Giải pháp nào cho bảo tồn Sếu đầu đỏ ở Vườn Quốc gia Tràm Chim?

Sếu đầu đỏ từ lâu là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung, tuy nhiên những năm gần đây số lượng cá thể Sếu đầu đỏ di cư về Vườn ngày càng suy giảm nghiêm trọng.

Sếu đầu đỏ từng xuất hiện tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp). (Ảnh: TTXVN phát)

Sếu đầu đỏ từ lâu là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung. Đây là loài sinh vật hiếm, có tên trong Sách Đỏ thế giới, đang trong tình trạng nguy cấp cần được bảo vệ.

Trong 10 năm qua, ở Campuchia và Việt Nam, quần thể Sếu đầu đỏ hoang dã đã suy giảm một cách nhanh chóng, từ 850 cá thể được ghi nhận vào năm 2010 giảm xuống chỉ còn dưới 160 cá thể được ghi nhận trong cuộc điều tra quần thể gần đây nhất vào năm 2022.

Nếu xu hướng suy giảm này tiếp tục diễn ra, quần thể Sếu đầu đỏ phương Đông hoang dã ở Campuchia và Việt Nam có thể sẽ sớm bị tuyệt chủng.

Biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim

Vườn Quốc gia Tràm Chim nằm ở hạ lưu sông Mekong và trung tâm của Đồng Tháp Mười (thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) với hơn 7.300ha, chia thành 5 phân khu chức năng từ A1 đến A5 và phân khu C (dịch vụ hành chính).

Vườn được công nhận là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới. Vườn nằm trong vùng trũng ngập sâu của Đồng Tháp Mười, có khoảng 130 loài thực vật với 6 kiểu quần xã đặc trưng gồm sen, lúa ma, cỏ năn, cỏ ống, mồm mốc và rừng tràm.

Vườn có 130 loài cá, 174 loài thực vật phiêu sinh, 110 loài động vật phiêu sinh, 23 loài động vật đáy; lưỡng cư, bò sát có 44 loài.

Đây là một trong các vùng chim có tầm quan trọng quốc tế của Việt Nam và là nơi kiếm ăn và sinh sống của 232 loài chim, trong đó có 32 loài quý hiếm; 16 loài nằm trong sách đỏ của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), trong đó có Sếu đầu đỏ – biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Sếu đầu đỏ có tên khoa học Antigone antigone, là loài chim quý hiếm thuộc Họ Sếu (Gruidae) và Bộ Gà (Gruiformes). Chúng được biết đến là loài chim cao nhất trong số các loài chim biết bay. Sếu đầu đỏ trưởng thành cao khoảng 1.5-1.8 m; sải cánh từ 2.2-2.5 m; kích thước chiều dài cơ thể 1.76m và có trọng lượng trung bình 8-10kg.

Loài chim này rất dễ dàng được nhận ra bởi hầu hết cơ thể của chúng là màu xám bạc ánh thép, khi trưởng thành thì đầu, cổ trụi lông và có một màu đỏ rất nổi bật ở vùng đầu và cổ họng. Đỉnh đầu lông màu xám. Phần lông phủ ở cánh thứ cấp màu xám và đồng thời có vằn trên cánh. Đuôi một màu xám trắng, chân và ngón chân màu đỏ sáng. Mỏ khỏe, dài và trước đỉnh đầu màu xanh sừng. Chim non có bộ lông màu sẫm hơn.

Sếu đầu đỏ gồm có 3 loại: Sếu Ấn Độ, Sếu phương Đông và Sếu Australia. Riêng loài Sếu phương Đông xuất hiện ở Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và có quần thể nhỏ nhất trong số ba loài.

Vườn Quốc gia Tràm Chim có nhiều cỏ năn kim là thức ăn của sếu đầu đỏ. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Tại Việt Nam, khi đến mùa di cư, loài Sếu đầu đỏ thường di cư từ Campuchia sang Việt Nam nhiều nhất tại Vườn quốc gia Tràm Chim, khu vực Hòn Chông thuộc huyện Kiên Lương và Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang để kiếm ăn và trú ngụ từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau rồi mới rời đi. Quãng thời gian này, vườn cũng thu hút khách du lịch đến chiêm ngưỡng, chụp hình loài chim quý hiếm.

Vào mùa khô, tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, cỏ năn kim phát triển rất tốt chính vì thế nơi đây là điểm đến lý tưởng của sếu khi di cư đến đây.

Nguy cơ cao tuyệt chủng

Với sự đa dạng sinh học, xuất hiện nhiều bãi cỏ năn, nhiều năm qua, Sếu đầu đỏ đã về Vườn Quốc gia Tràm Chim để tìm thức ăn.

Theo ghi nhận của các chuyên gia, vào mùa đông những năm 1998, Vườn Quốc gia Tràm Chim ghi nhận đàn sếu về lên tới 1.052 cá thể, ở qua mùa Xuân mới rời đi.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng Sếu đầu đỏ tìm về vườn ngày càng giảm.

Vào năm 2017, về Vườn Quốc gia Tràm Chim, ghi nhận được 9 cá thể và năm 2018-2019 ghi nhận 11 cá thể sếu. Điều này cho thấy rằng số lượng cá thể Sếu đầu đỏ đang suy giảm nghiêm trọng.

Trong 10 năm qua, ở Campuchia và Việt Nam, quần thể Sếu đầu đỏ hoang dã đã suy giảm một cách nhanh chóng, từ 850 cá thể được ghi nhận vào năm 2010 giảm xuống chỉ còn dưới 160 cá thể được ghi nhận trong cuộc điều tra quần thể gần đây nhất vào năm 2022.

Năm 2021, chỉ có 3 con Sếu đầu đỏ về Tràm Chim và từ năm 2022 đến nay, không thấy xuất hiện cá thể sếu nào tại đây.

Biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của môi trường sinh thái được cho là nguyên nhân khiến cho số lượng Sếu đầu đỏ về Vườn Quốc gia Tràm Chim giảm dần

Hiện Sếu đầu đỏ được xếp vào danh sách sắp nguy cấp trong Sách Đỏ về các loài bị đe dọa tuyệt chủng của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (Tổ chức IUCN).

Nếu xu hướng suy giảm này tiếp tục diễn ra, quần thể Sếu đầu đỏ phương Đông hoang dã ở Campuchia và Việt Nam có thể sẽ sớm bị tuyệt chủng.

Bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ

Nhằm bảo tồn loài Sếu Đầu đỏ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và Phát triển Sếu Đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032 với tổng kinh phí thực hiện dự kiến gần 185 tỷ đồng. Trong số đó, gần 56 tỷ đồng được dùng để tiếp nhận, nuôi dưỡng, nghiên cứu sinh sản và tái thả đàn sếu.

Cơ sở vật chất được xây dựng để phục vụ Dự án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Theo ông Đoàn Văn Nhanh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Tràm Chim, Đề án được chia thành 2 giai đoạn gồm: giai đoạn 2022-2028, đơn vị sẽ tiếp nhận 30 con Sếu (6 tháng tuổi) từ Thái Lan về nuôi, chăm sóc và thả về môi trường thiên nhiên; giai đoạn 2029-2032 sẽ tiếp nhận thêm 30 con Sếu (6 tháng tuổi) từ Thái Lan.

Đề án dự kiến nuôi sinh sản được khoảng 40 con Sếu từ đàn bố mẹ ban đầu; xây dựng biểu đồ phân bố sếu sinh sống bên trong và ngoài Vườn; cán bộ kỹ thuật của Vườn Quốc gia Tràm Chim có thể tự chăm sóc Sếu thành công và cho sinh sản.

Trong từng giai đoạn nhận Sếu về nuôi, Vườn Quốc gia Tràm Chim sẽ hoàn thiện cơ sở vật chất chuồng trại; phục hồi hệ sinh thái bằng cách điều tiết nước, cải tạo môi trường sinh cảnh; có 200ha lúa mô hình sản xuất sinh thái; chuyển đổi vùng trồng lúa sinh thái thành sản xuất lúa hữu cơ.

Đồng thời, đơn vị phát triển thủy sản tự nhiên bản địa dựa trên nền tảng lúa sinh thái-hữu cơ; tăng hộ tham gia du lịch sinh thái-ruộng vườn gắn liền với Sếu…

Kinh phí thực hiện Đề án còn được sử dụng để cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững; thực hiện truyền thông, tuyên truyền; đầu tư trang thiết bị cơ sở hạ tầng.

Tại buổi tọa đàm “Phát triển lúa sinh thái kết hợp bảo tồn Sếu tại Vườn Quốc gia Tràm Chim” diễn ra ngày 13/1/2024, lãnh đạo huyện Tam Nông cho biết huyện đang triển khai thực hiện Dự án “Sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim”.

Nguồn: