Số hóa dữ liệu đa dạng sinh học là bước đầu thực hiện chuyển đổi số xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An.
Mở cổng kiểm soát điện từ
Để quản lý lượng khách đến tham quan vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, tháng 4/2017, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tham mưu UBND TP. Hội An phê duyệt phương án kiểm soát phí tham quan bằng hệ thống thẻ điện từ.
Sau gần 1 tháng thử nghiệm, từ 15/5/2018, Trạm kiểm soát khách tham quan Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An bằng hệ thống thẻ điện từ chính thức hoạt động.
Có 7 cổng kiểm soát và hệ thống máy kiểm soát được lắp đặt tại bến Cửa Đại, phát hành 3 loại thẻ điện từ: Màu xanh đậm dùng cho khách mua phí tham quan 100%; màu vàng giảm phí 50% và màu đỏ miễn phí. Riêng người dân xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) được ra vào tự do.
Ông Lê Công Tuấn – cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, sau gần 7 năm, hệ thống thẻ điện từ đã phục vụ gần 1,8 triệu lượt khách tham quan Cù Lao Chàm, trong đó khách mua phí hơn 1,6 triệu lượt với gần 300 nghìn lượt khách quốc tế, thu về cho ngân sách nhà nước gần 109 tỷ đồng.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Số hóa dữ liệu đa dạng sinh học là bước đầu thực hiện chuyển đổi số xuất phát từ chính yêu cầu nhiệm vụ trong khu sinh quyển. Vì thế, khi rà soát, ghi nhận sự phân bố các giống loài (hình ảnh, mẫu vật)…, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã từng bước số hóa các thông tin này, tạo thuận lợi cho công tác truy xuất, cập nhật, bổ sung…
Năm 2019, đơn vị phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại Việt Nam kiểm kê đa dạng sinh học rừng đặc dụng Cù Lao Chàm (thuộc dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ – USAID tài trợ).
Kết quả đã thống kê, định danh được 624 loài thực vật thuộc 418 chi và 130 họ (bổ sung thêm 23 họ và 105 loài) cho khu hệ vật bậc cao trên cạn tại Cù Lao Chàm, trong đó có một trong những công trình nghiên cứu về bướm đầu tiên tại đây.
“Kết quả kiểm kê là dữ liệu thông tin khoa học quý giá, miêu tả toàn cảnh về sinh thái học trên các đảo, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng các giải pháp quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi, đồng thời là tiền đề của quá trình xúc tiến lập dự án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm” – ông Nguyễn Văn Vũ – Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, cho biết.
Ông Lê Hoài Thanh, chuyên viên tư vấn của Viện chiến lược chuyển đổi số (DTSI) trực thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, tháng 11/2023, viện đã giới thiệu bộ sản phẩm và giải pháp chuyển đổi số cho khu sinh quyển.
Cùng với việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả hệ thống phần mềm du lịch thông minh kết nối cung cấp thông tin về bán phí và kiểm soát phí tham quan, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đang tham mưu cho UBND TP.Hội An phê duyệt, triển khai phương án chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu về Khu bảo tồn biển và Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An trong năm 2024.