Gricha Safarian muốn đi theo con đường của Yvon Chouinard, người đã chuyển toàn bộ công ty cho một tổ chức hoạt động vì biến đổi khí hậu.
“Bạn có biết thương hiệu thời trang thể thao Patagonia không? Người sáng lập nên hãng này đã chuyển toàn bộ công ty cho một tổ chức phi lợi nhuận (NGO) hoạt động vì biến đổi khí hậu”, Gricha Safarian, CEO của Puratos Grand-Place Việt Nam, nói với NCĐT.
Thay vì bán công ty hoặc cổ phần hóa, ông Yvon Chouinard, sáng lập Patagonia, vợ ông và 2 người con, đã chuyển quyền sở hữu công ty trị giá khoảng 3 tỉ USD cho một quỹ tín thác và một NGO. Hai tổ chức này được thành lập để đảm bảo toàn bộ lợi nhuận của Công ty, khoảng 100 triệu USD mỗi năm, được sử dụng cho hoạt động chống biến đổi khí hậu và bảo vệ các vùng đất chưa phát triển trên toàn cầu. “Khi về hưu, tôi cũng sẽ đi theo con đường của ông ấy”, Gricha nói.
Khi ấy, người viết gặp Gricha để phỏng vấn về 2 chứng chỉ trung hòa carbon mà Puratos Grand-Place Việt Nam và sản phẩm sô-cô-la 60DAYS mới đạt được…
Công bằng cho mọi người
Một thanh sô-cô-la đen Lindt 100 gram có giá 20 USD, trong khi một tấn cacao thô được giao dịch trên sàn hàng hóa thế giới có giá khoảng 4.100 USD vào tháng 1/2024. Đương nhiên cần nhiều khoản đầu tư để biến những hạt cacao tươi mới với lớp vỏ chua ngọt, nhân đắng nghét thành những viên sô-cô-la ngọt ngào, nhưng sự chênh lệch biên lợi nhuận khủng khiếp đã biến các ông chủ hãng sô-cô-la thành triệu phú sống xa hoa, còn rất nhiều nông dân trồng cacao trên thế giới sống dưới ngưỡng nghèo. Suy nghĩ đó đã dẫn Gricha đến với sáng kiến Cacao-Trace. Được chính thức triển khai lần đầu tại đồng bằng sông Cửu Long năm 2014, đến nay sáng kiến này đã được lan rộng đến 8 quốc gia mà Puratos hoạt động và hơn 25.000 nông dân trên thế giới đã được hưởng lợi.
Thông thường, hạt cacao được người nông dân lên men, phơi khô rồi mới đem bán. Thậm chí, nhiều người dân còn bỏ qua giai đoạn lên men mà đi thẳng đến giai đoạn phơi khô. Điều này khiến chất lượng hạt có thể không đồng đều và quan trọng nhất là khó giữ được những nốt hương đặc trưng và nguyên bản của hạt. Cacao-Trace đã đảo ngược quy trình này khi thu mua ngay từ những hạt cacao ướt vừa được lấy ra khỏi trái tươi tại 2 trung tâm lên men chính và 64 trung tâm vệ tinh.
5 chuyên gia và đội ngũ kỹ thuật đảm bảo 100% nông dân được tập huấn đầy đủ theo chuẩn Cacao-Trace. Tổng vốn đầu tư cho các cơ sở tại Việt Nam là 770.000 EUR (khoảng 20 tỉ đồng). Hơn 1.600 nông dân với tổng diện tích 1.144 ha đã giúp chương trình Cacao-Trace thu hoạch được gần 653 tấn cacao tươi vào năm 2022. Bên cạnh tiền, chương trình còn tạo ra tác động về nông lâm nghiệp, với hơn 20.000 cây cacao được trồng thêm trong năm 2022. Đến năm 2023, số lượng cây cacao trồng mới tăng lên gấp 4,5 lần.
Cacao-Trace xem người nông dân như lực lượng lao động thứ 2 của mình và vì thế, đều đặn mỗi năm 2 lần, nông dân ở 2 vùng cacao chính của Puratos là Bến Tre và Gia Lai sẽ nhận các phong bì tiền thưởng từ chính tay của Gricha. Tổng số tiền thưởng từ sáng kiến đã tăng từ 87.000 EUR năm 2021 lên 105.000 EUR năm 2022. Theo tính toán của Puratos, việc mua giá cao hơn so với giá thị trường và tiền thưởng có tên “Phần thưởng Sô-cô-la” đã giúp nông dân Việt Nam tăng thêm 3,2 tháng thu nhập mỗi năm. “Tuy số tiền mỗi người nhận được không nhiều, nhưng đó là động lực lớn với họ và chúng tôi”, chị Đinh Thị Ngọc Liên, Trưởng phòng Thu mua cacao có thâm niên 11 năm tại Puratos, tâm sự.
