Máu thú rừng vẫn chảy – Tiếp lửa cho các “vệ sĩ” của rừng

Chúng tôi đi theo lực lượng bảo vệ rừng, chứng kiến cảnh thú hoang mắc bẫy, tràn lan trong rừng là các loại bẫy dây. Để bảo vệ động vật hoang dã, rất cần sự chung tay của cả xã hội.

Giải thưởng “Người giữ rừng Chư Yang Sin” được kỳ vọng sẽ góp phần tuyên dương, hỗ trợ và động viên tinh thần lực lượng bảo vệ rừng. Ảnh: WildAct cung cấp

Máu thú rừng vẫn chảy – Tiếp lửa cho các “vệ sĩ” của rừng

Thu giữ nhiều “hàng rừng” quý hiếm tại nhà trùm buôn thú rừng sau loạt bài của Lao Động

Máu thú rừng vẫn chảy: Cục Kiểm lâm vào cuộc theo điều tra của Báo Lao Động

Máu thú rừng vẫn chảy – Những cuộc “truy sát” dưới tán rừng

Máu thú rừng vẫn chảy – Ngang nhiên xẻ thịt, thui vàng

Máu thú rừng vẫn chảy – Trang trại trá hình và những “lộ trình” của thú hoang về phố

Máu thú rừng vẫn chảy – Hốt bạc nghề “đóng mở tủ đông”

“Thú tặc” qua các vụ bắt giữ nghiêm khắc

Ngày 7.1.2024, Công an huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Hà Văn Suôi (34 tuổi, tạm trú tại thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) để điều tra về hành vi săn bắn động vật thuộc danh mục loài nguy cấp quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Từ khoảng tháng 4 đến cuối tháng 11.2023, cứ khoảng 17h hằng ngày, Suôi mang súng, theo đường mòn ở hồ Đankia (thị trấn Lạc Dương) vào xã Đưng K’Nớ để săn bắn. Sau đó, Suôi chở các động vật rừng về nơi ở để giết mổ. Thịt và xương thì chế biến nấu ăn, chân và bộ phận sinh dục của một số động vật, hắn cho vào hũ nhựa màu trắng, đổ rượu vào ngâm.

Qua giám định, cơ quan chức năng xác định khẩu súng mà Suôi sử dụng là súng hơi bắn đạn chì. Các xác động vật hoang dã nhiều loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm ưu tiên bảo vệ và có tên trong nhóm IB (theo nghị định 06/2019/NĐ-CP).

Cụ thể: 2 bàn chân của gà lôi trắng, 1 bàn chân và 1 bộ phận sinh dục của cầy vòi hương, 2 bàn chân chà vá chân đen, 10 bàn chân của sóc bay trâu, 6 bàn chân cu li nhỏ, 21 bàn chân của sóc bay sao.

Khẩu súng hơi mà Suôi sử dụng giết hại thú rừng.
Xác động vật hoang dã nhiều loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm ưu tiên bảo vệ và có tên trong nhóm IB.

Đơn cử tiếp, một vụ bắt giữ “mắt xích” Phạm Thị Tám (SN 1980, trú phường Thắng Lợi, TP Pleiku), Công an Gia Lai đã thu tang vật 32 cá thể động vật gồm: 16 con tê tê, 5 con rắn hổ chúa, 3 rùa hộp trán vàng, 8 rùa đầu to.

Hoặc, một đối tượng trú ở huyện Krông Bông – Đắk Lắk bị bắt giữ, mới làm lộ ra thêm các con đường để chủ vựa tên Nguyên (bài trước chúng tôi đã mô tả) và nhiều người” khác thu mua được lắm loại thú quý hiếm rồi bán đi cả nước với giá cắt cổ. 2 đối tượng sa lưới pháp luật gồm: Thào Văn Tiệp và Giàng Seo Sính (cả hai sống tại Krông Bông) đang vận chuyển 10 cá thể don, 2 cá thể chồn, 1 cá thể gà lôi trắng, tổng trọng lượng hơn 35 kg.

Vấn đề chúng tôi đặt ra là: Cả xã hội cần chung tay, quyết liệt chống lại nạn buôn bán súng săn, tàng trữ sử dụng súng quân dụng, nạn sử dụng bình xịt hơi cay và các loại bẫy dây.

Máu của kiểm lâm đã đổ, họ đã để lại cả tuổi trẻ và sự sống của mình nhằm bảo vệ các cánh rừng. Máu thú hoang đã đổ và sẽ còn đổ cho đến cá thể cuối cùng, nếu vũ khí và chó săn còn lùng sục “động rừng” ở khắp nơi.

Thợ săn thú rừng bị cơ quan chức năng bắt giữ cùng tang vật là súng đạn, xác 2 cá thể cheo cheo.

Giải thưởng “Người giữ rừng” và ngọn lửa bảo tồn

Trước những khó khăn ấy, cần sự vào cuộc, không chỉ của các tổ chức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, mà cần sự chung tay của cả cộng đồng, trước khi quá muộn.

Chúng ta từng biết đến những cá nhân xuất sắc như anh Nguyễn Văn Thái, hiện là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam. Mới đây, anh trở thành người giữ kỷ lục đáng xúc động trong giới bảo vệ thiên nhiên Việt Nam, khi vinh dự nhận giải thưởng Goldman (một giải “Nobel Xanh” của thế giới) trị giá gần 6 tỉ đồng. Thái không lấy một đồng nào, mà đem toàn bộ “hiến tặng” cho công tác bảo tồn ở Việt Nam.

Anh cùng cộng sự tổ chức thành lập đội Anti-poaching (chuyên trách bảo vệ rừng, chống săn trộm thú hoang) tại VQG Pù Mát, rồi mở rộng hoạt động bảo tồn ra các VQG, khu bảo tồn khắp Việt Nam. Các thành viên đội Anti-poaching được đào tạo võ thuật để sát cánh cùng lực lượng kiểm lâm, trực tiếp đi phá lều lán của lâm tặc, bắt giữ các đối tượng, vận động họ “quay đầu lại bờ”, họ cũng hóa trang điều tra (phối hợp với kiểm lâm và công an các cấp) xử lý kiên quyết các đường dây buôn bán thú rừng.

Nói đến những nhân vật truyền cảm hứng bảo vệ thiên hoang dã, không thể không nhắc đến nhà bảo tồn Trang Nguyễn – nhà sáng lập, Giám đốc Điều hành Trung tâm Hành động vì Động vật Hoang dã – WildAct.

“Tình trạng thú rừng bị săn bắt tại khu vực Tây Nguyên vẫn đang rất nóng. WildAct đã từng tiến hành khảo sát điều tra mật độ bẫy tại vườn quốc gia Chư Yang Sin. Trong quãng thời gian gần 2 năm được đồng hành cùng với VQG, chúng tôi đã được chứng kiến, và thấu hiểu một phần nào những vất vả, khó khăn và thử thách mà các anh chị kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đang phải đối diện.

Từ việc sinh sống và công tác xa gia đình, đến điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, thậm chí ở những khu vực xa xôi hẻo lánh còn không có sóng điện thoại, đến việc thường xuyên phải đi tuần tra, thực địa, phải ngủ và sinh sống trong rừng nhiều ngày đêm bất chấp mọi thời tiết khắc nghiệt. Nhưng các anh, các chị vẫn kiên tâm với nghề và có những cống hiến vô cùng đáng quý cho công tác bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam” – nhà bảo tồn Trang Nguyễn chia sẻ.

Số lượng lớn các loại bẫy mà thợ săn giăng trong các cánh rừng để tàn sát thú rừng được lực lượng chức năng gỡ.
Bẫy dây đã xiết chết các loài thú lớn nhỏ, bất cứ con gì dính phải bẫy đều khó thoát.

Vừa qua, vào tháng 3.2024, Trung tâm Hành động vì Động vật Hoang dã Việt Nam – WildAct với sự đồng hành của Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (VNPPA) và Ban quản lý VQG Chư Yang Sin, lần đầu tiên đã tổ chức thành công giải thưởng “Người giữ rừng Chư Yang Sin”.

Với tổng diện tích gần 60.000 ha, thế nhưng toàn bộ VQG Chư Yang Sin chỉ có khoảng 100 cán bộ Kiểm lâm làm việc, tức là mỗi 1 kiểm lâm viên sẽ phải phụ trách 600 ha rừng. Thực tế này cho thấy, những áp lực và khó khăn của các cán bộ tại đây đang phải đối mặt là vô cùng lớn.

Nhiều cá nhân được vinh danh tại giải thưởng “Người giữ rừng Chư Yang Sin“. Ảnh: WildAct cung cấp

Giải thưởng (kèm theo cúp và tiền thưởng) cá nhân xuất sắc, gồm: Hạng mục Tuần tra được trao cho các anh Y Noi Lòng Ding (trạm Kiểm lâm số 7) và Đỗ Văn Lâm (Trạm Kiểm lâm số 10); Hạng mục Nghiên cứu thuộc về chị Lê Thị Hà (thuộc Phòng Nghiên cứu Khoa học); Hạng mục Vinh Danh sự Cống hiến đã gọi tên đồng chí Nguyễn Văn Lương (Phó Giám Đốc VQG Chư Yang Sin).

Với những người trẻ năng động, vừa biết gây quỹ, biết thu hút và truyền cảm hứng đặc biệt cho giới trẻ và cả cộng đồng tham gia vào làm bảo tồn như Nguyễn Văn Thái, Trang Nguyễn… đã thực sự là dấu ấn rực sáng, là niềm hy vọng đáng cảm kích mà công tác bảo tồn của chúng ta có được hiện nay.

Nhóm phóng viên điều tra

Nguồn: