Kiểm soát việc nuôi, thả thú cưng (chó và mèo) và các vấn đề phúc lợi động vật đang được Việt Nam quan tâm thực hiện cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Giảm thiểu rủi ro đại dịch trong tương lai
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), số lượng động vật đồng hành tại Việt Nam (đặc biệt là chó và mèo), có xu hướng gia tăng, trở thành những người bạn thân thiết và thành viên trong gia đình.
Mặc dù động vật đồng hành (thú cưng, như chó, mèo…) có nhiều ý nghĩa tích cực đối với con người nhưng cũng có một số tác động đến sức khỏe cần được quan tâm và giải quyết, đặc biệt là bệnh dại gây chết người vẫn chưa được kiểm soát triệt để.
Theo đó, Khung đối tác Một sức khỏe (One Health Partnership) điều phối và hỗ trợ Việt Nam trong việc giải quyết các rủi ro do căn bệnh hiện tại cũng như nguy cơ lây lan của các mầm bệnh mới nổi trong tương lai.
Bác sĩ Karan Kukreja – Trưởng Chiến dịch về động vật đồng hành khu vực Đông Nam Á đánh giá cao Khung đối tác Một sức khỏe giai đoạn 2021-2025 đã được các bộ: NNPTNT, Y tế, Tài nguyên và Môi trường và 30 đối tác phát triển trong nước và quốc tế ký kết, hợp tác cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là giảm thiểu rủi ro đại dịch trong tương lai.
Nuôi, thả thú cưng và vấn đề phúc lợi vật nuôi
Sáng 25.4, phát biểu tại cuộc họp lần thứ nhất động vật đồng hành trong khuôn khổ Khung đối tác Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh lây từ động vật sang người do Bộ NNPTNT phối hợp với Tổ chức Phúc lợi động vật (FPI) đồng tổ chức, ông Vũ Thanh Liêm – Trưởng Ban Thư ký đối tác Một sức khỏe, nhấn mạnh: Cuộc họp khởi động nhóm kỹ thuật động vật đồng hành lần thứ nhất thống nhất nhiệm vụ và kế hoạch hành động, quản lý nhà nước và thực tiễn về động vật đồng hành tại Việt Nam và quốc tế, khu vực…
“Hàn Quốc, Campuchia đã có những quy định triệt để trong việc bắt nhốt, giết mổ trái phép chó mèo. Việt Nam cần học hỏi theo những tiến bộ quốc tế về phúc lợi động vật nói chung và động vật đồng hành nói riêng. Còn rất nhiều vấn đề, không chỉ là đối xử với chó mèo mà còn với cả vấn đề phúc lợi của vật nuôi trong chăn nuôi vật nuôi lấy thịt, cần áp dụng theo các quy định của pháp luật trong nước cũng như luật và tập quán quốc tế” – ông Vũ Thanh Liêm nhấn mạnh.
Ông Phạm Kim Đăng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cũng cho hay: Cần tập trung vào một số giải pháp, trong đó có vấn đề sở hữu thú cưng có trách nhiệm; quản lý động vật đồng hành thả rông. Đặc biệt, cần chú trọng vấn đề kiểm soát bệnh dại trong quản lý nhân đạo động vật đồng hành thả rông. Nạn trộm cắp chó và mèo là vấn đề gắn liền với hoạt động buôn bán thịt chó, mèo ở Việt Nam đã gây ra nhiều bức xúc, bất bình trong người dân.
“Mục tiêu kiểm soát bệnh dại của Việt Nam vào năm 2030 phụ thuộc rất nhiều vào việc quản lý nhân đạo đàn chó mèo, chiến lược tiêm phòng cho chó và mèo, cũng như một số yếu tố khác, bao gồm giáo dục cộng đồng và khả năng tiếp cận vaccine. Về các quy định liên quan đến đối xử nhân đạo đối với động vật đồng hành, hiện tại, Việt Nam không có quy định cụ thể nào đối với chó và mèo” – ông Đăng nói.
Một trong những vấn đề phúc lợi vật nuôi là được đối xử nhân đạo:
Quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, vận chuyển phù hợp với từng loài động vật; Giảm thiểu đau đớn, sợ hãi, đối xử nhân đạo với động vật trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy, phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học. Tổ chức, cá nhân nuôi động vật làm cảnh, nuôi bảo tồn đa dạng sinh học có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật đầy đủ, kịp thời theo quy định của Luật Thú y. (Điều 21 Luật Thú y 2015) |