“Chúng tôi đang đi đúng hướng. Đây là thời điểm để tiến xa hơn và áp dụng chiến lược tương tự cho các nguồn cung ứng nguyên liệu thô khác”, Chủ tịch của Tập đoàn Puratos, ông Cédric Van Belle, nhận xét sau khi tận mắt chứng kiến cách chương trình được vận hành tại một quốc gia châu Phi.
Khép kín chuỗi giá trị hạt cacao
Đến thăm nhà máy của Puratos tại Bến Tre vào một ngày giữa mùa mưa tháng 7, một mùi trái cây lên men mạnh mẽ xộc ngay vào mũi người viết khi vừa bước vào. Mùa thu hoạch thường vào tháng 10-11 hoặc tháng 4-5, nên những chiếc thùng gỗ keo đang được làm vệ sinh định kỳ, cả nhà phơi rộng 6.000 m2, như một chiếc lò khổng lồ dưới ánh mặt trời gay gắt với nhiệt độ có thể lên tới 40oC. Bên trong nhà máy là hệ thống rang nghiền nhiệt độ thấp để giữ những nốt hương của hạt sô-cô-la được trồng ở xứ nhiệt đới. Chính nhà máy có khả năng khép kín chuỗi giá trị hạt cacao này đã giúp tất cả các công đoạn sản xuất sô-cô-la được thực hiện tại một vùng địa lý, nhờ đó sản phẩm sô-cô-la đột phá 60DAYS đã ra đời.
7 ngày lên men, 15 ngày phơi khô, 4 ngày rang nghiền, vài ngày vận chuyển đến nhà máy chế biến. Việc tính toán cẩn thận đến từng ngày biến việc tạo ra sô-cô-la 60DAYS trở thành một thử thách vì “nếu có một trục trặc trong quy trình như máy rang bị hư là chúng tôi sẽ tiêu luôn”, Gricha nói. Phần thưởng cho việc chấp nhận thử thách của người đàn ông đã dành 30 năm cuộc đời cho hạt cacao tại Việt Nam là chứng nhận trung hòa carbon ở phạm vi 3, tức trong toàn bộ chuỗi cung ứng của loại sô-cô-la này, từ khi còn là hạt ướt cho đến khi vỏ bao bì được vứt bỏ ở 1 trong 5 quốc gia mà nó được bán.
“Tôi gặp Gricha lần đầu vào năm 1995”, ông chủ của hãng bánh nổi tiếng tại Việt Nam ABC Bakery nói với tôi trong lần gặp mặt nhân dịp khai giảng trường bánh Bakery School của Puratos, “khi đó ông ấy có 1.000 kg sô-cô-la và tôi đã mua 1/10 của số ấy”. Từ 100 kg nguyên liệu sô-cô-la ban đầu, tình bạn gần 3 thập kỷ giữa 2 “cây đại thụ” trong làng bánh và món tráng miệng của Việt Nam đã được thiết lập. Cho đến nay ABC Bakery vẫn là một trong những đối tác lớn của Puratos. “Ông ấy chưa làm tôi thất vọng bao giờ”, ông Kao Siêu Lực nói về người vừa là đối tác lớn, vừa là bạn của mình.
Con thuyền không thuyền trưởng
Những năm 1990 là thời gian Công ty đặt nền móng vững chắc tại Việt Nam bằng việc thành lập văn phòng đại diện vào năm 1994, sản xuất ở quy mô nhỏ sau đó 3 năm. Đến năm 2001, nhà máy sản xuất sô-cô-la được đầu tư và việc làm việc gần gũi với nông dân được tiến hành vào năm 2008.
2012 là một năm đáng nhớ trong cuộc đời làm việc của Gricha. Năm ấy, ông liên tục đi đi về về giữa Sài Gòn và Bỉ để giải quyết biến cố lớn trong gia đình. Đó cũng là năm công ty kinh doanh cacao nguyên liệu có tuổi đời 8 năm của ông đứng trước thương vụ M&A để mở rộng kinh doanh với Tập đoàn Puratos. Gricha dành toàn bộ tâm trí cho gia đình khiến Công ty như một con tàu đi vào hải trình mới mà không có thuyền trưởng. Nhìn lại giai đoạn ấy, có thể thấy tình cảm của những người đồng hành đã dành cho ông lớn như thế nào.
“Chúng tôi sẵn sàng làm không lương, miễn là Gricha vượt qua được”, chị Thúy Vy, khi ấy còn là trợ lý riêng của ông, nhớ lại. Chưa từng trải qua một thương vụ M&A nào, từng bước chị Thúy Vy cùng đồng nghiệp thương thảo từng điều khoản. Và thời điểm mà cơn giông bão tại gia đình tạm lắng xuống cũng là lúc Gricha ký hợp đồng sáp nhập trị giá 10 triệu EUR trước sự chứng kiến của Hoàng tử Bỉ. Đó cũng là thời điểm những viên gạch đầu tiên cho nhà máy tại Bến Tre được đặt xuống nhưng khó khăn thì chưa hết.
Mặc dù đã áp dụng giá thu mua cao hơn so với thị trường thế giới, Puratos khá vất vả khi tìm kiếm những vùng nguyên liệu ngon nhất vì sự cạnh tranh của các nhà bán lẻ sô-cô-la trong nước. Nhà máy tại Bến Tre chưa bao giờ chạy hết 100% công suất thiết kế để rang nghiền 2.000 tấn hạt cacao mỗi năm, từ đó nảy sinh mâu thuẫn lớn giữa người phụ trách thu mua và ông chủ người Bỉ của họ. Với biên lợi nhuận chỉ 5-6% của một doanh nghiệp bán sỉ, Công ty không có nhiều dư địa để tăng giá bán, so với các đối thủ bán lẻ có biên lợi nhuận rộng hơn.
Một khó khăn khác liên quan đến nguồn cung. Sản lượng hạt cacao trên toàn thế giới là khoảng 5 triệu tấn/năm trong khi sản lượng tại Việt Nam rất khiêm tốn, chỉ khoảng 800-900 tấn trong những năm gần đây. Theo thống kê của WITS (World Bank), năm 2021 Việt Nam xuất khẩu 1,2 tấn hạt cacao, tương đương 0,04% lượng hạt được giao thương trên toàn thế giới. Hằng năm các nhà máy chế biến bánh kẹo, thức uống của Việt Nam phải nhập khoảng 1.000 tấn cacao bột và một số ít bơ cacao, tương đương 2.700 tấn hạt cacao khô.
Quy mô nhỏ cũng khiến tiếng nói của Gricha đôi khi ít có trọng lượng trong một tập thể xem trọng quy mô doanh thu. Nhưng quy mô nhỏ lại giúp Gricha dễ dàng tác động tích cực lên con người và tạo được một môi trường làm việc gắn kết mà nơi đó ai nấy đều muốn thuộc về. Số năm làm việc bình quân ở Puratos là 5 năm và hầu hết nhân viên đều ít nhất một lần nhận được lời mời của các công ty săn đầu người với mức lương hậu hĩnh. Nhưng điều thú vị là không nhiều người đón nhận những lời mời chào ấy. “Tôi sẽ không bao giờ đầu quân cho công ty đối thủ. Nếu có kế hoạch dừng chân, tôi sẽ mở một cửa hàng bánh của riêng mình”, Giám đốc Kinh doanh Trần Thị Thúy Vy, người đã gắn bó hơn 15 năm với Puratos, chia sẻ.
Gần đây, với một đội ngũ tin cậy và hoàn thiện, Gricha ít bận tâm hơn cho công ty có gần 300 nhân viên mà dành nhiều thời gian để chia sẻ những ý tưởng phát triển bền vững cho thế hệ tương lai trong tiết thỉnh giảng tại các trường đại học. Sự ra đời của cô cháu gái nhỏ nửa năm trước đã khiến Gricha càng quyết tâm về việc định hình tương lai cho di sản của ông theo cách mà nhà sáng lập Patagonia đã thực hiện là trao hết lợi nhuận của Công ty cho một NGO hoạt động vì môi trường.
“Tôi là một ông chủ “ăn không ngồi rồi” hạnh phúc!”, ông nói đùa trong bài phát biểu nhân dịp khai trường Bakery School, một dự án phi lợi nhuận của Puratos, trong mùa thu vừa qua.