Tháo dỡ bẫy thú, cứu hộ và chăm sóc động vật rừng là những công việc mà lực lượng bảo vệ rừng 2 vườn quốc gia đang triển khai để bảo tồn nguồn gen quý.
Tháo dỡ bẫy thú
2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum có độ che phủ rừng cao, hệ sinh thái động, thực vật rừng đa dạng. Đặc biệt, tại các khu rừng nằm ở lâm phần quản lý của Vườn Quốc gia Konkakinh (Gia Lai) và Vườn Quốc gia Chưmomray (tỉnh Kon Tum), nơi đây có nhiều loại động vật quý hiếm sinh sống. Do đó, chúng trở thành miếng mồi ngon cho kẻ gian tìm cách bẫy, bắt. Thực tế nhiều năm qua, người dân đã len lỏi vào các cánh rừng bẫy thú, còn lực lượng bảo vệ rừng thì dốc sức ngăn chặn tình trạng này.
Vườn Quốc gia Chưmomray nằm tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Tại đây, rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, điệp trùng những cây cây cổ thụ mọc san sát bên nhau. Trên cây, từng đàn khỉ nhảy nhót vui đùa. Dưới dòng suối chảy róc rách, một đàn lợn rừng đua nhau uống nước. Thấy người lạ, đàn lợn lẩn mình vào đám cây bụi trước khi biến mất dạng.
Một tổ bảo vệ rừng của Trạm Bảo vệ rừng Bar Gook (Vườn Quốc gia Chưmomray) đang đi tuần tra giữa rừng. Gương mặt các anh tràn ngập mồ hôi vì nắng nóng. Các anh ngồi bên vệ đường, chia nhau từng chai nước mát lành rồi uống để tiếp sức.
Anh Lê Văn Nghĩa, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Bar Gook cho biết, trạm có 5 cán bộ, được giao quản lý 5.139ha rừng. Thời điểm này, để tăng cường bảo vệ rừng khỏi cháy và ngăn chặn người dân bẫy thú rừng, cán bộ trạm phải ngày đêm băng rừng tuần tra. Cứ sáng sớm, anh em mang theo nước, thức ăn rồi đi kiểm tra tại những khu vực có nguy cơ bị đặt bẫy để tháo gỡ, giải cứu động vật. Riêng chuyến đi gần nhất, trạm tháo gỡ được 4 dây bẫy.
“Rừng ở đây được bảo vệ tốt nên có nhiều động vật sinh sống. Xác định bảo vệ gen động vật quý là nhiệm vụ phải thực hiện thường xuyên, liên tục, chúng tôi đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Ngoài việc tháo gỡ bẫy thú do dân lén lút đặt bẫy, chúng tôi còn tiến hành tuyên truyền để dân biết việc săn bắt thú rừng là không đúng quy định để họ từ bỏ. Nhờ đó, ý thức người dân được tăng lên, số lượng bẫy thú và phương thức bẫy cũng giảm hẳn”, anh Nghĩa cho biết.
Cũng theo anh Nghĩa thì cao điểm 3 tháng năm 2022, trạm thu gỡ được 177 bẫy thú lớn nhỏ các loại thì 3 tháng đầu năm 2024, chỉ thu được 57 bẫy dây nhỏ. Riêng các loại bẫy dùng để bắt các loại thú lớn đã không còn. Điều này chứng tỏ ý thức của dân đã thay đổi. Đây là điều rất đáng mừng.
Cũng theo anh Nghĩa, điều hạnh phúc nhất khi tháo dỡ bẫy thú là được chính tay cứu hộ, thả động vật về tự nhiên. “Mình có lần đi dỡ bẫy, phát hiện 1 chú khỉ đuôi lợn bị mắc bẫy. Qua nhìn nhận, cá thể khỉ này bị mắc bẫy được hai ngày. Gặp chúng tôi, cá thể khỉ đứng yên, đưa ánh mắt nhìn như muốn cầu cứu. Anh em tháo bẫy rồi thả cho khỉ về. Khi thoát khỏi bẫy, cá thể khỉ đuôi lợn vẫy đuôi rồi nhảy lên cây rừng cổ thụ. Nhìn cá thể động vật được an toàn, về sinh sống tự nhiên, bầy đàn, trong lòng chúng tôi vô cùng hạnh phúc”, anh Nghĩa nói.
Theo ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Vườn Quốc gia Chưmomray, từ năm 2019 đến tháng 3/2024, lực lượng bảo vệ rừng của vườn đã tuần tra, tháo gỡ 30.876 bẫy thú các loại. Nhờ đó, các loài thú được bảo vệ tốt.
