Bài 2: Cận cảnh gã “đồ tể” xẻ thịt thú rừng
Người đàn ông bóp ‘cò’ chiếc khò ga, một ngọn lửa xanh lè phun lên mình con voọc chà vá đang nằm co quắp, cứng đơ trên tấm ván gỗ. Mùi lông cháy khét lẹt…
Trước đó, gã đàn ông đã “hóa kiếp” một con cầy hương trong tiếng rên la thảm thiết của nó.
Cảnh tượng gây ám ảnh ấy diễn ra trong khu vườn nhà một đầu nậu thú rừng, cũng nằm sát biên giới, nhưng không phải ở huyện Bù Đốp, mà là Lộc Ninh, cùng tỉnh Bình Phước.
Giống như ở Bù Đốp, tại địa bàn huyện Lộc Ninh, qua rất nhiều lần “móc nối”, chúng tôi mới làm quen được với mấy tay đầu nậu chuyên mua bán, cung cấp các loại thú rừng. Nhưng khi đã có người quen giới thiệu, đưa đến tận nơi gặp mặt, thì họ không một chút e dè, cảnh giác.
Buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã – “Sóng ngầm” ở vùng biên – Bài 1
Buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã – “Sóng ngầm” ở vùng biên – Bài 2
Buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã – “Sóng ngầm” ở vùng biên – Bài 3
Bò tót, tê tê, rắn hổ chúa… đều thành món
Trưa tháng 3 ở vùng biên giới Lộc Ninh, trời nắng như đổ lửa, con đường chính lên cửa khẩu Hoa Lư còn chừng vài cây số cuối cùng đang làm dở dang, mỗi lần xe tải chạy qua, tung bụi mịt mù, xe chúng tôi phải nép vào lề đường 1 lúc, đợi bụi tan mới thấy đường đi.
“Thổ địa” Lộc Ninh đưa chúng tôi đi là anh Q, một người từng có nhiều năm lăn lộn ở vùng biên giới này với đủ thứ nghề. “Ở đây trước nhiều thằng làm đầu nậu thú rừng lắm, quán chuyên các món rừng cũng nhiều. Giờ ít rồi. Phần vì không còn rừng, phần vì lực lượng công an, kiểm lâm, biên phòng ngày càng làm gắt. Giờ những người còn làm là do có nguồn cung bên Cam mang về. Mà phải có người đưa đến tận nơi, chứ giờ tôi cho anh có số điện thoại anh gọi, họ cũng không dám nhận, không gặp đâu”, anh Q. nói.
Sau khoảng 1 tiếng luồn lách trong những con đường bê tông, Q. cho xe dừng lại trước một căn nhà cấp 4. Một người đàn ông chừng 40 tuổi, nước da nâu đen, dáng dấp giống người dân tộc thiểu số, chạy ra. Q. chỉ người đàn ông, giới thiệu: “Đây là C., người có thể đáp ứng các “nhu cầu” về thú rừng của các anh”. Rồi quay sang nói với C: “Hồi sáng anh nói qua điện thoại rồi, khỏi giới thiệu dài dòng nha. Giờ trong nhà đang có những món gì giới thiệu mấy anh biết”. C. nói: “Cũng nhiều thứ à, kỳ tôm, gà, chim đa đa, rùa…”. Nói xong, C. dắt chúng tôi đi vào khu vườn bên hông nhà. Ở góc vườn có một khu chuồng nhỏ, bên trong có mấy lồng sắt. Trong lồng đang nhốt gà rừng, kỳ tôm, chim, rắn, rùa, mỗi loại nhốt trong một ô riêng.
“Thế chồn nhốt ở đâu?”, tôi hỏi. “Để chỗ khác chứ sao dám để đây, có khách lấy mới mang về”. “Chồn còn sống không?”, tôi hỏi. “Có đủ hết. Chồn sống đẹp, không bị thương giá cao, hàng bẫy bị thương rẻ hơn, cấp đông rẻ hơn nữa. Lấy loại nào cũng có”. “Có tê tê, voọc, bò tót không?”, tôi hỏi. “Có chứ. Đặt là có à. Mà con dọc (voọc) không có hàng sống đâu nha, bò tót chỉ có thịt cấp đông thôi”. “Vậy sao biết đó là bò tót?”. “Đảm bảo mà. Thịt có da, nhìn da nó là biết à. Hay anh mua cái đầu bò tót, vừa đảm bảo đúng bò tót, mà còn có cặp sừng đẹp lắm”. “Mấy món đó giờ tưởng không còn nữa, kiếm đâu ra vậy?”. “Bên Cam về không hà. Bên đó giờ còn nhiều mà”. “Vậy đặt hàng bao lâu có?”. “Phải gọi cho nó hỏi mới biết được. Khi nào có con gọi báo cho, đồng ý lấy thì mới mang về”, C. đáp.
Trong lúc chúng tôi đang nói chuyện thì Q. có điện thoại, nghe máy xong, quay vào nói với C.: “khi nào có món nào có hàng gọi anh”, rồi nói chúng tôi lên xe đi có việc. Sau khi yên vị trên xe, Q. nói: “Hên cho mấy ông rồi. Có ông anh làm quán ăn vừa gọi, ổng nói có khách đặt voọc, chồn ở một điểm khác cách đây khoảng 3 cây số, kêu tôi đi nhận dùm. Mấy hàng thú rừng thuộc loại cấm như tê tê, hổ chúa, vọc, nếu muốn tận mắt nhìn thì mình phải đặt hàng, khi nào hàng về nó gọi, chứ nếu không, mang về một là có khách đặt lấy liền, 2 là nó giấu kỹ, mình đâu có biết”.
