Sửa đổi quy định về danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư ra ngày 15/12/2021 của Bộ trưởng Công Thương quy định về danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu do Bộ quản lý.

Khai thác quặng bauxite phục vụ chế biến alumin tại Công ty Nhôm Đắk Nông. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 45/2023/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2021/TT-BCT ngày 15/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu do Bộ Công Thương quản lý.

Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 4 về danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu. Theo đó, khoáng sản xuất khẩu là khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp, đã qua quá trình chế biến, có tên trong Danh mục chủng loại và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sau đây:

Đối với khoáng sản xuất khẩu có nguồn gốc trong nước: Danh mục chủng loại và tiêu chuẩn chất lượng tương ứng tại Phụ lục 1 Thông tư này gồm: quặng titan; quặng tinh bismut; quặng tinh niken; tổng các (ôxit, hydroxit, muối) đất hiếm; quặng fluorit; bột barit; đá hoa trắng; quặng graphit; bột mica (muscovit mica); quặng tinh diatomit (bột hóa thạch silic).

Đối với khoáng sản xuất khẩu có nguồn gốc nhập khẩu: Trường hợp gia công hàng hóa (chế biến) cho thương nhân nước ngoài: chủng loại và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm sau chế biến thực hiện theo hợp đồng gia công đã ký với thương nhân nước ngoài.

Cùng đó, hợp đồng gia công tuân thủ theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý ngoại thương. Trường hợp khoáng sản đã qua chế biến từ nguồn gốc nhập khẩu ngoài trường hợp nêu trên, danh mục chủng loại và tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản tương ứng tại Phụ lục 2 Thông tư này gồm các loại quặng titan: quặng tinh ilmenit, Bột zircon, quặng tinh zircon, quặng tinh rutil, quặng tinh monazit, quặng đuôi hỗn hợp, quặng đuôi zircon và xỉ titan các loại.

Thương nhân xuất khẩu khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều này được lựa chọn Tổ chức đánh giá sự phù hợp theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, đã được sửa đổi bổ sung, bổ sung bởi Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 9/11/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành để đánh giá về chủng loại, chất lượng khoáng sản xuất khẩu.

Thương nhân có báo cáo kế hoạch thực hiện nhập khẩu, chế biến và xuất khẩu theo mẫu tại Phụ lục 3 Thông tư này gửi về Bộ Công Thương và Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Sở Công Thương) nơi thương nhận có hoạt động chế biến khoáng sản để xuất khẩu chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng mua khoáng sản với thương nhân nước ngoài.

Một góc khai trường của Công ty than Khánh Hòa – VVMI. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Thông tư cũng nêu rõ: tại Điều 5 Báo cáo xuất khẩu khoáng sản được sửa đổi như sau: Báo cáo kế hoạch xuất khẩu đối với khoáng sản xuất khẩu có nguồn gốc nhập khẩu trước khi thực hiện nhập khẩu khoáng sản để chế biến và xuất khẩu.

Thương nhân có báo cáo kế hoạch thực hiện nhập khẩu, chế biến và xuất khẩu theo mẫu tại Phụ lục 3 Thông tư này gửi về Bộ Công Thương và Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Sở Công Thương) nơi thương nhận có hoạt động chế biến khoáng sản để xuất khẩu chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng mua khoáng sản với thương nhân nước ngoài.

Về báo cáo thực hiện xuất khẩu khoáng sản, thương nhân lập báo cáo định kỳ hàng quý (khi có phát sinh xuất khẩu theo Mẫu số 01 Phụ lục 4 gửi về Bộ Công Thương (Cục Công nghiệp), Tổng cục Hải quan, Sở Công Thương nơi có thương nhân có hoạt động chế biến khoáng sản chậm nhất vào ngày 15 tháng đầu quý tiếp theo.

Sở Công Thương có hoạt động chế biến khoáng sản có nguồn gốc nhập khẩu lập báo cáo tổng hợp 6 tháng và hàng năm theo Mẫu số 02 tại Phụ lục 4 gửi về Bộ Công Thương (Cục Công nghiệp) chậm nhất vào ngày 31/7 và ngày 31/1 hàng năm. Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu báo cáo đột xuất để phục vụ quản lý, thương nhân có trách nhiệm báo cáo theo yêu cầu.

Trách nhiệm quản lý: Thông tư cũng sửa đổi Điều 6. Trách nhiệm quản lý. Theo đó, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động xuất khẩu khoáng sản, chế biến khoáng sản xuất khẩu trên địa bàn, phối hợp với Bộ Công Thương trong việc quản lý hoạt động xuất khẩu, chế biến khoáng sản.

Ngoài ra, về quản lý đối với việc xuất khẩu khoáng sản có nguồn gốc nhập khẩu, Tổng cục Hải quan phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Ủy ban Nhân dân các tỉnh có liên quan trong việc cung cấp thông tin, kiểm tra hoạt động nhập khẩu khoáng sản, chế biến và xuất khẩu khoáng sản có nguồn gốc nhập khẩu theo quy định của Thông tư này và pháp luật về quản lý ngoại thương.

Đáng lưu ý, Sở Công Thương nơi thương nhân có cơ sở chế biến đóng trên địa bàn tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc giám sát, kiểm tra tính phù hợp về thực hiện chế biến và xuất khẩu đối với khoáng sản có nguồn gốc nhập khẩu của thương nhân trên cơ sở báo cáo của thương nhân quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư này và pháp luật có liên quan đảm bảo khoáng sản chế biến, xuất khẩu có nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp, có cơ sở chế biến hoặc cơ sở thuê chế biến phù hợp với loại khoáng sản, chất lượng và tỷ lệ thu hồi sản phẩm sau chế biến và xuất khẩu.

Khai trường khai thác quặng đồng của Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Cùng đó, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân tỉnh để xử lý theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm chế độ báo cáo, gian lận thương mại, cơ sở chế biến khoáng sản không đáp ứng quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh đối với khoáng sản nhập khẩu.

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền việc chấp hành các quy định về xuất khẩu khoáng sản theo Thông tư này và quy định của pháp luật liên quan; xử lý các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu khoáng sản.

Ngoài ra, Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung các Phụ lục của Thông tư số 23/2021/TT- BCT ngày 15/12/2021. Theo đó, tại Phụ lục 1, sửa tên gọi Phụ lục 1 thành “Danh mục chủng loại và tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu có nguồn gốc trong nước.” Bên cạnh đó, sửa mã số hàng hóa cập nhật theo Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Mặt khác, bổ sung thêm hàm lượng khoáng sản đi kèm (đồng và coban) vào tiêu chuẩn chất lượng quặng tinh niken; bổ sung thêm nội dung ghi chú đối với một số khoáng sản xuất khẩu đến hết năm 2026 và được Bộ Công Thương xem xét việc xuất khẩu phù hợp với chính sách xuất khẩu khoáng sản trong từng thời kỳ theo quy định của Luật Khoáng sản.

Tại Phụ lục 2, bổ sung danh mục chủng loại và tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu có nguồn gốc nhập khẩu. Tại Phụ lục 3, bổ sung báo cáo về kế hoạch thực hiện nhập khẩu, chế biến và xuất khẩu khoáng sản có nguồn gốc nhập khẩu.

Chuyển Phụ lục 2 sang Phụ lục 4 và sửa đổi, bổ sung nội dung báo c áo định kỳ theo Mẫu số 1 và Mẫu số 2 tại Phụ lục 4 ban hành kèm Thông tư này.

Trường hợp phát sinh tranh chấp về mã số hàng hóa thuộc Danh mục chủng loại khoáng sản tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này, Bộ Tài chính là cơ quan quyết định về mã số hàng hóa của hàng hóa phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam. Trên cơ sở phân loại hàng hóa của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xem xét việc sửa đổi, bổ sung mã số hàng hóa thuộc danh mục ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/2 tới.

Nguồn: