Nhức nhối nạn buôn bán thú rừng: Lỗ hổng quản lý (Bài 2)

Nhiều lỗ hổng trong quản lý khiến việc buôn bán thú rừng trái phép ở vùng biên Quảng Trị diễn biến phức tạp. Đâu là giải pháp ngăn chặn vấn nạn này?

Trụ sở Đội Kiểm soát Hải Quan thuộc Cục Hải quan Quảng Trị nằm đối diện với điểm buôn bán thú rừng trái phép của bà Mai Hoa. Ảnh: NPV.

Phối hợp chưa chặt chẽ?

Để làm rõ vấn nạn buôn bán thú rừng trái phép, ngay sau khi kết thúc quá trình điều tra, ghi nhận thực tế với một kho tư liệu trong tay, nhóm phóng viên liên hệ lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi được giới thiệu làm việc với người đứng đầu của Đội Kiểm soát Hải quan đóng tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa.

Nhức nhối nạn buôn bán thú rừng: Tiếp cận các “đầu nậu” (Bài 1)

Nhức nhối nạn buôn bán thú rừng: Lỗ hổng quản lý (Bài 2)

Theo báo cáo của Đội Kiểm soát Hải quan cung cấp, từ tháng 5/2022 (sau thời điểm Chính phủ Lào mở cửa hoàn toàn trở lại tại các cửa khẩu biên giới đường bộ giáp Việt Nam) đến nay, tại địa bàn Đội Kiểm soát Hải quan phụ trách kiểm soát nói riêng cũng như các đơn vị trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị phụ trách kiểm soát nói chung không ghi nhận các vụ việc liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã.

Ông Bùi Văn Duẩn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa cũng khẳng định, thời gian trên không phát hiện vụ việc nào liên quan đến hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì chúng tôi ghi nhận trong quá trình điều tra, tìm hiểu nạn buôn bán thú rừng trái phép tại huyện Hướng Hóa. Đặc biệt, điểm bán hàng rừng bất hợp pháp của “bà trùm” Mai Hoa như đã đề cập ở bài viết đầu tiên nằm ở vị trí chỉ cách Đội Kiểm soát Hải quan tỉnh Quảng Trị khoảng 300m; cách trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa chừng 1,5km. Hoạt động rao bán các mặt hàng rừng của bà Mai Hoa diễn công khai. Câu hỏi đặt ra là vì sao lực lượng chức năng lại không hay biết sự việc này?

Hình ảnh các cá thể thú rừng được “bà trùm” Mai hoa rao bán sau khi đã làm thịt, phần lớn đã cạo sạch lông. Ảnh: NPV.

Đáng nói hơn, dù không phát sinh thêm các vụ việc liên quan đến hoạt động buôn bán thú rừng trái phép nhưng báo cáo của Đội Kiểm soát Hải quan tỉnh Quảng Trị và Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa cũng đề cập tới một số phương thức thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng. Theo đó, động vật hoang dã, sản phẩm động vật hoang dã thường được trà trộn, cất giấu trong hàng hóa nhập khẩu và các phương tiện vận tải hành khách, phương tiện vận tải phi thương mại qua lại cửa khẩu. Cư dân biên giới hàng ngày qua lại cửa khẩu cũng lợi dụng thời điểm đông phương tiện, hành khách và sự sơ hở của lực lượng chức năng để vận chuyển hàng rừng qua cửa khẩu.

Còn báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị lại khẳng định tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới cũng như vận chuyển hàng cấm ở trên địa bàn tỉnh này vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức.

Nguyên nhân, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị là bởi nhu cầu về sử dụng ở nội địa cũng như lợi nhuận thu được trong việc buôn bán động vật rừng nói riêng rất cao. Điều này khiến một số đầu nậu ngoài địa bàn cấu kết với người dân địa phương để tổ chức bẫy bắt thú rừng tại các khu rừng tự nhiên. Do đó, việc mua bán và vận chuyển trái phép động vật rừng trên các tuyến đường nội địa vẫn còn xảy ra.

Các mặt hàng được “bà trùm” Mai Hoa giới thiệu gồm: Cầy hương, kỳ đà vân, mèo rừng, chồn, dúi, mèo rừng, hoẵng, nai rừng, lợn rừng và tê tê. Ảnh: NPV.

