Tháng 12 năm 2023, các nhà nghiên cứu của Đức và Việt Nam đã tiến hành thả 50 cá thể ba ba bụng đốm (Pelodiscus variegatus) con vào một hồ nước ngọt ở một tỉnh phía Bắc Việt Nam với hy vọng có thể ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng loài bò sát cực kỳ nguy cấp vừa được khoa học mô tả vào năm 2019.
Các cá thể này là kết quả nhân giống từ một Chương trình bảo tồn quy mô với sự hợp tác mật thiết của các nhà khoa học đến từ Vườn thú Cologne (Đức) và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam (IEBR).
Trước đây, ba ba bụng đốm (Pelodiscus variegatus) được coi loài ba ba trơn (Pelodiscus sinensis) có biến đổi về mặt di truyền và hình thái, trong đó loài ba ba trơn có phân bố rộng rãi từ miền đông nước Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, dựa trên các phân tích về di truyền và hình thái học, các nhà khoa học hiện phân loại ba ba trơn thành một phức hợp loài gồm 7 loài riêng biệt, trong đó có ba ba bụng đốm.
Năm 2019, các nhà nghiên cứu mới chính thức mô tả khoa học loài ba ba bụng đốm từ các mẫu chuẩn thu ở Việt Nam và các mẫu tham khảo thu ở đảo Hải Nam (Trung Quốc). Tuy nhiên, các mẫu này chủ yếu được lưu trong bảo tàng lịch sử, còn thông tin thực tế về tình trạng quần thể và phạm vi phân bố loài thì rất ít.
Ngay sau hoạt động mô tả khoa học, năm 2020, Nhóm nghiên cứu nhanh chóng bắt tay vào việc thu thập thông tin từ khảo sát thực địa kết hợp dữ liệu thương mại và ghi chép lịch sử để xây dựng bức tranh về sự phân bố, hiện trạng và các mối đe dọa trước mắt của loài. Những phát hiện mới nhất của Nhóm, được công bố trên tạp chí Bảo tồn Thiên nhiên, cho thấy loài có sự phân bố rất hạn chế, có thể chỉ giới hạn ở môi trường sống nước ngọt khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam và dọc biên giới Lào. Riêng tại Lào, cần khảo sát thực địa các địa điểm thích hợp để xác minh sự hiện diện hay vắng mặt của loài này vì nguồn dữ liệu quá ít ỏi.
Tại Việt Nam, Nhóm tập trung khảo sát môi trường sống nước ngọt ở vùng đất thấp miền Trung cũng như các chợ, nhà hàng và trang trại địa phương. Các cá thể sau khi được nhận dạng về hình thái học sẽ tiếp tục được sàng lọc di truyền. Dựa trên bằng chứng từ hoạt động buôn bán và khảo sát trong môi trường tự nhiên, Nhóm khẳng định ba ba bụng đốm vẫn tồn tại trong tự nhiên, phạm vi phân bố ở các tỉnh miền Trung gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, chủ yếu ở các hồ có bờ bằng bùn và đất mềm cũng như các sinh cảnh sông, suối, rừng.
Phân tích về sự phù hợp với môi trường sống của loài, Nhóm dự đoán hai khu vực được bảo vệ quan trọng nhất đối với ba ba bụng đốm là Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Vũ Quang, tiếp đến là các Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Quảng Nam), Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) và Vườn quốc gia Bến En (Thanh Hóa). Ngoài ra, Khu bảo tồn thiên nhiên Sao La (Thừa Thiên Huế), Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên Huế), Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) cũng có xác xuất (mức độ trung bình) phân bố ba ba bụng đốm.
Mặc dù phạm vi phân bố của loài nằm chủ yếu trong các khu vực được bảo vệ nhưng kết quả khảo sát thị trường và thương mại cho thấy loài đang đứng trước hàng loạt mối đe doạ bao gồm ô nhiễm, mất và suy thoái môi trường sống, bị khai thác quá mức làm thực phẩm và bị cạnh tranh với các loài rùa không phải bản địa. Trước tình trạng này, Nhóm chuyên gia phân loại học về các loài rùa (TTWG) đã tạm đưa ba ba bụng đốm vào danh sách Cực kỳ nguy cấp (CR) dù chưa được Sách đỏ IUCN chính thức chấp nhận. Loài này gần đây cũng đã được đề xuất đưa vào danh sách dễ bị tổn thương (VU) ở Việt Nam.
