Bài 1: Điểm tập kết thú rừng
Các loại thú rừng, từ thông thường đến quý hiếm, nằm trong sách đỏ, vẫn được các đầu nậu âm thầm tuồn từ biên kia biên giới về Việt Nam, phục vụ các “thượng đế”.
“Bao lâu có hàng em không dám hứa, vì phụ thuộc thợ săn, nhưng chỉ cần anh đặt thì chắc chắn có, kể cả những loài quý hiếm”, tay đầu nậu thú rừng khẳng định.
Chỉ cần có người giới thiệu, được những tay đầu nậu chuyên thu gom thú rừng tin tưởng, thì đặt hàng là có, từ những loại động vật rừng thông thường như chim, gà, thỏ, dúi, heo, đến những loài trong nhóm IIB như chồn, mèo rừng, khỉ đuôi dài, kỳ đà, rùa, cheo, nai. Ngay cả những loài động vật rừng nằm trong nhóm 1B như rắn hổ chúa, tê tê, voọc, bò tót…cũng có.
Phần lớn những loài thú này được săn bắt trong những cánh rừng phía Campuchia, sau đó chuyển về Việt Nam qua “ngầm” (những đường mòn, lối mở, đường tiểu ngạch nằm dọc biên giới Campuchia giáp ranh các địa bàn huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, tỉnh Bình Phước). Thậm chí, người vận chuyển còn có “chiêu” giấu hàng cực hay để đi công khai qua cửa khẩu mà không bị phát hiện. |
Buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã – “Sóng ngầm” ở vùng biên – Bài 1
Buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã – “Sóng ngầm” ở vùng biên – Bài 2
Buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã – “Sóng ngầm” ở vùng biên – Bài 3
Muốn “hàng” gì cũng có
Để tiếp cận được với những tay “đầu nậu” chuyên cung cấp thú rừng không hề đơn giản. Tôi phải vận dụng hết những mối quen biết ở vùng biên giới Bù Đốp, Lộc Ninh, họ đều là những “thổ địa”, thông thuộc địa hình và quen biết nhiều, nhưng vẫn mất khá nhiều thời gian, công sức, mới tiếp cận được.
Sau nhiều cuộc điện thoại nói chuyện, cuối cùng, anh bạn tên T., một thổ địa ở TP Đồng Xoài, cũng kết nối, hẹn gặp được với M., trùm đầu nậu về thú rừng ở một xã thuộc huyện Bù Đốp. Chúng tôi lập tức lên đường.
Sau khoảng hơn 2 tiếng chạy xe từ TP Đồng Xoài, chúng tôi đến địa phận biên giới. Xe tiếp tục chạy thêm khoảng nửa tiếng, luồn lách trong những con đường đất nhỏ theo chỉ dẫn qua điện thoại của M. Sau đó dừng lại trước cổng một căn nhà cấp 4. “Chỗ này nếu tính đường chim bay thì chỉ cách biên giới vài trăm mét”, anh bạn tôi nói.
Tiếp chúng tôi là vợ M., một phụ nữ còn khá trẻ. Sau vài câu chào hỏi, người phụ nữ dẫn chúng tôi đi ra phía sau nhà qua đoạn hàng lang hẹp giữa 2 căn nhà. Tại khu vực sàn nước sát bếp, M. đang lúi húi “trảm” mấy con dúi. “Đây là ông anh tên Hùng, dưới Sài Gòn lên, ổng muốn mở quán ăn chuyên các loại đặc sản rừng cho dân sành. Mặt bằng có rồi, giờ đang tìm mối hàng cung cấp ổn định. Bữa giờ anh cũng liên hệ được mấy chỗ, nay có anh T. giới thiệu em nên anh dẫn anh Hùng lên gặp em bàn bạc xem có hợp tác được không”, nghe anh bạn “thổ địa” chỉ vào tôi giới thiệu, M. gật đầu chào xong lại ngồi xuống tiếp tục làm. “Mấy anh ngồi đợi chút xíu nha, sắp xong rồi, khách đặt trưa nên tranh thủ làm, xong còn đi giao nữa”. Dù mới gặp lần đầu, nhưng M. khá thoải mái, không tỏ vẻ nghi ngại, dò xét gì, thậm chí, khi tôi lấy điện thoại ra quay, chụp mọi thứ, M. cũng không phản ứng.
