Hai hộ dân tại xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, nhận khoán đất rừng, không chăm sóc bảo vệ mà bao ví nước lại nuôi tôm khiến cho hơn 4ha rừng phòng hộ chết khô.
Trong 2 ngày 29.3 -30.3, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bạc Liêu do ông Hà Văn Buôl – Chánh Thanh tra Sở làm trưởng đoàn đã trực tiếp kiểm tra, giám sát việc tự khắc phục hậu quả do hai hộ dân là ông Nguyễn Văn No (con ông Nguyễn Văn Bé Tám là chủ hộ nhận khoán đất rừng) và ông Lê Minh Khải (canh tác trên diện tích đất rừng ông Dương Thanh Tuấn) nhận khoán đất rừng phòng hộ ngụ ấp Bửu II, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
Ông Hà Văn Buôl, Chánh Thanh tra Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau khi tiến hành kiểm tra, giám sát các hộ dân tự nguyện khắc phục hậu quả vụ việc trên, Đoàn thanh tra sẽ có báo cáo chính thức trình lãnh đạo Sở. Đồng thời sẽ đánh giá, họp xét xử lý trách nhiệm cụ thể đối với đơn vị và cá nhân thiếu trách nhiệm trong quản lí dẫn đến tình trạng các hộ dân vi phạm xảy ra kéo dài nhưng chậm phát hiện, ngăn chặn gây bức xúc trong nhân dân.
Trước đó, Chi cục Kiểm lâm Bạc Liêu đã có văn bản báo cáo đến Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu về việc hơn 4,2ha rừng phòng hộ bị tái chiếm và làm diện tích rừng bị chết.
Qua kiểm tra, Chi cục Kiểm lâm Bạc Liêu phát hiện tổng diện tích đất rừng phòng hộ ven biển bị tái chiếm là 4,203ha. Trong đó, ông Nguyễn Văn No lấn, chiếm 2,03ha; ông Lê Minh Khải (canh tác trên diện tích đất rừng ông Dương Thanh Tuấn nhận khoán) lấn chiếm là 2,2ha. Tổng diện tích rừng bị chết do ông Nguyễn Văn No tái chiếm 9.517m2 (chết trắng 4.075m2, chết rải rác 5.442m2).
Thời điểm ông Nguyễn Văn No tái chiếm trong khoảng tháng 12.2020, ông Lê Minh Khải lấn chiếm trong khoảng tháng 6.2023, thời điểm rừng chết vào khoảng đầu năm 2023. Các hộ trên sử dụng xe cuốc để làm phương tiện lấn chiếm.
Ông Phạm Văn Mười, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau khi nhận được báo cáo từ Chi cục Kiểm lâm, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra xuống làm việc và buộc chủ hộ nhận khoán cùng các cá nhân vi phạm phải phá bờ bao trả lại hiện trạng rừng ban đầu để nước ra vào tự nhiên, để cây rừng còn lại phục hồi, phát triển, đồng thời buộc các hộ vi phạm phải trồng lại diện tích rừng đã lấn chiếm.