Sau khoảng 20 phút luồn lách trên những đoạn đường thôn, Q. dừng xe trước một một ngôi nhà khác hao hao giống ngôi nhà chúng tôi vừa rời đi, nhưng không thấy bóng người. “Đây cũng là một thằng chuyên cung cấp thú rừng như thằng C., nhưng nguồn của nó nhiều hơn, hàng độc cũng nhiều hơn”, Q. vừa nói vừa lấy điện thoại gọi cho ai đó. “Nó đi lấy hàng, đang về, chắc giấu đâu đó gần đây”, Q. nói.
Những hình ảnh ớn lạnh
Chúng tôi ngồi một lúc thì gã đàn ông to cao, tôi đoán ngoài 40 tuổi, chạy chiếc xe máy cà tàng về, tấp vào ngay gốc cây chỗ chúng tôi ngồi, trên tay cầm một túi lưới nhỏ màu xanh, bên trong là một con chồn (cầy hương). Ngoài ra, trên xe còn có một bao xốp màu đen khá to khác. “Đây là mấy anh bạn dưới Đồng Xoài lên, định kiếm nguồn hàng ổn định để mở nhà hàng. Nãy anh nói chú rồi đó”, Q. chỉ chúng tôi giới thiệu. Gã đàn ông nhìn chúng tôi gật đầu chào rồi nói với Q.: “Chồn sống, voọc cấp đông, chú H. kêu làm sạch cho ổng, anh ngồi chơi đợi chút nha”.
Sau đó, gã xắn tay tay áo, xả đầy xô nước, nhúng chiếc túi lưới đựng con chồn vào xô nước chừng 5 phút. Con vật giãy giụa một hồi rồi nằm im. Tưởng con vật đã chết, gã cởi dây miệng túi, lôi con chồn đã mềm oặt vào chiếc chậu to, rồi vào bếp xách ấm nước đun sôi ra tưới lên mình con vật. Nhưng, con chồn dường như chưa muốn chết, nó bất ngờ vùng lên, giãy giụa, rên la thảm thiết. Gã đàn ông hoảng hốt dùng 1 cây gỗ nhỏ nhấn lên mình con vật, giữ chặt dưới thau nước nóng. Sau đó, gã tiếp tục nấu thêm một nồi nước khác rồi nhúng trực tiếp con vật lên nồi nước trên bếp lửa. Khi gã mang con chồn ra khu vực bồn nước, dù từng mảng lông của con vật đã bung ra, để lộ phần da trắng tinh, tôi vẫn nghe tiếng rên la của con vật.
Sau khi đã làm sạch con cầy hương, gã đàn ông tiến lại chỗ xe máy, tháo bịch xốp màu đen khá to xuống và lần mở mấy lớp túi rồi xách ra ngoài một con voọc đã đông cứng, chân tay co quắp. Tôi nhìn kỹ thấy lớp lông màu nâu, nhưng 4 chân màu đen tuyền, cho thấy đây là loài voọc chà vá chân đen, thuộc nhóm 1B. “Con này mang từ đâu về?”, tôi hỏi. “Bên Cam hết mà. Bên này giờ chỉ trên rừng Bù Gia Mập mới còn thôi”, gã đàn ông đáp. “Tít bên Cam sao mang về?”, tôi thắc mắc. “người ta có cách chứ”.
Gã đàn ông vừa nói vừa hạ một tấm ván to xuống mặt đất, sau đó đặt con vật nhìn rất giống người kia lên trên. Bật chiếc khò ga trên tay lên, một ngọn lửa xanh lè phun ra từ miệng khò nhỏ xíu, rồi dí sát vào con vật. Chỉ vài phút sau, lớp lông khá đà của con voọc bắt đầu cháy, bốc khói khét lẹt. Đến khi lớp lông đã cháy hết, thân hình con voọc lúc này nhìn càng kinh khủng hơn. Tôi không dám nhìn thêm nữa, nên đưa chiếc máy quay nhỏ cho T., nháy mắt nhờ anh quay giúp rồi đến chỗ Q. đang đứng gần đó.
“Nhìn nổi hết gai sống lưng như thế này mà có người dám ăn. Không hiểu nổi”, tôi nói với Q. Anh thốt lên: “Trời, thế này ăn thua gì. Còn có những kiểu ăn bệnh hoạn hơn nhiều”. “Bệnh hoạn thế nào?”, tôi tò mò. “Đủ trò hết. Hồi xưa tôi đã tận mắt nhìn tụi nó mổ bụng khỉ, voọc cái có chửa, lấy bào thai nhúng nồi nước lẩu đang sôi rồi ăn tái. Mà bào thai khỉ khi còn trong bụng mẹ vẫn chưa có lông, anh tưởng tượng xem nhìn nó giống gì? Tôi là thằng cũng nhiều năm phiêu bạt rày đây mai đó, chứng kiến đủ trò, nhưng kiểu ăn đó thì nhìn thôi đã nôn thốc nôn tháo rồi”, Q. nói.
“Ở nhà C., khi tôi hỏi anh có biết việc buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã là vi phạm pháp luật không? C. nói biết, nhưng lại không biết việc giết một con voọc mà bị phát hiện sẽ bị khởi tố. “Tê tê, hổ chúa mới bị bắt chứ. Con dọc (voọc), bò tót bình thường mà. Người ta giết nó bên Camphuchia mang về cho mình thôi chứ mình có giết nó đâu”, C. ngây thơ.