“Nếu đặt hàng thì bao lâu có?”. M. đáp: “Mấy cái này không hứa trước được đâu anh, vì còn phụ thuộc vào các mối bên Cam. Anh em họ kiếm được con gì thì bán con đó thôi. Nhiều lúc khách đặt không có hàng, đôi khi bên đó gọi nói có nhiều hàng hiếm, thì bên này lại không có khách mua. Mấy hàng rừng không dám trữ nhiều, nhất là những con sách đỏ, dù sống hay cấp đông. Con sống không để lâu được, vì nó không ăn, xuống ký là mình lỗ, có khi mất trắng. Chưa kể nguy cơ bị người ta “tố” coi như tiêu. Nhưng nếu anh nói cần tốc hành thì em sẽ liên hệ cùng lúc nhiều mối bên đó cùng kiếm, sẽ nhanh hơn”. Tôi hỏi: “Có cần đặt cọc không?”, M. đáp: “Khỏi cần anh, có anh T. bảo lãnh rồi”. Theo lời anh bạn tôi thì ông T., người “bảo lãnh” cho chúng tôi gặp M., vốn là một trùm đầu nậu có tiếng về thú rừng ờ khu vực này, nhưng nay đã giải nghệ.
“Có voọc không?”, tôi hỏi. “Voọc thì nhiều, nhưng chỉ có hàng cấp đông, vì con này nó ở tít trên cây cao, thợ phải dùng súng săn. Lâu lâu cũng có hàng bẫy còn sống, chỉ bị thương. Nhưng khó mang hàng sống về. Lúc đó nếu có khách đặt họ giao liền, không thì cấp đông. Nếu đặt hàng em đảm bảo hàng tươi cho anh, còn nguyên nội tạng bên trong”, M. nói. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, bạn tôi giải thích: “Bộ lòng con voọc mà không còn thì giá chỉ còn 1 nửa, vì nghe nói bao tử voọc làm thuốc. Ngoài ra, họ còn chế biến món nậm pịa từ bộ lòng”. Tôi ướm hỏi: “Buôn bán mấy thứ này chắc phải có “bảo kê” chứ nếu không dễ gì yên thân được?”, M. chỉ nhìn tôi mỉm cười, không trả lời.
“Không quen biết sao làm được”
Tôi hỏi: “nhà em giờ đang có những hàng gì?”. M. đáp: “có dúi, kỳ đà sống, đang nhốt trong chuồng, còn hàng cấp đông có dúi, chồn, heo, cheo, nai…Nhưng đảm bảo hàng tươi”.
Sau khi chế biến xong mấy con dúi, M. dẫn chúng tôi ra khu chuồng, cách đó 1 khu vườn nhỏ, diện tích khoảng 30m2. M. cho biết, đây vốn là chuồng nuôi heo, nhưng từ lâu không nuôi nữa, anh tận dụng nhốt thú rừng. Ngay cạnh lối vào khu chuồng là một lồng sắt được ngăn làm 2 ô, bên trong đang nhốt mấy con kỳ đà to cỡ bắp tay. M. cho biết, kỳ đà về mấy ngày rồi nhưng chưa có khách đặt nên đang gầy trơ xương. “Con này nghe nói nó ăn cua, ếch, nhái, côn trùng. Nhưng không có thời gian tìm thức ăn cho nó. Bỏ các loại trái cây vào nó không ăn nên giờ gầy trơ xương rồi. Chắc không sống nổi”, M. nói.
Bên trong khu chuồng, có 2 dãy chuồng nhỏ, mỗi dãy 3 ô vuông được ghép từ những viên gạch bông lớn, cố định bằng khung sắt, mỗi ô đang nhốt 5 – 6 con dúi. “Dúi này mới về hôm qua, còn mập ú. Con dúi nó dễ ăn, thức ăn đơn giản, nên không sợ nhốt lâu gầy như kỳ đà”, M. nói.
