Đến cuối năm 2023, có 27 trang trại chăn nuôi cần hoàn thiện Giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của tỉnh. Để cải thiện chất lượng môi trường trong chăn nuôi, việc xử lý hiệu quả chất thải là vô cùng quan trọng bởi nó là nguyên do gây ra ô nhiễm…
Trường hợp cá biệt “phạt xong vẫn thế”?
Những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phát triển mạnh. Nhiều trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lớn được xây dựng ở các địa phương.
Cùng với sự phát triển đó, công tác bảo vệ môi trường đối với trang trại cũng được UBND tỉnh Thái Nguyên rất quan tâm và có những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Mặc dù các quy định về điều kiện, hệ thống công trình bảo vệ môi trường trong chăn nuôi đã được quy định chặt chẽ, nhưng khi đi vào hoạt động không ít trang trại vẫn gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, có những trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử phạt nhưng người dân địa phương vẫn liên tục phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm.
Báo cáo giám sát của HĐND tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ rõ, giai đoạn 2017 – 2022 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 752 trang trại, gồm 57 trang trại quy mô lớn, 695 trang trại quy mô vừa và 595 trang trại quy mô nhỏ có số lượng từ 50 đến 100 con lợn, 2000 đến 3000 con gia cầm. Đến cuối năm 2023, có 27 trang trại chăn nuôi cần hoàn thiện Giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của tỉnh.
Những cái tên phải kể đến như: Công ty Cổ phần Nam Việt; Công ty Cổ phần Tiến Mạnh; Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Bắc Sơn; Trang trại chăn nuôi lợn của bà Trần Thị Mai ở xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên…
Đáng lưu ý, hai địa phương tập trung nhiều trang trại cần hoàn thiện về Giấp phép môi trường nhất là thành phố Phổ Yên và huyện Đại Từ. Riêng thành phố Phổ Yên chiếm 12/27 trang trại.
Cụ thể ở địa bàn huyện Đại Từ có 7 trang trại là ông Đặng Đức Khang ở xã Cát Nê; Trang trại chăn nuôi Nguyễn Ngọc Tú ở thị trấn Quân Chu; Công ty TNHH đầu tư nuôi trồng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bình Mai ở xã Khôi Kỳ…
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các trang trại trước khi đi vào hoạt động đều phải có báo cáo tác động môi trường, kế hoạch và cam kết bảo vệ môi trường thì mới được phép hoạt động. Nếu các trang trại chăn nuôi lợn thực hiện xây dựng đầy đủ các công trình và nghiêm túc thực hiện theo cam kết bảo vệ môi trường thì cơ bản không gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, qua thực tế tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trang trại khi đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Cá biệt, có những trang trại chăn nuôi lợn bị xử phạt vi phạm hành chính vì xả chất thải trực tiếp ra sông, suối, gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn tái phạm.
Có thể kể đến trang trại của bà Trần Thị Mai, xóm Soi Vàng, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), được xây dựng và hoạt động từ năm 2006. Đến năm 2010, trang trại có quy mô chăn nuôi 1.200 lợn nái, 2.000 lợn con và 5.000 lợn thịt. Năm 2021, trang trại này bị truy thu tổng số tiền hơn 860 triệu đồng phí bảo vệ môi trường. Năm 2022, trang trại của bà Mai tiếp tục bị người dân phản ánh việc xả trực tiếp chất thải ra sông, suối nên bị cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt 816 triệu đồng. Đồng thời, bị yêu cầu tạm dừng chăn nuôi 7 tháng 15 ngày để hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải và các công trình bảo vệ môi trường…
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chia sẻ: “Nước thải chăn nuôi có độ ô nhiễm rất cao với hàm lượng lớn các chất hữu cơ. Đặc biệt có chứa một lượng lớn các vi sinh vật gây bệnh: Coliform, Feacal Coliform, vi khuẩn tả (vibro), vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn lị (Shigella). Đây chính là nguồn gây bệnh đặc biệt nguy hiểm đến sức khoẻ cộng đồng”. |
Một trường hợp khác là trang trại của ông Dương Công Tuấn, ở xóm Nông Trường, xã Cát Nê, bị người dân nhiều lần phản ánh tình trạng xả thải ra suối gây ô nhiễm nguồn nước và khiến dòng nước bốc mùi hôi thối. Đầu năm 2022, trang trại này đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền 55 triệu đồng.
Ngoài ra, một số trang trại chăn nuôi lợn nằm trên địa bàn xã Thành Công, thành phố Phổ Yên từ khi đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Nguyên nhân do nước thải không được xử lý triệt để đã tràn qua ruộng, ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa của người dân các thôn Cầu Dài, Vạn Phú.
Cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm để có môi trường xanh bền vững
Ngày 13/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của đất nước.
Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Chiến lược thực hiện chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường như phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; thực hiện phân vùng môi trường, nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, quản lý dựa trên giấy phép môi trường; chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; ngăn chặn các tác động xấu; chủ động phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, kiểm soát các vấn đề môi trường xuyên biên giới.
Theo Báo cáo kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 -2022 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên của HĐND tỉnh đã chỉ ra một số tồn tại hạn chế về công tác quản lý, rà soát cơ sở chăn nuôi của UBND một số huyện, thành phố. Nguyên nhân do các đơn vị này chưa kịp thời hướng dẫn thực hiện hồ sơ môi trường khi thay đổi quy mô chăn nuôi.
Còn có địa phương chú trọng phát triển hoạt động chăn nuôi nhưng thiếu kiểm soát việc thực hiện quy định bảo vệ môi trường; còn trang trại không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, không đảm bảo hồ sơ, công trình bảo vệ môi trường và xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường nhưng chậm khắc phục.
Để bảo đảm phát triển đúng quy hoạch, trước hết kiến nghị các địa phương cần rà soát lại thực trạng chăn nuôi hiện có, khắc phục ngay những thiếu sót, nhất là công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Mặt khác, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết đóng cửa các trang trại không đáp ứng yêu cầu, hoặc cố tình vi phạm, để tình trạng ô nhiễm kéo dài, chậm khắc phục…
PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng; Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho rằng: “Trường hợp đã vi phạm hoặc đã bị xử phạt thì đơn vị ra quyết định phải có trách nhiệm giám sát, theo dõi các trường vi phạm. Trước tiên, phải tuyên dương đơn vị khi đã phát hiện và có quyết định xử phạt các trường hợp vi phạm, tuy nhiên sau khi xử phạt việc chấp hành cần nghiêm minh, có cần sự theo giám sát của chính quyền địa phương. Nếu đơn vị vi phạm còn tồn tại hoặc tái diễn những hành vi phạm thì cần có sự phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm minh hơn”. |