Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định quy định về thanh lý rừng trồng.
Điều kiện rừng trồng được thanh lý
Theo dự thảo, rừng trồng được thanh lý khi đạt các điều kiện sau:
1- Diện tích rừng trồng đề nghị thanh lý có đầy đủ hồ sơ về nguồn gốc rừng trồng.
2- Rừng trồng thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Rừng trồng trong giai đoạn đầu tư kiến thiết cơ bản không đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiệm thu hoàn thành theo quy định của pháp luật về đầu tư công trình lâm sinh đối với rừng.
b) Rừng trồng đã hoàn thành giai đoạn đầu tư kiến thiết cơ bản bị thiệt hại không đạt tiêu chuẩn quốc gia về rừng trồng do một trong các nguyên nhân: thiên tai, dịch bệnh, sâu bệnh, sinh vật gây hại rừng hoặc do nguyên nhân khách quan khác.
Nguyên tắc thanh lý rừng trồng
Theo dự thảo, thanh lý rừng trồng phải tuân thủ quy định của nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công.
Thực hiện thanh lý rừng trồng phải đảm bảo kịp thời, tránh làm thất thoát, lãng phí tài sản và phát huy hiệu quả sử dụng đất quy hoạch cho phát triển rừng.
Thực hiện thanh lý tài sản thu được từ thanh lý rừng trồng theo quy định của pháp luật.
Trường hợp điều ước quốc tế, thỏa thuận giữa Việt Nam với nhà tài trợ nước ngoài có quy định cụ thể, việc thanh lý rừng trồng được thực hiện theo điều ước quốc tế, thỏa thuận đã ký kết.
Thẩm quyền thanh lý rừng trồng (*)
Dự thảo nêu rõ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang bộ.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng
Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân đề nghị thanh lý rừng trồng nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử đến cơ quan chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền theo quy định (*) (Cơ quan tiếp nhận hồ sơ):
Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời về tính đầy đủ của thành phần hồ sơ cho tổ chức, cá nhân trong thời hạn tối đa 01 ngày làm việc.
Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính: Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân.
Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử: Trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được hồ sơ, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân. Hồ sơ nộp qua môi trường điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng thẩm định thanh lý rừng trồng. Thành phần Hội đồng thẩm định gồm đại diện: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ; Cơ quan tài chính cùng cấp với Cơ quan tiếp nhận hồ sơ; cơ quan trực tiếp quản lý đầu tư diện tích rừng trồng đề nghị thanh lý; chuyên gia, nhà khoa học.
Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định thanh lý rừng trồng, Hội đồng thẩm định thanh lý rừng trồng thực hiện các nội dung sau:
1- Kiểm tra, xác minh hiện trường. Kết quả kiểm tra, xác minh hiện trường được lập thành biên bản, có xác nhận của các thành viên tham gia kiểm tra, gồm: Đại diện Hội đồng thẩm định thanh lý rừng trồng; cơ quan chuyên môn được giao quản lý rừng; Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có rừng trồng; tổ chức, cá nhân đề nghị thanh lý rừng trồng.
2- Tổ chức thẩm định và báo cáo kết quả thẩm định thanh lý rừng trồng.
Dự thảo nêu rõ, trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày hoàn thành báo cáo thẩm định, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định thanh lý rừng trồng.
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ trình, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thanh lý rừng trồng. Trường hợp rừng trồng không đủ điều kiện thanh lý, cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân biết và nêu rõ lý do.
Tổ chức thực hiện thanh lý rừng trồng
Theo dự thảo, đối với rừng trồng trong giai đoạn đầu tư kiến thiết cơ bản, sau khi có quyết định thanh lý rừng trồng, tổ chức, cá nhân có rừng trồng bị thiệt hại báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh dự án đầu tư hoặc điều chỉnh kế hoạch vốn, thiết kế và dự toán theo quy định của pháp luật về đầu tư công và đầu tư công trình lâm sinh.
Đối với rừng trồng đã hoàn thành giai đoạn đầu tư kiến thiết cơ bản, hình thành tài sản, sau khi có quyết định thanh lý rừng trồng, tổ chức, cá nhân có rừng trồng bị thiệt hại thực hiện thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Sau khi tổ chức thực hiện thanh lý rừng trồng, tổ chức được giao quản lý rừng báo báo cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan được cơ quan có thẩm quyền phân cấp.
Quản lý, sử dụng tiền thu được từ thanh lý rừng trồng
Dự thảo nêu rõ, chi phí có liên quan đến thanh lý rừng trồng phải được lập dự toán và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nguồn thu từ giá trị lâm sản được sử dụng để chi cho các hoạt động: kiểm kê, đo vẽ, chặt hạ, vận chuyển, tiêu hủy (nếu có); định giá và thẩm định giá lâm sản (nếu có); tổ chức bán đấu giá lâm sản (nếu có) và các chi phí hợp pháp, hợp lệ khác.
Nội dung chi, mức chi để thanh lý rừng trồng thực hiện theo quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ hiện hành; trường hợp chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, định mức và chế độ, cấp có thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng quyết định mức chi, bảo đảm tiết kiệm, phù hợp với chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Trường hợp không có nguồn thu từ giá trị lâm sản khai thác hoặc nguồn thu từ giá trị lâm sản khai thác nhỏ hơn chi phí liên quan đến việc tổ chức thanh lý rừng trồng, tổ chức, cá nhân có rừng thanh lý đề nghị cơ quan có thẩm quyền bố trí chi phí thanh lý rừng trồng theo phân cấp ngân sách hoặc sử dụng các nguồn thu hợp pháp khác để thực hiện việc thanh lý rừng trồng.
Cơ quan có thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng phê duyệt quyết toán chi phí tổ chức thực hiện thanh lý rừng theo quy định.
Số tiền thu được từ thanh lý rừng sau khi trừ các khoản chi phí hợp lý, nộp vào ngân sách theo quy định.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.