Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo các tình trạng khẩn cấp về khí hậu cùng với ô nhiễm môi trường đang diễn ra làm gia tăng gánh nặng bệnh tật, đặc biệt là ở Nam bán cầu.
Tại phiên họp của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) tổ chức tại Nairobi (Thủ đô Kenya), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Sức khỏe con người đang bị ảnh hưởng khi sức khỏe của hành tinh mà chúng ta sinh sống đang gặp nguy hiểm. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và thường xuyên hơn không chỉ gây ra thương vong cho con người mà còn gây thiệt hại cho các cơ sở y tế và cơ sở hạ tầng thiết yếu khác”.
Ông Tedros cũng nhấn mạnh, nhân loại đang phải trả giá đắt từ tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước. Bằng chứng là sự gia tăng các bệnh hiểm nghèo như ung thư phổi, hen suyễn, sỏi thận và các bệnh tim mạch. Biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân khiến các bệnh truyền nhiễm như sốt rét và sốt xuất huyết lây lan mạnh sang các khu vực mới.
Cùng đó, các hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp nếu không được khống chế hiệu quả, có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền từ động vật sang người, vốn đang nổi lên như những rủi ro hàng đầu về an ninh y tế công cộng.
Trong khi đó, Báo cáo ngân sách Carbon toàn cầu cho biết, lượng phát thải carbon dioxide (CO2) hóa thạch toàn cầu trong năm 2023 đã ở mức cao kỷ lục là 36,8 tỷ tấn; tăng 1,1% so với mức của năm 2022 và cao hơn 1,4% so với mức trước đại dịch Covid-19 (năm 2019). Đáng lo ngại là dự báo cho thấy, năm 2024 này, lượng khí thải CO2 toàn cầu có thể sẽ đạt tới 40,9 tỷ tấn. Điều đó báo động về một kịch bản biến đổi khí hậu trầm trọng hơn, với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan tàn khốc hơn.
Đặc biệt, lượng khí thải từ than, vốn chiếm 41% lượng khí thải toàn cầu được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng. Kịch bản tương tự cũng xảy ra với nhiên liệu dầu mỏ vốn chiếm 32% lượng khí thải toàn cầu.
Mặc dù thế giới đang chứng kiến những tiến bộ trong những năm gần đây, từ việc giảm đáng kể lượng khí thải CO2 hóa thạch ở nhiều quốc gia (bao gồm cả Mỹ và châu Âu) cho đến việc giảm tổng thể tốc độ tăng trưởng trên toàn cầu, Giáo sư Pierre Friedlingstein (Đại học Exeter, Vương quốc Anh vẫn cảnh báo rằng tiến độ đang diễn ra chậm một cách đáng kinh ngạc. Trong bối cảnh đó, ô nhiễm không khí gia tăng một phần đến từ rất nhiều vụ cháy rừng ở khắp nơi trên thế giới.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc cho biết, nếu muốn hạn chế mức tăng nhiệt không quá 1,5 độ C thì lượng khí thải trên thế giới phải giảm mạnh 43% từ nay đến năm 2030.