Mặt khác, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 35 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB và động vật rừng thông thường với 14 loài. Tuy nhiên, động vật rừng gây nuôi và động vật rừng từ tự nhiên rất khó phân biệt. Vì vậy, có tình trạng một số cơ sở lợi dụng để trà trộn động vật rừng có nguồn gốc trái phép từ tự nhiên vào động vật rừng gây nuôi để mua, bán, kinh doanh trái phép. Đây là những khó khăn, thách thức đối với lực lượng chức năng hiện nay.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cũng thừa nhận công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn nói chung và tại các khu vực biên giới trong việc đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về động vật rừng (động vật hoang dã) đến nay vẫn chưa chặt chẽ.

Cần quyết liệt ngăn chặn

Trước thực tế trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh việc đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép trên địa bàn nói chung và khu vực biên giới với nước bạn Lào là quan trọng và hết sức cần thiết.

Theo đó, để kiểm soát, ngăn chặn hoạt động buôn bán động vật hoang dã, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị sẽ xây dựng quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa tỉnh Quảng Trị với các tỉnh Savanakhet, Saravane (Lào) và tăng cường công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ cũng như kiểm soát, chống mua, bán, săn bắt, vận chuyển động vật hoang dã trên tuyến biên giới nói chung.

Các cá thể chim sống được rao bán phổ biến ở khu vực huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: NPV.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị sẽ phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hải quan và các cơ quan liên quan khác của các tỉnh Savanakhet và Saravane về tăng cường công tác phòng, chống nạn mua, bán, săn bắt, vận chuyển động vật hoang dã ở các cửa khẩu cũng như các đường mòn, lối mở thuộc vùng biên giới.

Đội Kiểm soát Hải quan tỉnh Quảng Trị cũng nhấn mạnh thời gian tới sẽ tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo cũng như kế hoạch của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị và Ban chỉ đạo 389 tỉnh về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói chung và đối với động vật hoang dã, sản phẩm động vật hoang dã nói riêng trên các tuyến biên giới và địa bàn nội địa.

Dưới góc nhìn của phóng viên qua thực tế điều tra, tìm hiểu, chúng tôi cho rằng đã đến lúc cần phải có những giải pháp đồng bộ với những cái “bắt tay” trách nhiệm của tất cả các bên có liên quan để ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn bán động vật hoang dã. Muốn vậy, cần có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng (đặc biệt là lực lượng hải quan, kiểm lâm) của tỉnh Quảng Trị; sự phối hợp với các tỉnh giáp ranh biên của Lào. Điều quan trọng nhất đó chính là nhận thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng các sản phẩm từ thịt thú rừng. Chỉ khi nhu cầu không còn thì mới giải quyết được tận gốc vấn nạn buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã.

Đồng tình quan điểm trên, ông Đỗ Quang Tùng, Trưởng ban Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết gần đây nhất, ngày 17/8/2023, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 61-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Kết luận trên yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm về quản lý, bảo vệ rừng, trong đó có cả công tác đấu tranh với nạn buôn bán, vận chuyển, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật. Kết luận cũng chỉ ra những hạn chế trong thời gian vừa qua là do chưa nhận thức được tầm quan trọng của rừng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ.

Thú rừng vẫn tiếp tục bị giết thịt không thương tiếc. Ảnh: NPV.

“Có thể nói, Kết luận số 61-KL/TW là văn bản chỉ đạo cao nhất của Đảng về lĩnh vực này. Vì vậy, trước mắt các ngành, các cấp cần tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả chỉ đạo này. Cùng với nỗ lực của các bên có liên quan, chúng tôi tin rằng sự chung tay của báo chí truyền thông, sẽ giải quyết được gốc rễ vấn đề với khởi đầu từ nhận thức của mỗi lãnh đạo, mỗi người dân,” ông Tùng nói.

Ngày 9/1/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có Văn bản số 122/BTNMT-BTĐD đề nghị các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đẩy mạnh thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã. Các cơ quan thực thi pháp luật (bao gồm kiểm lâm, kiểm ngư, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, cảnh sát biển, công an) cần tăng cường công tác phối hợp liên ngành. Lực lượng chức năng phải  tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã, các tuyến vận chuyển hàng hóa trọng điểm, đầu nậu về săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài động vật hoang dã, chim di cư; ngăn chặn các hành vi săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Được biết, ngày 21/11/2023, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với “bà trùm” Mai Hoa (tên nhân vật trong bài đã được thay đổi” số tiền 3 triệu đồng về hành vi mua lâm sản trái pháp luật và tịch thu tang vật là 16,8 kg thịt lợn rừng.