Thợ săn vào rừng bẫy, bắn, bắt thú hoang về giết mổ. Vậy ai đã thu mua và phân phối mặt hàng cấm này rồi phân phối khắp cả nước? Chúng tôi cất công lần tìm ra những đường dây, đó là các chủ “vựa”, với đủ mánh lới nhằm mua bán, tàng trữ, vận chuyển thịt thú rừng.
Máu thú rừng vẫn chảy – Tiếp lửa cho các “vệ sĩ” của rừng
Thu giữ nhiều “hàng rừng” quý hiếm tại nhà trùm buôn thú rừng sau loạt bài của Lao Động
Máu thú rừng vẫn chảy: Cục Kiểm lâm vào cuộc theo điều tra của Báo Lao Động
Máu thú rừng vẫn chảy – Những cuộc “truy sát” dưới tán rừng
Máu thú rừng vẫn chảy – Ngang nhiên xẻ thịt, thui vàng
Máu thú rừng vẫn chảy – Trang trại trá hình và những “lộ trình” của thú hoang về phố
Máu thú rừng vẫn chảy – Hốt bạc nghề “đóng mở tủ đông”
“Con nai vàng ngơ ngác” nằm chật kín trong tủ đông góc nhà
Như Lao Động đã thông tin trong bài viết “Ngang nhiên xẻ thịt, thui vàng thú rừng”, chỉ tính riêng ở Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), khảo sát tháng 4-5.2023 đã cho thấy: Thú rừng được bán ở nhiều nhà dân, bán trong các hiệu tạp hoá và bán ngay ở chợ. Đến thời điểm tháng 3.2024, khi chúng tôi quay trở lại, việc làm này vẫn diễn ra công khai.
Dạo một vòng, chúng tôi gặp Th – được các chủ tạp hóa giới thiệu là người chuyên đi rừng, chuyên buôn bán gỗ, thịt thú rừng “xịn”.
Trời nhập nhoạng tối, Th vẫn đang chặt thịt lợn rừng, bán công khai giữa chợ. Những miếng thịt rừng đỏ ối, vẫn còn nguyên lông với những dấu hiệu để phân biệt hàng rừng với hàng nuôi. Người dân xung quanh tìm đến mua. “Hàng rừng đó. Em không bao giờ bán lợn bản” – Th khẳng định với khách.
Khi được hỏi lực lượng kiểm lâm có đi kiểm tra không, Th đáp: “Kiểm lâm hỏi thì em nói bán lợn nhà thôi, thì làm gì nhau?”.Dọc đường vào Đưng K’Nớ, chúng tôi làm quen một người đàn ông tên X, rồi biết được những thông tin bất ngờ về các đầu mối thu gom, bán hàng rừng có tiếng.
X dẫn tôi đi theo con đường dốc đứng có bậc thang, tìm đến “người anh em” của ông. Ông chủ nhà tên R, bảo: hươu nai thì bắn được nhiều, tôi chặt đầu bỏ lại trên rừng (vì sợ bị bắt giữ, dễ “nhận diện” bằng mắt thường khi con vật vẫn giữ nguyên phần đầu- PV), khiêng xác chúng để vào tủ đông, bán dần.
Để chứng minh lời mình nói đúng, ông đứng dậy vừa chỉ vào tủ đông giữa nhà, vừa kể: “Đêm qua, khi bắn được con nai này, toán thợ săn từ rừng ra tới chỗ có sóng là gọi cho tôi ngay. Sau khi ngã giá, chúng khiêng tới nhà tôi cả một con nai”.
Nói xong, chủ nhà bèn cầm đèn pin, ra mở tủ đông. Ông cũng không quên nhìn qua khe cửa, cảnh giới khoảng trước sân, thậm chí ngó xuống con đường sâu hun hút chạy bên dưới…
Trong căn nhà tối om, không tin vào mắt mình nữa, nhóm chúng tôi tự tay “bế” các con vật nằm còng queo đóng đá ra, đây là cheo cheo đã làm lông, thui vàng. Tiếp đến là cầy hay sóc, nhím gì đó, cả mớ. Rồi lớp nilon trắng cũng bị xé ra, lộ các mảng lông thú vàng óng, dày êm. Một “con nai vàng ngơ ngác” nằm vừa khít cái tủ đông! “54 cân, sau khi cắt bỏ đầu, làm lông và bỏ lòng mề tim gan!”, ông chủ nhà tự hào giới thiệu.
Tôi cố sờ qua lớp lông dày để cảm nhận xem con vật đã bị đông lạnh hay chưa, bởi từ lúc thợ săn giết nó, gọi cho ông chủ vựa buôn này, rồi khiêng về đây cấp đông, mới chỉ vài tiếng đồng hồ trôi qua. Quả thật, dù bị cắt đầu “phi tang”, cơ thể con nai xấu số vẫn như là còn nóng…
Tôi hỏi giá, ông nói vài chục triệu đồng, không rẻ đâu, vì là hàng xịn. Tôi hỏi cái đầu vứt bỏ trong rừng thật à? Ông bảo: Giấu đi, rồi làm tiêu bản thế này…
Nói rồi, ông R cầm đèn pin, khệ nệ bảo tôi theo ông trèo lên gác xép. Tôi sững người khi gặp một cái đầu nai đã được làm tiêu bản khá công phu. Sừng nai dài, nhọn, to. Đầu và cổ con nai to gần bằng một người trưởng thành.
Ông chủ tự tin: “Đầu con nai vừa bị bắn hôm qua, rồi cũng sẽ đẹp thế, cô chú mua thì đặt tiền trước nhé”.
Ông bảo: Nếu mua cả con nai này, cái khó nhất là cần vận chuyển ra khỏi các trạm gác của kiểm lâm dọc đường từ đây về TP Đà Lạt, không có đường nào khác, chỉ có con đường qua các khu du lịch với rừng thông.
“Nếu mua, tôi chịu trách nhiệm chở con nai này qua các trạm gác kiểm lâm, giao hàng ở đỉnh đèo. Tôi biết “cửa” làm việc đó” – ông chủ nhà động viên khách.
Chuyển 20 con cầy hương bị bẫy ra Hà Nội, nhờ… trang trại trá hình
Tháng 12.2022, chúng tôi đến huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, được “dân trong nghề” giới thiệu với một bạn trẻ tên H. Rất khó khăn để có thể tiếp cận được đầu mối này, vì anh ta làm việc kín kẽ, ăn mặc chỉn chu, đầu tóc gọn gàng, lái ôtô đĩnh đạc, nhà (hoặc cửa hàng) ở ven quốc lộ sầm uất.
Phải kiên trì, chờ đến tận tháng 4.2023, chúng tôi mới gặp được H. H giới thiệu, mình gắn bó với nơi đây để làm ăn đủ nghề. Vợ mở salon tóc nữ, làm đầu, làm đẹp cho chị em cả vùng. H mở “trung tâm môi giới” bất động sản, lại mở cả “trang trại” nuôi cầy hương, nuôi don thương phẩm tại đúng cái căn nhà nhỏ xíu kiêm “tiệm làm tóc” ấy.
Giả đò là dân buôn, chúng tôi đốp luôn: “Gớm, trang trại gì, chú H ơi, đây là chuồng nhốt “cầm tù” bọn này thôi. Tôi lạ gì cái trò này”.
“Em đã xin phép mở trang trại mà. Đây, anh chị xem đi”. Chúng tôi mở xem, thì thấy: Phòng Tài chính – KH, UBND huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) có cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho H (tên đầy đủ Nguyễn Văn H) ở xã Yang Tao được “Chăn nuôi và mua bán động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp (gồm cầy vòi hương, cầy vòi mốc, don)” với cả… “Dịch vụ cầm đồ”. Vốn điều lệ của hộ kinh doanh mang tên Nguyễn Văn H này là 30 triệu đồng.
“Anh chị lấy hàng (cầy hương, cầy vòi mốc và don) của chỗ em, em mang tới tận nơi nấu nướng chế biến cho. Lại có giấy tờ nguồn gốc động vật đầy đủ vì em có trang trại (thật ra trang trại chỉ là bình phong tuồn thú rừng vào buôn bán giết mổ – như H nói). Hàng của em ngon, vì thú rừng 100% được các ông thợ săn bản địa đi bẫy về.
Đấy, xem đây, con này bị gãy cụt cả chân là nó dính bẫy dập, bẫy sập, rất đau và chảy máu rồi thối thịt. Con này là bị bẫy ụp, bẫy nó trùm lên làm con vật không chạy nổi, nó vẫn sống nguyên và khỏe mạnh”- H vừa nói, vừa mở cửa chuồng, dùng gậy khống chế, thận trọng tóm lấy đuôi một con cầy hương giơ lên.
Con vật nặng chừng 6-7kg, đuôi dài, cả đuôi lẫn thân nó dài ngang ngực của H.
“Anh chị xem, con cầy hương này chỉ có 3 chân. Họ bẫy được, bẫy sắt kẹp cụt cả một chân. Em làm gì có thời gian mà nuôi bọn cầy hương này”- H giới thiệu.
Để chúng tôi thêm tin tưởng, H mở cho xem bằng chứng về việc mình vừa gửi hàng đi Hà Nội, với 20 con cầy hương. Vợ chồng H nhiệt tình mở các tủ đông cho chúng tôi xem la liệt thú rừng đã bị giết mổ, cấp đông, chờ đem phân phát cho các quán nhậu, nhà hàng hoặc chuyển hàng đi tỉnh xa.
Lập trang trại trá hình, nhằm hợp thức hóa việc thu mua, buôn bán động vật hoang dã trái phép đã trở thành “bí kíp” tồn tại của nhiều đầu nậu, nhà hàng lớn tại Tây Nguyên.
Tại Nhà hàng Biển Rừng (phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), khách vào ra nườm nượp. Trước đó, chúng tôi hỏi từ thợ săn, dân chơi, đến cán bộ sở tại, đến cả lái xe taxi ở “thủ phủ” hoa lệ của toàn cõi Tây Nguyên này, hầu như ai cũng kể đến nhà hàng có máu mặt trong giới bán thịt thú rừng “nguyên con”, “bao ngon” này.
“Nếu không phải hàng rừng, em sẽ trả lại chị gấp 5 lần”
Tháng 4.2023, chúng tôi đến gặp bà chủ, ngỏ ý muốn vận chuyển thú rừng từ “khu trại nhốt” của nhà hàng Biển Rừng từ Buôn Ma Thuột đi Hà Nội, liệu có sợ bị bắt giữ xử lý không, liệu có “mua” được cái giấy tờ chứng minh nguồn gốc “hàng trang trại” cho lũ thú rừng không, bà chủ nhà hàng hiểu ý ngay, phân tích rành rọt:
“Bây giờ, kiếm được “giấy” chứng minh nguồn gốc trang trại của các loài thú rừng mà tôi bán này, nó đắt lắm (Làm giấy tờ nguồn gốc xuất xứ để vận chuyển động vật rừng hoang dã đi tiêu thụ, tránh bị kiểm tra, xử lý – PV). Mà làm “giấy” kia làm gì? Nếu làm để vận chuyển cho hợp pháp thì tôi cứ gửi hàng ra Hà Nội, đảm bảo cho các anh chị nhận được hàng an toàn là được. Không cần phải xin “giấy” đâu”.
Bà chủ thở dài: “Xin “giấy” giờ phức tạp lắm, phải xin kiểm lâm này nọ. Bản thân chúng tôi cũng phải làm trang trại trá hình chứ, làm sao mà bán được mấy cái hàng này”.
Theo bà chủ nhà hàng Biển Rừng: Trang trại lập ra để thả vài con vào đó vậy thôi, chứ nuôi làm sao được. Mà vật nuôi trang trại làm sao mà… ăn được, vì thịt mềm, nhão và nhiều mỡ, khách biết ngay”.
Nhờ những thủ đoạn tinh vi này, thịt thú rừng được tuồn đi nhiều nơi tiêu thụ, hòng qua mắt cơ quan chức năng.
Chúng tôi đã theo dõi, điều tra hoạt động của nhà hàng này nhiều năm. Đến đầu tháng 4.2024, ghi nhận của nhóm phóng viên cho thấy nhà hàng Biển Rừng vẫn tiếp tục hoạt động rầm rộ.
“Hiện tôi có chồn hương là ngon nhất và đắt nhất, là 2,8 triệu 1 kí. Rẻ nhất là nhím, 1 con khoảng 7-8kg. Ở đây có đủ thứ chồn, dúi, rùa, rắn, nhím, kỳ đà, ba ba, heo, nai… Nếu không phải hàng rừng, em sẽ trả lại chị gấp 5 lần. Nhà em không cần phải quảng cáo”- bà chủ nhà hàng Biển Rừng khẳng định.