Ngày 18/1, tại Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức cuộc họp cập nhật tiến trình chứng nhận Danh lục xanh tại Việt Nam.
Đây là chương trình hoạt động trong khuôn khổ hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Danh lục xanh IUCN là một bộ tiêu chuẩn toàn cầu về bảo tồn thành công của các Khu bảo vệ và Bảo tồn, cung cấp thước đo thành công trong bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
Tiêu chuẩn Danh lục Xanh IUCN gồm bốn hợp phần: Quản trị tốt, thiết kế và lập kế hoạch tốt, quản lý hiệu quả và kết quả bảo tồn thành công. Có 17 tiêu chí với 50 chỉ số bao trùm cả bốn hợp phần.
Kể từ khi tiêu chuẩn Danh lục xanh IUCN được khởi động tại Hội nghị Bảo tồn Thế giới IUCN 2016 đến cuối năm 2023, hơn 60 quốc gia tham gia vào cộng đồng Danh lục Xanh IUCN; 77 khu Khu bảo vệ và bảo tồn ở 18 quốc gia trên thế giới đã được chứng nhận Danh lục Xanh.
Ở châu Á, có 31 Khu bảo tồn đã được chứng nhận danh hiệu Danh lục xanh tại 10 quốc gia, bao gồm: Bhutan, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Pakistan, Hàn Quốc và Việt Nam.
Tại Việt Nam, sau quá trình đánh giá tỉ mỉ kéo dài 2 năm, vào năm 2019, Vân Long là Khu bảo tồn đầu tiên được chứng nhận Danh lục xanh. Hiện tại, có 10 khu bảo vệ và bảo tồn ở Việt Nam tham gia chương trình Danh lục xanh gồm VQG Cúc Phương, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, VQG Vũ Quang, VQG Bạch Mã, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong, VQG Sông Thanh, VQG Bidoup – Núi Bà, VQG Cát Tiên, VQG Pù Mát và VQG Côn Đảo.
Trong đó, VQG Cát Tiên hiện là khu bảo tồn đang ở bước gần nhất với giai đoạn Danh lục xanh. Vườn QG Cát Tiên có tổng diện tích hơn 82.000ha thuộc địa phận 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước. Là một quá trình xuyên suốt lâu dài với nhiều thách thức, khó khăn. VQG Cát Tiên là khu bảo tồn thiên nhiên nổi bật đã thực hiện giám sát đa dạng sinh học từ đầu những năm 2000, với dữ liệu về các quần thể loài động vật quan trọng như chim, linh trưởng, hươu và cá sấu.
Tại các cuộc họp nhóm chuyên gia vào tháng 4 và tháng 9/2023, hồ sơ Cát Tiên đã được xem xét kỹ lưỡng và toàn bộ chuyên gia EAGL đều thông qua quyết định đề cử VQG Cát Tiên. Cơ quan thẩm định độc lập đã phê duyệt hồ sơ vào tháng 12/2023 và trình lên Ủy ban Danh lục xanh để đánh giá cuối cùng và trao danh hiệu Danh lục xanh trong thời gian tới.
Ông Phạm Xuân Thịnh, Giám đốc VQG Cát Tiên chia sẻ, để đạt được theo bộ tiêu chuẩn của Danh lục xanh là một quá trình lâu dài, với nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, không phải vườn quốc gia, khu bảo tồn nào cũng có thể đạt được. Khó khăn trong xây dựng hồ sơ là làm thế nào để minh chứng được sự đa dạng sinh học của vườn. Sự thay đổi đó là theo hướng làm giàu sự đa dạng sinh học phải được minh chứng cụ thể. Vườn đã cùng với các nhà khoa học trong và ngoài nước hoàn thiện hồ sơ với thời gian khá dài.
“Trong lúc chờ đợi kết quả từ Uỷ ban IUCN quốc tế, chúng tôi cam kết luôn thực hiện các biện pháp bảo tồn toàn diện và luôn nỗ lực đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt được đặt ra bởi Danh lục Xanh, với mục tiêu trở thành một trong những điển hình của các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý bền vững và bảo vệ đa dạng sinh học”, ông Phạm Xuân Thịnh cho biết thêm.
Dịp này, các chuyên gia bảo tồn thiên nhiên quốc tế và Việt Nam đã có những trao đổi quan trọng để thực hiện trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và cả cộng đồng cùng chung tay đóng góp quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rừng. Trong đó, tập trung bảo vệ các loại động, thực vật nguy cấp, quý hiếm góp phần nâng cao tính đa dạng sinh học giảm thải ô nhiêm môi trường, chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Trước đó, vào tối 17/1, các đơn vị cũng đã tổ chức tham quan, trải nghiệm ngắm thu đêm tại VQG Cát Tiên.