Giấy vệ sinh quá phổ biến đến mức người ta chỉ chú ý đến khi không có nó, chẳng hạn như làn sóng thiếu hụt giấy vệ sinh trong đại dịch Covid-19 năm 2020. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi tác động môi trường từ mặt hàng vô cùng thiết yếu này ít khi được quan tâm thảo luận.
Các nhà bảo vệ môi trường gần đây đã bắt đầu kêu gọi mọi người nhận thức rõ hơn về cái giá thực sự phải trả cho mỗi cuộn giấy vệ sinh, đặc biệt là các loại giấy được quảng cáo siêu mềm, siêu thấm vốn được làm từ bột cây nguyên chất.
Xuất hiện đã từ rất lâu, có thể từ thế kỷ thứ 6 tại Trung Quốc nhưng phải đến năm 1850, sản phẩm “giấy thuốc” của Joseph C. Gayetty – loại giấy vệ sinh thương mại đầu tiên của Mỹ – mới được cấp bằng sáng chế dù Gayetty không phải là người đầu tiên khám phá ra giấy vệ sinh. Kể từ đó, nhu cầu sử dụng sản phẩm tiện dụng này tăng vọt ở nhiều nơi và ngày càng được thúc đẩy bởi yếu tố gia tăng dân số, đô thị hóa, thói quen vệ sinh cũng như lối sống thay đổi. Năm 2023, doanh thu hàng năm trong lĩnh vực giấy vệ sinh (bao gồm giấy vệ sinh khô và ướt) đạt tổng cộng hơn 107 tỷ đô la Mỹ với tổng khối lượng bán ra gần 46 triệu tấn, chưa kể thị trường dự kiến tiếp tục tăng trưởng hàng năm trên toàn thế giới là 5,92%. Trong đó, doanh thu lớn nhất được tạo ra tại Trung Quốc với 22,33 tỷ đô la Mỹ trong năm 2023 và mức tăng trưởng dự báo đạt 7% mỗi năm cho đến năm 2027.
Với tốc độ tăng chóng mặt như vậy, đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ về tác động môi trường của mặt hàng thiết yếu này. Đáng chú ý là những tác động bất lợi đó kéo dài toàn bộ chuỗi cung ứng, từ việc tìm nguồn cung nguyên liệu ở rừng nguyên sinh và các đồn điền bạch đàn đến các hoạt động sản xuất sử dụng nhiều năng lượng, nước và hóa chất; quá trình vận chuyển và đóng gói; rồi cả lần xả cuối cùng trước khi chất thải giấy vệ sinh có thể “đánh thuế” lên các cơ sở xử lý nước thải. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hơn cả là mối liên hệ của một số nguồn cung bột giấy vệ sinh với việc mất rừng già.
Giấy vệ sinh vốn được làm từ sợi xenlulo cộng với các hóa chất để gắn kết lại với nhau. Sợi chủ yếu có nguồn gốc từ cây nhưng cũng có thể đến từ giấy tái chế hoặc các nguồn thay thế như tre. Tuy nhiên, để tạo ra loại giấy vệ sinh siêu mềm – mặt hàng mà ngày càng nhiều người tiêu dùng ưa thích, các đơn vị sản xuất cần sử dụng bột giấy nguyên chất, được làm từ cây rừng hoặc cây trồng bởi vì loại giấy được tái chế càng nhiều thì các sợi càng ngắn và càng ít sử dụng được. Và điều này nghiễm nhiên gây áp lực, thậm chí thiệt hại đáng kể cho các khu rừng trên khắp thế giới.
Giám đốc chương trình AidEnvironment Christopher Wiggs cho biết tính đến năm 2020, Brazil, Canada, Mỹ, Indonesia và Chile là những nhà xuất khẩu bột giấy lớn nhất thế giới. Trong đó, Brazil là nước xuất khẩu bột giấy phù hợp cho sản xuất giấy lụa lớn nhất, với nguồn gốc từ cây bạch đàn. Tuy nhiên, việc mở rộng nhanh chóng các đồn điền bạch đàn ở Brazil và nhiều nơi khác khiến không ít nhà bảo vệ môi trường lo ngại bởi cây bạch đàn là loài xâm lấn, hút nước mạnh nên sẽ làm gia tăng tình trạng khô hạn ở Brazil hoặc châu Phi, chưa kể việc trồng bạch đàn sử dụng hoá chất cũng gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng tới quyền sử dụng đất của người bản địa.
