Siêu lợi nhuận kiếm được từ các thực khách nhậu thịt thú rừng, sự tinh vi và hiện đại của công nghệ săn bắt… đã khiến nhiều loài thú rơi vào một cuộc truy sát trên diện rộng.
Những cuộc bủa vây không lối thoát khiến các loài thú quý, hiếm, được bảo vệ trong “Sách đỏ” có nguy cơ rơi vào bờ vực của sự tuyệt chủng. Máu thú rừng vẫn đang chảy.
Lời tòa soạn
Tuyến bài điều tra của Lao Động muốn góp tiếng nói tâm huyết để bảo vệ các loài thú quý hiếm; vạch trần các hành vi sai phạm để giữ gìn được các loài động vật hoang dã (ĐVHD), trước khi quá muộn. Những thông tin và hình ảnh xuyên suốt trong tuyến bài này được nhóm phóng viên theo dõi, điều tra trong khoảng thời gian từ cuối tháng 12.2022 đến tháng 3.2024, với nhiều chuyến thực địa. Khi khởi đăng loạt bài này, các đầu mối buôn bán thú rừng, các nhà hàng, quán nhậu mà chúng tôi đề cập vẫn đang hoạt động rầm rộ. |
Máu thú rừng vẫn chảy – Tiếp lửa cho các “vệ sĩ” của rừng
Thu giữ nhiều “hàng rừng” quý hiếm tại nhà trùm buôn thú rừng sau loạt bài của Lao Động
Máu thú rừng vẫn chảy: Cục Kiểm lâm vào cuộc theo điều tra của Báo Lao Động
Máu thú rừng vẫn chảy – Những cuộc “truy sát” dưới tán rừng
Máu thú rừng vẫn chảy – Ngang nhiên xẻ thịt, thui vàng
Máu thú rừng vẫn chảy – Trang trại trá hình và những “lộ trình” của thú hoang về phố
Máu thú rừng vẫn chảy – Hốt bạc nghề “đóng mở tủ đông”
Tiệm tạp hóa bán thịt thú rừng như bán thịt gà, thịt lợn
Cuối tháng 12.2022, chúng tôi rời thành phố Đà Lạt, đi về huyện Lạc Dương, qua các rừng thông và hồ nước đẹp phục vụ nườm nượp du khách với các khu nghỉ dưỡng nghe tên đã rất gợi trí tò mò khám phá: “Làng Cù Lần”, “Khỉ ho cò gáy”… Chúng tôi đến Đưng K’Nớ – một xã thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Ngay đầu làng thuộc xã Đưng K’Nớ, chúng tôi gặp Đ. Trong sương mờ đỉnh đèo, Đ ngồi trên một cái xe máy cũ, im như tượng. Hỏi: “Em làm gì ở đây?”, Đ bảo: “Em trông rừng, lắm kẻ phá cây làm rẫy, rừng giao cho cộng đồng dân làng, làng cử em đại diện, ra đây trông coi”. Tôi hỏi các cánh rừng kia chắc còn nhiều thú lắm? Đ bảo: “Cầy, hươu, nai, lợn rừng, cheo cheo, người ta săn được để ăn và để bán còn nhiều lắm. Nhưng phổ biến nhất là thịt khỉ”.
Qua Ủy ban nhân dân xã, vẫn trên con đường nhựa dẫn vào khu vực có trạm kiểm lâm của Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà, chúng tôi dừng “hú họa” ở một tiệm tạp hoá.
Chủ quán cho biết, các loại thịt thú rừng khác đang hết, chỉ còn sẵn thịt khỉ. Cô gái trẻ khác chạy vào mở tủ đông sơn trắng ngà, nói vọng ra: “Còn nhiều”. Chúng tôi vờ mua kem ăn cho bớt nắng nóng, rồi tiện thể, tôi tiến lại phía cô gái, bảo “cho chị xem hàng nhé”, cô ta có vẻ ngượng ngùng, cùng tôi mở tủ đông. Kem, đá lạnh để lẫn… thịt khỉ mới giết mổ.
Tôi nhìn vào, máy quay bí mật của chúng tôi ghi lại toàn thứ rùng rợn.
Trong ấy là cơ thể con khỉ, thêm vài cái đùi (chi sau), nửa thân khỉ đã làm lông nằm sấp, đá lạnh lăm dăm tuyết trắng phủ bên ngoài. Từng túi nilon thịt khỉ được xếp chuyên nghiệp. Các loài khác thì hôm nay “người ta mới mua hết rồi” – người bán hàng tiết lộ.
Mua cả con thú rừng cỡ lớn về làm quà “ngoại giao”!
Tại nhà hàng kế bên, chúng tôi nghe kể về việc những người thi công công trình trong khu vực này thường xuyên mua cả con nai, con hoẵng, con lợn rừng hay cả đàn cầy hương về giết mổ, ăn uống tại các lán công trình. Người kể chuyện bảo, anh không tin, lát các chú đó ra đây lấy hàng, hỏi chuyện luôn cho khỏi ngạc nhiên.
Và, hôm sau, trực tiếp các câu chuyện này chúng tôi nghe chính anh chàng “hậu cần” của đơn vị kia kể. Họ mua thú rừng lớn, cả con, liên hoan và xẻ thịt làm quà “ngoại giao”.
Đúng như lời hẹn với Đ, lần sau (giữa tháng 4.2023) chúng tôi vào, vừa nhấc máy, cu cậu đã bô bô nói rất to: “Chị vào ngay có một đàn khỉ mới săn được!”. Chúng tôi lập tức liên hệ với các tổ chức bảo tồn, rồi vào Đưng K’Nớ nhanh nhất với mong muốn cứu các cá thể khỉ hoang dã trước khi bị giết mổ. Trên đường vào, xem ảnh lũ khỉ nhỏ xíu ngơ ngác, cáu kỉnh, giằng xé khỏi sợi dây buộc ở cổ.
Có con khỉ con chưa bị giết nhưng họ không bán, bảo để nuôi lớn mới bán cho… được giá. Nghe tiếng người lạ bước vào nhà, gã thợ săn đang ngồi trong xó bếp làm thịt khỉ đã đi cửa sau trốn mất. Bà vợ chừng ngoài 40 tuổi, ngồi bên bếp lửa nói chuyện rất hồn nhiên. Vài người trẻ góp chuyện. Việc giết thịt hai chú khỉ cũng bỏ dở.
Dao thớt lanh tanh bành, lòng khỉ còn bốc hơi nóng. Đầu khỉ bị thui vàng, nhe răng, trơ lợi, cái đầu “con cháu Lão Tôn” chỉ bé bằng hai vốc tay khum lại của một người trưởng thành bình thường. Nó bé đến mức để vừa vào lòng cái bát ăn cơm.
Gia đình thợ săn kể, họ phải đi nhiều ngày trong rừng, cắt núi mà đi. Khỉ sống theo đàn, nên khi bắt được (bằng bẫy dây) hoặc bắn chết được một cá thể khỉ trưởng thành, là dễ dụ bắt được đàn khỉ con.
“Khỉ chết rồi thì 300 nghìn đồng một con. Khỉ còn sống thì 800 nghìn đồng một con” – vợ người thợ săn ra giá.
Trong khi đó, những hình ảnh gây sốc khác về bầy đàn linh trưởng bị thợ săn giết hại, róc xương, lột da, hun khói ngay dưới những tán rừng già của Tây Nguyên hùng vĩ mà chúng tôi và các chuyên gia bảo tồn đã ghi nhận được cũng khiến bất kỳ ai đau đớn và xót xa.