Năm 2024, các đơn vị địa chất, khoáng sản sẽ hoàn thiện hồ sơ Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Quốc hội xem xét thông qua đồng thời đánh giá trữ lượng cát biển để khai thác phục vụ phát triển.
Để cải thiện hoạt động quản lý, khai thác và bảo vệ hiệu quả tài nguyên khoáng sản, năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung đánh giá trữ lượng cát biển để khai thác phục vụ các dự án trọng điểm đồng thời nỗ lực hoàn thiện việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được giao; quyết tâm sớm hoàn thiện hồ sơ Luật Địa chất và Khoáng sản, để trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2024.
Đó là một trong những nhiệm vụ được đưa ra tại Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam,” diễn ra chiều nay, 11/1, tại Hà Nội.
Xây dựng khung pháp lý về địa chất, khoáng sản
Thông tin thêm, ông Trần Phương – Phó Cục Khoáng sản Việt Nam cho hay thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, sự phân công của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2023, Cục Khoáng sản Việt Nam cùng với Cục Địa chất Việt Nam đã đồng chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản đồng thời xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản.
Trên cơ sở ý kiến của ban soạn thảo, tổ biên tập cùng với ý kiến của các bộ, ban, ngành, địa phương, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, ngày 22/12 vừa qua, Cục Khoáng sản Việt Nam đã hoàn thiện hồ sơ luật và báo cáo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đến ngày 28/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Nguồn vật liệu san lấp cơ bản đáp ứng đủ cho các dự án giao thông
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thông qua “cơ chế đặc thù” về cấp phép khai thác khoáng sản, khu vực phía Bắc và Tây Nguyên cơ bản đã đáp ứng đủ vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm giao thông.
Cũng trong năm 2023, thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường về triển khai thực hiện các “cơ chế đặc thù” về khai thác vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án giao thông trọng điểm, Cục Khoáng sản Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải, ủy ban nhân dân các địa phương có dự án để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.
“Cùng với đó, Cục Khoáng sản Việt Nam cũng đã tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các công văn hướng dẫn các địa phương khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp, báo cáo nguồn vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải, tham mưu Thủ tướng Chính phủ phương án điều phối cát san lấp phục vụ các dự án tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long,” ông Phương nói.
Ngoài ra, Cục Khoáng sản Việt Nam đã tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP và Nghị quyết số 47/NQ-CP liên quan đến thí điểm về tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết.
Tuy vậy, ông Phương cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại như: Công tác thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản còn gặp phải một số khó khăn do khoáng sản than không có trong Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản; theo quy định của các Quy hoạch khoáng sản, khi cấp phép phải xin ý kiến của cơ quan quản lý quy hoạch khoáng sản tương ứng.
Bên cạnh đó, công tác kiểm soát hoạt động khoáng sản mới chỉ dừng lại gián tiếp qua chế độ báo cáo định kỳ hàng năm và trực tiếp qua kiểm tra hồ sơ tại doanh nghiệp; tình hình vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trên địa bàn cả nước mặc dù có chiều hướng giảm nhưng còn diễn biến phức tạp; cơ sở dữ liệu về khoáng sản đang còn thiếu, manh mún, chưa đồng bộ, chưa được kết nối, liên thông…
Ngoài các khó khăn trên, Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam – ông Trần Mỹ Dũng cũng lưu ý trong năm 2023, nhiệm vụ đo vẽ bản đồ địa hình là một hạng mục trong công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, tuy nhiên chức năng nhiệm vụ của cục này lại không được quy định cụ thể. Thực tế này dẫn tới quá trình thực hiện có nhiều bất cập đối với các đơn vị trực thuộc, nhất là công tác giám định tư pháp.
Hoàn thiện dự án luật, nghiên cứu khai thác cát biển
Trước thực tế trên, Phó Cục Khoáng sản Việt Nam – ông Trần Phương nhấn mạnh trong năm 2024, đơn vị này sẽ tiếp tục xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các nhiệm vụ được giao hoàn thành trong năm 2024 đúng tiến độ; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để báo cáo Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản; tập trung hợp tác quốc tế trong nhiệm vụ xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản, hoàn thiện hồ sơ Luật Địa chất và Khoáng sản để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 10/2024.
Cùng với đó, Cục Khoáng sản Việt Nam cũng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác giải quyết các thủ tục hành chính về hoạt động khoáng sản; thẩm định kỹ để cấp phép đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Cục Khoáng sản Việt Nam cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ưu tiên triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu về hoạt động khoáng sản trong Dự án “Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường (giai đoạn I)” để thực hiện được mục tiêu hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên địa chất, khoáng sản, quản lý tập trung, thống nhất trước năm 2025.
Đóng góp thêm ý kiến, Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam – ông Trần Mỹ Dũng đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2024 cần bố trí kinh phí để Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam hoàn thành Chương trình xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản, để kịp thời triển khai ngay sau khi luật được Quốc hội thông qua.
Cùng với đó, Cục Địa chất Việt Nam cũng đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cấp kinh phí để thực hiện Đề án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long;” ưu tiên bố trí vốn để triển khai các đề án cấp bách đã được phê duyệt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đánh giá cao các kết quả mà các đơn vị địa chất và khoáng sản đã đạt được trong năm 2023, song ông cũng đặc biệt lưu ý hoạt động thăm dò, đánh giá trữ lượng và khai thác tài nguyên khoáng sản hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa làm tốt, chưa làm hiệu quả do thiếu công cụ và chế tài quản lý.
Do vậy, thời gian tới, bên cạnh công việc hoàn thiện thể chế chính sách, đặc biệt là hoàn thiện dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, ông Khánh đề nghị các đơn vị địa chất, khoáng sản cần tăng cường đánh giá trữ lượng địa chất khoáng sản cũng như “nhìn” được tài nguyên dưới đất, để có cơ sở cấp phép, khai thác hiệu quả.
“Muốn làm được vậy, việc quan trọng là cần phải có cơ sở dữ liệu về địa chất đồng thời siết chặt công tác quản lý, không biến mình thành thợ mà phải là ‘ông chủ’ quản lý, để phục vụ khai thác hiệu quả, không để xảy ra thất thoát,” ông Khánh nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Khánh cũng yêu các các đơn vị địa chất, khoáng sản, trong năm 2024, cần phải lưu ý tới việc tiếp tục nghiên cứu cát biển để khai thác phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các dự án trọng điểm về giao thông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định pháp luật.