Còn tại Canada, nước xuất khẩu bột giấy lớn thứ hai thế giới, hoạt động khai thác gỗ công nghiệp bao gồm gỗ làm bột giấy cũng đang diễn ra ở một số khu rừng phương bắc lâu đời cuối cùng còn sót lại trên thế giới, nơi sinh sống của các cộng đồng bản địa cùng hàng loạt các loài động, thực vật hoang dã. Khai thác gỗ công nghiệp được cho là chiếm hơn một triệu mẫu rừng phương bắc mỗi năm, phần lớn cung ứng cho nhu cầu về bột giấy. Hiện các công ty giấy có trụ sở tại Hoa Kỳ đang chịu áp lực của người tiêu dùng trong việc giảm sử dụng bột gỗ nguyên chất, đặc biệt là từ các khu rừng phía Bắc Canada.
Các khu rừng mưa nhiệt đới ở Indonesia và Malaysia cũng đang bị khai thác hoặc chuyển đổi thành đồn điền để sản xuất bột giấy. Một báo cáo của Greenpeace năm 2023 cho thấy một trong những công ty giấy và bột giấy lớn nhất thế giới thuộc Tập đoàn Royal Golden Eagle của Indonesia đã sử dụng gỗ từ các khu rừng ở Kalimantan thuộc Indonesia, đe doạ nghiêm trọng môi trường sống của loài đười ươi quý hiếm.
Không chỉ gây áp lực mạnh mẽ lên các khu rừng, một số nghiên cứu cũng chỉ ra tác động môi trường lớn nhất của giấy vệ sinh xuất phát từ lượng điện khổng lồ mà các cơ sở sản xuất cần để làm nóng bột giấy, nước và hóa chất, sau đó làm khô các cuộn giấy thu được. Bên cạnh đó, một nghiên cứu do Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ công bố năm 2023 cũng cho thấy giấy vệ sinh nên được coi là nguồn “có khả năng chính” đưa các hoạt chất vĩnh viễn (hay còn gọi là hoá chất không phân huỷ sinh học, ký hiệu là PFAS) vào hệ thống xử lý nước thải, gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và động vật hoang dã. Một số ý kiến cũng lưu ý rằng giấy vệ sinh là một trong những thành phần ô nhiễm không hòa tan chính được thải vào các nhà máy xử lý nước thải, đòi hỏi chi phí xử lý cao và sử dụng năng lượng cao. Ở những quốc gia không có cơ sở xử lý chất thải, giấy vệ sinh có thể xâm nhập trực tiếp vào nguồn nước sử dụng.
Để giảm thiểu tất cả các tác động môi trường từ giấy vệ sinh, đòi hỏi phải có hành động của nhiều chủ thể khác nhau dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng. Trong đó, giải pháp trước tiên là cần hạn chế sử dụng giấy vệ sinh khi không cần thiết hoặc chuyển sang sử dụng giấy tái chế. Hiện nay, các sản phẩm giấy vệ sinh làm từ các nguồn thay thế như tre hay mía đang được chú ý, tuy nhiên, cần lưu tâm tới lượng khí thải carbon được tạo ra từ quá trình vận chuyển, sản xuất loại giấy vệ sinh này.
Bên cạnh đó, các nguồn cung cấp mô thay thế cũng đang được thực hiện, chẳng hạn có đơn vị thử sản xuất giấy vệ sinh từ rơm lúa mì, giúp giảm thiểu 20% tác động môi trường so với giấy làm từ sợi gỗ mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, các sáng kiến sản xuất thân thiện với môi trường khác bao gồm lắp đặt nhiệt và điện (đồng phát) tại chỗ để giảm sự phụ thuộc vào lưới điện quốc gia cũng cần được cân nhắc. Đặc biệt, cần thúc đẩy minh bạch hơn ngành công nghiệp giấy cũng như ban hành các quy định, chính sách môi trường chặt chẽ đối với ngành này nhằm giảm thiểu tác động bất lợi của giấy vệ sinh.
PV (Lược dịch từ Mongabay)