Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện, thu giữ nhiều thú rừng còn sống và hàng chục kg động vật rừng đã bị giết hại tại một đầu mối thu gom hàng rừng mà phóng sự điều tra của Báo Lao Động đã phản ánh. Đáng chú ý trong số này có nhiều cá thể các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Vũ Đình Cường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết: Sau khi nhận được thông tin phản ánh của Báo Lao Động và chỉ đạo của Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng triển khai kiểm tra, rà soát các địa điểm có dấu hiệu tàng trữ, kinh doanh, buôn bán động vật hoang dã.
“Chúng tôi đã kiểm tra các địa điểm mà Báo Lao Động phản ánh. Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi đã bắt được những cá thể động vật hoang dã, cả sống và đã chết tại đầu mối buôn bán hàng thú rừng thuộc thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng” – ông Cường cho biết.
Máu thú rừng vẫn chảy – Tiếp lửa cho các “vệ sĩ” của rừng
Thu giữ nhiều “hàng rừng” quý hiếm tại nhà trùm buôn thú rừng sau loạt bài của Lao Động
Máu thú rừng vẫn chảy: Cục Kiểm lâm vào cuộc theo điều tra của Báo Lao Động
Máu thú rừng vẫn chảy – Những cuộc “truy sát” dưới tán rừng
Máu thú rừng vẫn chảy – Ngang nhiên xẻ thịt, thui vàng
Máu thú rừng vẫn chảy – Trang trại trá hình và những “lộ trình” của thú hoang về phố
Máu thú rừng vẫn chảy – Hốt bạc nghề “đóng mở tủ đông”
Theo ông Cường, tại nhà ông Nguyễn Minh Hải (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) – đầu mối chuyên thu mua và buôn bán hàng rừng mà Báo Lao Động đã phản ánh, Đoàn kiểm tra ghi nhận có tàng trữ một số lượng tương đối lớn các cá thể động vật, bộ phận dẫn xuất từ động vật. Chủ yếu là các cá thể cầy vòi hương, cheo cheo – là các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB và một số loài khác.
Ông Nguyễn Minh Hải (chủ nhà) khai nhận có mua bán, tàng trữ, nuôi nhốt 17 cá thể cầy vòi hương và 4 bộ phận dẫn xuất từ động vật rừng với tổng trọng lượng là 45,2 kg.
Trong đó có 17 cá thể cầy vòi hương, trọng lượng 39,1 kg (5 cá thể đã chết: 9 kg, 12 cá thể còn sống: 30,1 kg); 1 cá thể cheo cheo, trọng lượng 1 kg (đã chết). Nhím: 2,7 kg (không còn phần đầu). Bộ phận dẫn xuất 2 đuôi và 1 đầu, trọng lượng 3,4 kg.
Đoàn kiểm tra đã bàn giao biên bản ghi nhận và toàn bộ tang vật vi phạm cho Hạt Kiểm lâm Di Linh, đồng thời mời ông Nguyễn Minh Hải tiếp tục làm việc, làm rõ vụ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, đây là một trong những đầu mối thu mua, buôn bán và vận chuyển hàng rừng lớn trên địa bàn huyện Di Linh. Thời điểm phóng viên có mặt, những chiếc tủ đông nhà Hải luôn chật kín xác động vật rừng còn nguyên lông lá, những cá thể chồn, cheo cheo được cấp đông nguyên con…
Trên bức tường trong phòng nhà Hải treo đầy “thủ cấp” của các con thú hoang đã bị giết hại. Không biết bao nhiêu thú rừng đã chết, đã bị bắt dưới tay thợ săn, rồi đưa về đầu mối này trước khi cung cấp đến các quán nhậu, nhà hàng, phục vụ thực khách.
Trước đó, Cục Kiểm lâm – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk yêu cầu kiểm tra, xử lý tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế biến động vật rừng trái pháp luật theo loạt phóng sự điều tra “Máu thú rừng vẫn chảy” của Báo Lao Động.
Nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý bảo vệ động vật rừng, mua bán vận chuyển lâm sản trái pháp luật, Cục Kiểm lâm đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng tổ chức rà soát, kiểm tra xác minh dấu hiệu vi phạm về mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế biến động vật rừng, bộ phận cơ thể của động vật rừng trái pháp luật theo thông tin phản ánh và cương quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên điều tra Báo Lao Động, trong suốt thời gian qua, nhiều đối tượng thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk đã ngang nhiên săn bắt, thu mua, buôn bán, vận chuyển trái phép nhiều loại động vật hoang dã.
Siêu lợi nhuận kiếm được từ các thực khách nhậu thịt thú rừng, sự tinh vi và hiện đại của công nghệ săn bắt… đã khiến nhiều loài thú rơi vào một cuộc truy sát trên diện rộng. Những cuộc bủa vây không lối thoát khiến các loài thú quý, hiếm, được bảo vệ trong “Sách đỏ” có nguy cơ rơi vào bờ vực của sự tuyệt chủng. Tuyến bài điều tra “Máu thú rừng vẫn chảy” của Lao Động muốn góp tiếng nói tâm huyết để bảo vệ các loài thú quý hiếm; vạch trần các hành vi sai phạm để giữ gìn được các loài động vật hoang dã, trước khi quá muộn. |