Tại Vườn Quốc gia Konkakinh, tháo gỡ bẫy thú là công việc triển khai thường xuyên, liên tục. Theo ông Ngô Văn Thắng, giám đốc vườn, năm 2023, trong các đợt tuần tra, các trạm bảo vệ rừng đã tạm giữ 6 súng cồn tự chế, 1.053 bẫy các loại và phá bỏ nhiều đường bẫy trong rừng.
Ông Ngô Văn Thắng, Giám đốc Vườn Quốc gia Konkakinh: “Trong năm 2024, đơn vị sẽ chú trọng công tác tuần tra, truy quét kết hợp tháo dỡ bẫy. Đồng thời, tuyên truyền người dân không thực hiện hành vi săn bắt, nuôi nhốt các loài động vật hoang dã, quý hiếm, giúp bảo vệ đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Konkakinh”. |
Địa điểm tiếp nhận cứu hộ
Tại 2 vườn quốc gia nói trên, các đơn vị này đều đã xây dựng được trung tâm cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã. Trung tâm này có nhiệm vụ tiếp nhận động vật được giải cứu trong các chuyến tuần tra, tháo gỡ bẫy thú hoặc động vật của dân nuôi nhốt trái phép, tang vật các vụ án… Khi tiếp nhận, trung tâm sẽ cử cán bộ có chuyên môn thú y chăm sóc, điều trị. Khi các cá thể này khỏe mạnh, chúng sẽ được thả về tự nhiên để tái hòa nhập cộng đồng.
Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch sinh thái (Vườn Quốc gia Chưmomray) nằm lọt thỏm giữa những vạt cây cổ thụ to lớn. Trung tâm đầu tư các chuồng nuôi nhốt động vật riêng, đầy đủ tiện nghi và phân chia theo các khu. Thời điểm có mặt, các khu nuôi nhốt được dọn dẹp sạch sẽ, sẵn sàng tiếp nhận động vật cứu hộ.
Chị Trần Ánh Nguyệt, cán bộ trung tâm cho biết, những năm qua, trung tâm tiếp nhận rất nhiều động vật hoang dã là tang vật các vụ án chuyển về đây chăm sóc cứu hộ. Khi tiếp nhận, trung tâm chăm sóc kỹ lượng rồi thả về tự nhiên. Vừa qua, số lượng động vật cứu hộ đã được chăm sóc khỏe mạnh nên trung tâm đã thả hết về tự nhiên. Trong thời gian chờ tiếp nhận, cán bộ trung tâm nghiên cứu thêm các tài liệu chăm sóc động vật để phục vụ việc chăm sóc, cứu hộ.
Theo ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Vườn Quốc gia Chưmomray, trong 6 năm qua, trung tâm đã tiếp nhận cứu hộ 344 cá thể động vật. Trong đó, 18 cá thể đủ điều kiện thả về tự nhiên, phần lớn số còn lại đơn vị bàn giao cho đơn vị cứu hộ khác tiếp tục chăm sóc.
“Để nâng cao kỹ năng chăm sóc động vật rừng, vườn đã tuyển dụng nhiều cán bộ chuyên ngành thú y có chuyên môn cao; thường xuyên cử cán bộ đi tập huấn cứu hộ. Nhờ đó, các động vật rừng khi chuyển về trung tâm đều được chăm sóc khỏe mạnh nên khi thả về tự nhiên, các loại thú rừng đều sinh trưởng, phát triển tốt, từ đó làm đa dạng nguồn gen quý”, ông Thủy nói và cho biết, trong thời gian tới, trung tâm sẵn sàng tiếp nhận động vật hoang dã từ các nơi về chăm sóc.
Tương tự, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Konkakinh cũng là địa chỉ đỏ về cứu hộ động vật. Đơn cử như năm 2023, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã tiếp nhận và tái thả về tự nhiên 61 cá thể lợn rừng, rùa răng, mèo rừng, rùa núi viền, rùa núi vàng, rùa đất lớn, cu li nhỏ, kỳ đà hoa, kỳ đà vân, khỉ đuôi dài, khỉ vàng, khỉ đuôi lợn…
Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, một trong những điểm nổi bật trong công tác cứu hộ năm 2023 đó là việc đơn vị phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi di dời đàn khỉ vàng 8 con từ đảo Hòn Trà (Quảng Ngãi) về vườn chăm sóc. Sau khi chăm sóc khỏe mạnh, vào tháng 10/2023, trung tâm đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi thả 8 cá thể khỉ vàng trên về khu rừng ở khoảnh 5, tiểu khu 432 (thuộc huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, do vườn quản lý), nhằm tạo điều kiện cho đàn khỉ tiếp tục được sống trong môi trường tự nhiên, hạn chế giao phối cận huyết.
Ông Dương Quang Phục, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum): “Thời gian quan, Vườn Quốc gia Chưmomray đã làm tốt công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã. Việc này đã giúp bảo vệ được nguồn gen các loài động vật quý hiếm. Đây là việc làm rất đáng được biểu dương”. |