Chủ đầu tư dự án thủy điện Tr’Hy ngang nhiên chặt phá, san ủi hơn 2,2 ha rừng tự nhiên khi chưa được Thủ tướng cho phép.
Ngày 1-3, ông Nguyễn Văn Lượm – Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam – cho biết Hạt Kiểm lâm huyện Tây Giang đã khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an huyện để tiếp tục điều tra vụ san ủi, chặt hạ rừng tự nhiên để thực hiện dự án đường dây 110 KV của thủy điện Tr’Hy (huyện Tây Giang).
Dự án này – công suất 30 MW tại xã Tr’Hy, huyện Tây Giang – được UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2007, do Công ty CP Tài chính và Phát triển Năng lượng làm chủ đầu tư. Năm 2009, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất thỏa thuận phương án tuyến. Trong đó, đường dây 110 KV đấu nối vào điện lưới quốc gia (giai đoạn 1) đã hoàn thành năm 2017. Giai đoạn 2 dài hơn 29,9 km, đi qua huyện Đông Giang và Tây Giang. Theo tính toán, dự án ảnh hưởng đến 2.160 m2 rừng tự nhiên, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Dù chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và Thủ tướng chưa phê duyệt quyết định nhưng từ năm 2019, đơn vị thi công đã san ủi đường, phá rừng, chặt hạ cây dưới hành lang tuyến để thi công các móng trụ, kéo đường dây diện. Nơi nào đường dây điện đi qua, nơi đó rừng tự nhiên ngã xuống bởi phương tiện cơ giới. Nhiều khu vực cây gỗ có đường kính 30 – 40 cm bị đốn hạ nằm ngổn ngang.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, chủ đầu tư đã tự ý thi công san ủi các móng trụ, mở đường và chặt hạ cây rừng dưới hành lang tuyến, làm thiệt hại 2,2492 ha rừng tự nhiên (gấp 11 lần so với tính toán ban đầu chỉ ảnh hưởng 2.160 m2), khối lượng gỗ thiệt hại còn tại hiện trường là 113,294 m3/395 cây. Trong đó, chủ yếu tại huyện Tây Giang với diện tích 2,2257 ha rừng tự nhiên, huyện Đông Giang 0,0235 ha.
Riêng tại huyện Tây Giang, chủ đầu tư thủy điện Tr’Hy đã thi công toàn bộ 49 móng trụ. Điều đáng nói, việc thi công các móng trụ diễn ra từ năm 2019 đến nay, có nghĩa rừng đã bị phá trong thời gian rất dài nhưng chính quyền địa phương không biết. Mãi đến tháng 9-2023, các ngành chức năng huyện Tây Giang mới kiểm tra, xác minh vụ việc.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang, khẳng định không làm ngơ, tiếp tay cho việc phá rừng để làm đường dây điện. Ông Sinh thừa nhận có trách nhiệm của đơn vị nhưng đổ lỗi cho dịch COVID-19 và “rừng rộng, lực lượng mỏng”; nhiều diện tích đã giao khoán cho cộng đồng địa phương bảo vệ nhưng do họ không báo nên đơn vị không biết rừng bị phá.
Trong khi đó, anh Zơ Đel Búi – thành viên Tổ Bảo vệ rừng cộng đồng thôn A Ró, xã Lăng, huyện Tây Giang – kể tháng 6-2023, nhóm anh tuần tra, phát hiện 5 người lạ dựng lán trại, đem phương tiện cơ giới vào phá rừng. Những người này nói là công nhân thi công thủy điện và khẳng định đã được cơ quan chức năng cho phép phá rừng để làm trụ điện. Dù tổ bảo vệ cộng đồng phản ứng, rào đường nhưng khoảng 1 tháng sau, một khoảnh rừng bị chặt hạ, 2 trụ điện mọc lên.
Ngày 10-1, ông Đinh Quốc Quyền – Tổng Giám đốc Công ty CP Tài chính và Phát triển Năng lượng – có văn bản gửi UBND huyện Tây Giang, cho biết hầu hết các hạng mục của dự án đã hoàn thành, chỉ còn đường dây 110 KV (giai đoạn 2) hoàn thiện là đủ điều kiện đấu nối thủy điện Tr’Hy vào lưới điện quốc gia. Ông thừa nhận trong quá trình thi công đường dây 110 KV (giai đoạn 2), đơn vị đã “tác động” vào 1,79 ha rừng tự nhiên khi chưa được phép. Công ty cam kết với huyện Tây Giang sẽ trồng rừng khắc phục hậu quả với diện tích 5,37 ha và xin “được xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp”.
“Chủ đầu tư có văn bản xin gửi kinh phí cam kết khắc phục hậu quả. Quan điểm của huyện Tây Giang là ưu tiên khắc phục hậu quả nhưng phải điều tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định, sai đến đâu xử lý đến đó, không phải khắc phục hậu quả là xong mà còn phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý” – ông Lượm nói.