Tại nhà M. còn có 2 tủ đông, 1 chiếc 3 ngăn cỡ lớn đặt trong khu nhà chuồng, chiếc còn lại để ngay khu vực sàn nước sát bếp. Bên trong 2 tủ đông chất những túi xốp đủ màu chứa các loại thịt thú rừng. “Hàng cấp đông trong tủ giờ có chồn, heo, nai, cheo, dúi, mễn, bao chuẩn rừng, mà hàng tươi, ngon em mới lấy. Nếu không phải hàng rừng, hay không ngon, đền gì em cũng chịu”, vợ M. mở nắp tủ đông, lôi ra túi to túi nhỏ, nghi ngút hơi đá lạnh, nói.
Trò chuyện hồi lâu, tôi ướm hỏi M: “Làm sao mang hàng từ bên đó về mà không bị phát hiện? Anh có thể trực tiếp gặp mấy đầu mối bên Cam không?”, M. đáp: “có người giới thiệu, bảo lãnh thì họ gặp thôi”. “Khi có khách đặt hàng, em trực tiếp qua bên đó mua hay họ giao qua đây cho mình?”, “Có nhiều cách. Thường thì giao nhận ở “ngầm”, khu vực giáp ranh, cũng có khi mình sang hẳn bên đó nhận. Tụi em là dân địa phương, nên chỉ cần căn cước công dân là qua lại biên giới thoải mái, còn các anh thì phải có passport mới qua được. Nhưng sang tận nơi nhận hàng nhiều rủi ro, vì bên đó nhiều lực lượng có thể bắt mình mà mình không biết. Hoặc cũng có thể bị chơi xấu, tức là họ giao cho mình xong báo đội tuần tra chặn bắt. Trường hợp hàng nhiều, muốn an toàn thì trả thêm tiền để họ giao tận điểm tập kết cho mình”.
M. cho biết, còn có một cách chuyển thú rừng về khác nữa, là qua những người đi chợ, buôn bán nhỏ. “Những người này hàng ngày vẫn mang hàng hoá của mình sang chợ bên đó bán, xong họ mua “ve chai” chất đầy xe chở về bán. Nhưng ve chai chỉ là vỏ bọc, những con thú rừng (đã chết) được giấu kỹ trong các bao bì, vỏ hộp lỉnh kỉnh, rất khó kiểm tra. Phần nữa là họ qua lại biên giới hàng ngày, quen mặt hết rồi nên thường không bị kiểm tra”, M. nói.
“Em kinh doanh mấy hàng cấm này chắc phải quen biết nhiều?”, tôi gặng hỏi lại. M. hỏi lại: “Anh nghĩ sao? Nếu không quen biết sao làm nổi”. Tôi hỏi tiếp: “Trước giờ đã bị phát hiện lần nào chưa?”. M. đáp: “Chưa anh. Nếu bị sao dám làm tiếp. Mà công việc này là phụ, kiếm thêm chút xíu thôi chứ trước giờ em làm cây (gỗ) là chính”.
Ngay tại TP Đồng Xoài, có đại gia H.B. nổi tiếng là trùm cung cấp các loại thú rừng từ nhiều năm trước. Ông B. có một nhà hàng sân vườn kín đáo. Đây là nơi cũng nổi tiếng với nhiều món ăn từ thú rừng. Ngoài những loại thông thường như heo, dúi, cheo, chồn “lúc nào cũng có” như lời ông B. nói, những món hiếm như tê tê, voọc, rắn hổ…thì không sẵn, nhưng nếu khách đặt thì “vài 3 ngày có”. Ngoài nhà hàng của ông B. còn có một nhà hàng khác là T.T, nằm kín đáo trong một khuôn viên trên QL.14, cũng là điểm đến ưa thích của những “thượng đế” thích ăn thú rừng. |