Một trong những biện pháp tối quan trọng để bảo vệ loài là xây dựng Chương trình nhân giống bảo tồn. Các cá thể ba ba bụng đốm được xác định chính xác về mặt di truyền được đưa tới Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh – một trong các cơ sở thuộc IEBR – để chăm sóc. Ngoài các bể ngoài trời hiện có, Trạm đã xây dựng thêm một cơ sở nuôi ba ba bụng đốm riêng biệt. Song song với hoạt động này, Chương trình tiến hành chuyển ba ba bụng đốm tới cơ sở nhân nuôi bảo tồn khác ở miền Bắc Việt Nam. Tại đây, các cá thể đã sinh sản thành công và các con non được chuẩn bị sẵn sàng cho việc tái thả tự nhiên. Thậm chí, để mở rộng Chương trình, Nhóm nghiên cứu dự định chuyển một số lượng ba ba bụng đốm con sang các cơ sở bảo tồn khác ở Việt Nam và nước ngoài. Cuối năm 2023, 50 cá thể con non đã được tái thả thành công tại một hồ ở miền Bắc Việt Nam.
Khi đã học được cách nhân giống ba ba bụng đốm trong điều kiện nuôi nhốt, Nhóm nghiên cứu cho biết bước tiếp theo của Chương trình là tăng số lượng quần thể loài được nuôi nhốt ở cả Đông Nam Á và châu Âu để chuẩn bị sẵn số lượng con non cho việc tái thả trong tương lai, đặc biệt là thả tại mạng lưới các khu bảo tồn của Việt Nam.
Ba ba bụng đốm có mai thường có màu vàng nâu với các đốm màu đen lớn, có các gờ da liền mạch dọc mai. Phía sau mai thường có các nốt sần. Mũi dài giống ba ba trơn, phần dưới cằm và cổ có các đốm màu trắng ngà.
Cá thể trưởng thành có yếm màu trắng hồng với các đốm đen đậm đối xứng. Cá thể con non bụng có màu da cam với những đốm đen đối xứng. Loài ba ba bụng đốm (Pelodiscus variegatus) là một trong năm loài rùa mai mềm của Việt Nam và thường dễ bị nhầm với các loài mai mềm khác như: ba ba trơn (Pelodiscus), ba ba gai (Palea steidachneri), ba ba Nam Bộ (Amyda ornata), giải (Pelochelys cantorii) và giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei). Dễ dàng phân biệt với ba ba trơn dựa vào đặc điểm bụng có các đốm màu đen đậm; không có đám sần ở cổ như ba ba gai; không có các nốt sần lớn dọc phía trước rìa mai như ba ba Nam Bộ; mai thuôn dài không tròn như giải; có mũi dài khác với giải Sin-hoe. Môi trường sống: ao, hồ, sông, suối, các khu vực đất ngập nước Khu vực phân bố:
Nguồn: Sách hướng dẫn thi hành luật về định dạng các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam |
Andrew Walde, Giám đốc khoa học và bảo tồn tại Liên minh Sinh tồn Rùa, người không tham gia vào nghiên cứu băn khoăn: Việc tái thả tự nhiên chỉ đạt được kết quả tốt nhất khi những mối đe doạ phải được loại bỏ và điều kiện an toàn chiếm ưu thế. Trong trường hợp của Việt Nam, cần nỗ lực đẩy lùi nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, thu hẹp lỗ hổng trong việc thực thi luật về động vật hoang dã, đặc biệt cần nâng cao ý thức cộng đồng theo hướng nói không với việc sử dụng rùa làm thực phẩm.
“Tại một điểm nóng như Việt Nam, nơi có sự đa dạng cực kỳ cao về loài rùa, để đạt được sự thay đổi thái độ đối với rùa, có thể phải mất hàng thập kỷ. Ở những quốc gia coi rùa là thức ăn, bạn sẽ phải đối mặt với một trận chiến vô cùng nan giải”, Walde cho biết.
Cũng theo Walde, vẫn còn rất nhiều điều chưa biết về loài ba ba bụng đốm có thể giúp tối ưu hóa sự thành công của Chương trình nhân giống. Do đó, việc giám sát sau tái thả phải là ưu tiên hàng đầu của các nhóm nghiên cứu ở Việt Nam. Hoạt động bảo tồn này, nếu được quản lý tốt, sẽ góp phần thay đổi tâm trí, thái độ của người dân, khiến họ nhận ra mình cũng là một phần của nỗ lực bảo tồn rùa.
PV (Nguồn: Mongabay)