Trong 37,5 ha rừng bị mất tại dự án sân golf The Dàlat At 1200 của Công ty TNHH Acteam International, có hơn 11,5ha rừng phòng hộ.
Đề nghị thanh tra toàn diện dự án The Dàlat At 1200
Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng đã giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, rà soát, xử lý thông tin liên quan đến việc mất hơn 37,5 ha rừng tại dự án sân golf The Dàlat At 1200 (còn gọi là sân golf Đạ Ròn) của Công ty TNHH Acteam International.
Trong đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) chủ trì, phối hợp Thanh tra tỉnh, các sở liên quan và UBND huyện Đơn Dương tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nếu có hành vi vi phạm. Báo cáo Thường trực Tỉnh ủy kết quả thực hiện trước ngày 15-4-2024.
Dự án The Dàlat At 1200 tại xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) và xã Đạ Ròn (huyện Đơn Dương) với vốn đầu tư ban đầu 18 triệu USD, diện tích đất 567 ha và mặt nước 183 ha. Công ty TNHH Acteam International được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 4-2007 và thay đổi lần 2 vào năm 2009.
Cuối năm 2023, Sở NN-PTNT cùng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm đã họp bàn xem xét đề xuất xử lý đối với diện tích rừng bị mất trong quá trình thực hiện dự án của Công ty TNHH Acteam International.
Theo đó, trong tổng diện tích được cơ quan chức năng kiểm kê hiện trạng tài nguyên rừng tại dự án gần 650 ha thì đất có rừng hơn 533 ha, đất chưa có rừng gần 117 ha. So sánh biến động giữa 2 lần kiểm kê (năm 2007 và năm 2022) trên diện tích đất đã cho Công ty TNHH Acteam International thuê thì diện tích đất có rừng giảm hơn 43,2ha.
Trong đó, phần rừng bị mất đã được cơ quan chức năng xử lý là 2,8 ha; diện tích rừng bị giảm nhưng đề xuất không xử lý là 2,98 ha.
Còn lại hơn 37,5 ha rừng bị mất còn lại chưa được xử lý gồm: gần 7,1 ha được chuyển mục đích sử dụng đất và 30,4 ha rừng thuộc hạng mục quản lý, bảo vệ rừng (gần 18,8 ha rừng rừng ngoài lâm nghiệp và gần 11,6 ha rừng phòng hộ).
Sở NN-PTNT đánh giá Công ty TNHH Acteam International đã trực tiếp phá rừng để xây dựng công trình hạ tầng. Nghiêm trọng nhất, trong diện tích hơn 37,5 ha rừng bị mất có hơn 11,5 ha rừng phòng hộ – gấp hơn 30 lần mức xử phạt vi phạm hành chính. Thời gian xảy ra mất rừng từ khi thực hiện dự án đến khoảng năm 2017.
“Vụ việc có dấu hiệu tội hủy hoại rừng nên cần phải xem xét, đánh giá đề xuất hướng xử lý vừa không bỏ lọt tội phạm, vừa đảm bảo hoạt động đầu tư của doanh nghiệp” – Sở NN-PTNT báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng.
Tuy nhiên, do diện tích rừng bị giảm xảy ra đã lâu, căn cứ để xử lý hình sự chưa chặt chẽ nên cần bổ sung, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ. Do đó, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng giao Thanh tra tỉnh thanh tra toàn diện dự án The Dàlat At 1200 của Công ty TNHH Acteam International.
Huyện đi kiểm tra nhưng không phát hiện rừng bị phá?
Tại báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, Công ty Acteam International nhận thiếu sót do không đảm bảo thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định trên phần diện tích hơn 7,1 ha.
Phần diện tích còn lại gần 30,4 ha, Công ty Acteam International kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát lại đối với kết quả kiểm kê tài nguyên rừng trước khi doanh nghiệp này nhận bàn giao tài nguyên rừng năm 2008.
Lý do vì Công ty Acteam International cho rằng hồ sơ kiểm kê tài nguyên rừng năm 2008 không đảm bảo chính xác, có sai sót nên đề nghị được lập lại hồ sơ rà soát, so sánh biến động tài nguyên rừng kể từ lúc nhận bàn giao tài nguyên rừng đến nay.
Sở NN-PTNT nhận định thời gian xảy ra mất rừng từ khi thực hiện dự án đến khoảng năm 2017. Trong năm 2022, UBND huyện Đơn Dương đã thành lập Đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các dự án lâm nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2022 trên địa bàn (vào tháng 2-2022); kế hoạch kiểm tra tiến độ dự án lâm nghiệp, công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng vào tháng 6-2022, trong đó có Công ty Acteam International.
Tuy nhiên, ngoài diện tích gần 2,8 ha đã được các cơ quan chức năng lập hồ sơ xử lý nêu trên, các cơ quan chức năng tại địa phương không phát hiện và lập hồ sơ xử lý đối với phần diện tích rừng bị mất nào khác.
Như vậy, qua 2 lần kiểm tra, cơ quan chức năng huyện Đơn Dương không phát hiện được diện tích hơn 37,5 ha rừng mà Công ty Acteam International làm mất.