị leo thang về các vấn đề môi trường.
Có một số yếu tố rất quan trọng để ngăn chặn sự phản đối của số đông đối với các chính sách khí hậu và khuyến khích áp dụng các giải pháp sạch, chẳng hạn như xe điện. Trong khi tác động tiêu cực của những thay đổi chính sách thường dễ nhận ra thì những kết quả tích cực vẫn ở dạng tiềm ẩn. Ví dụ, các chính phủ châu Âu đã thông báo rằng ô tô sản xuất mới chạy bằng xăng và dầu diesel sẽ bị cấm vào năm 2035 nhưng lại gặp khó khăn trong việc đưa ra mức giá ước tính cho xe điện. Cần phải đưa ra những cam kết rõ ràng hơn vì việc người dân so sánh giá hiện tại của ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel với xe điện là điều dễ hiểu. Hơn nữa, sự tham gia của công chúng phải đóng vai trò trung tâm, vì việc loại bỏ dần các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ đòi hỏi các kế hoạch sâu rộng để đào tạo lại công nhân ngành sản xuất ô tô và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Việc phân vùng địa lý và quy hoạch lại đô thị cũng là giải pháp cần thiết để giảm thời gian đi lại hàng ngày dễ dẫn đến hậu quả người dân phải phụ thuộc vào nhiên liệu giá rẻ.
Cuối cùng, chúng ta phải đấu tranh cho sự công bằng. Để chống lại quan điểm dân túy về việc giới tinh hoa trốn tránh các hạn chế áp đặt lên tầng lớp trung lưu, giới siêu giàu nên đóng góp nhiều hơn mức đóng góp của công chúng. Để bày tỏ sự cam kết ít nhất cũng là về mặt biểu tượng, EU có thể công bố các kế hoạch tham vọng nhằm kiểm soát ngành công nghiệp máy bay phản lực tư nhân và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Đây chỉ là một phần nhỏ trong quá trình đổi mới sâu rộng mà chúng ta đang rất cần. Với việc chỉ tập trung vào định giá carbon và trợ cấp công nghiệp, các nhà hoạch định chính sách đã từng hy vọng sẽ tránh được những lựa chọn chính trị khó khăn. Nhưng cả hai cách tiếp cận đều tỏ ra không thỏa đáng, cả về mặt xã hội lẫn kinh tế. Các chính sách về khí hậu phải thoát khỏi thời kỳ thuế xanh và trợ cấp để bước vào thời kỳ sử dụng các giải pháp chính trị.
Tác giả: David Amiel
* David Amiel, thành viên Quốc hội Pháp, là Báo cáo viên đặc biệt về Ngân sách Chính sách Môi trường và là thành viên của Ủy ban Tài chính và Ủy ban Các vấn đề châu Âu. Ông là người điều phối ý tưởng chiến dịch tranh cử của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào các năm 2017, 2022 và cũng là cựu cố vấn chính sách cho tổng thống trong giai đoạn 2017-2019.
Nguồn: Project Syndicate