Thời điểm này, Nghệ An có khá nhiều địa phương đang đồng loạt đốt thực bì sau khai thác rừng trồng. Ngoài việc gây ô nhiễm môi trường, đây còn là một trong những điều trái với quy định trong chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC).
Tràn lan đốt thực bì sau khai thác trồng keo
Đi dọc đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua xóm 3, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, thấy người dân đang đốt thực bì trên những quả đồi, khói lửa bốc cao trắng cả khu vực và các tuyến giao thông nội vùng. Một số vị trí ngọn lửa bốc quá cao, cháy lan sang cả các diện tích keo 2-3 năm tuổi.
Chủ một vườn keo ở xã Nghĩa Dũng đang đốt thực bì cho biết: Sau khi thu hoạch keo xong, theo thói quen, chúng tôi triển khai đốt thực bì để dọn sạch vườn rừng, giúp máy móc thuận tiện cho việc đào hố trồng mới. Đốt thực bì sẽ nhanh hơn, đỡ được chi phí để thuê nhân công thu dọn.
Một số người dân ở xã Nghĩa Dũng phản ánh: Khu vực này đốt thực bì để trồng keo, lửa cháy rừng rực cả ngày lẫn đêm, khói bay vào làng mạc ngột ngạt, rất khó chịu. Ngành chức năng cần phải có giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, chứ để đốt thực bì tự do thế này gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.
Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ, trên địa bàn huyện hiện có trên 28.000ha rừng keo nguyên liệu; trong năm 2023, huyện phối hợp với các ngành liên quan cấp chứng chỉ rừng (FSC) được trên 2.700 ha ở các xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Hành, Phú Sơn. Dự kiến năm 2024, huyện Tân Kỳ sẽ tiếp tục được cấp chứng chỉ trên 800 ha.
Về lâu dài, huyện muốn tăng diện tích rừng nguyên liệu được cấp chứng chỉ FSC nhằm đảm bảo đầu ra ổn định và tăng giá trị kinh tế cho cây keo. Tuy nhiên, địa bàn huyện đang còn những hạn chế là tại nhiều xã, bà con thường thực hiện phương pháp đốt thực bì để lấy mặt bằng trồng keo.
Trong khi đó, tiêu chí của việc cấp chứng chỉ FSC cấm không được đốt thảm thực vật sau thu hoạch. Huyện đang chỉ đạo các địa phương tập trung vận động, tuyên truyền người dân không đốt thực bì để trồng rừng gỗ lớn, đảm bảo các tiêu chí để được cấp chứng chỉ FSC.
Tại địa bàn huyện Yên Thành, mùa này, đi dọc các xã Tiến Thành, Hùng Thành… nhìn lên những quả đồi dễ nhận thấy bị đốt cháy đen loang lổ. Đoạn đi qua xã Tiến Thành, người dân đốt thực bì, khói đen tràn ra cả mặt đường gây khó khăn cho người dân lưu thông.
Ông Lê Văn Hồng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thành cho biết thêm: Trong năm, diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC tăng thêm 1.254,7 ha (từ 1.979,6 ha lên 3.234,4 ha, tại 6 xã: Thịnh, Đồng, Hùng, Hậu, Tây, Đại Thành). Hiện còn 5.334,27 ha ở 6 xã: Quang Thành, Minh Thành, Tiến Thành, Tân Thành , Lăng Thành, Kim Thành và Công ty Đông Bắc đã triển khai thực hiện, đang chờ thẩm định để cấp chứng chỉ FSC.
Hàng năm, địa bàn huyện Yên Thành trồng khoảng 2.000 ha rừng nguyên liệu, theo thói quen, hầu hết bà con đều thực hiện đốt xử lý thực bì để trồng rừng. Vấn đề này vừa gây ô nhiễm môi trường sống, vừa ảnh hưởng đến việc cấp chứng chỉ (FSC). Huyện đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân giảm thiểu tình trạng đốt thực bì, thực hiện phương pháp thu gom thực bì đưa đến nơi an toàn.
Muốn cấp chứng chỉ rừng FSC, cần chấm dứt đốt thực bì
Ông Nguyễn Khắc Hải – Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết thêm: Hàng năm, địa bàn Nghệ An trồng từ 16.000-18.000 ha rừng nguyên liệu, chủ yếu là cây keo, trước khi trồng rừng hầu hết bà con đều sử dụng phương pháp xử lý đốt thực bì. Việc đốt thực bì trồng rừng có nhiều tác hại, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng, phá vỡ cấu trúc đất, tiêu diệt hệ sinh vật trong lòng đất, mà còn khiến năng suất rừng trồng giảm rõ rệt, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân quanh vùng.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm cho biết: Thời gian qua, UBND tỉnh đã làm việc với các địa phương, các doanh nghiệp và các ngành để đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC). Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 26.184 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC trên tổng số 170.000 ha rừng nguyên liệu.
Tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện cấp chứng chỉ rừng, rà soát diện tích rừng trồng trên địa bàn đủ điều kiện để giới thiệu cho các doanh nghiệp triển khai cấp chứng chỉ rừng. Tuy nhiên, hiện có khá nhiều địa phương để cho người dân đốt xử lý thực bì trồng rừng, nên việc cấp chứng chỉ sẽ rất khó khăn. Bởi diện tích rừng được cấp FSC ngoài đạt các tiêu chí khắt khe như phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ việc trồng, chăm sóc đến thu hoạch; thêm vào đó, không được đốt thảm thực vật sau thu hoạch.
Phương pháp xử lý thực bì không đốt, cụ thể là thu gom thực bì bằng phương pháp thủ công và di chuyển đến nơi an toàn sẽ không gây tác hại ô nhiễm. Tuy nhiên, cái khó của phương pháp này là mất nhiều công sức, thời gian, tăng chi phí nhân công hơn nhiều lần so với đốt thực bì. Thời gian vừa qua, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không đốt xử lý thực bì, tuy nhiên vẫn còn rất khó khăn.
Với việc trồng rừng gỗ lớn hướng tới được cấp chứng chỉ FSC, gỗ nguyên liệu mới có cơ hội vươn ra thị trường thế giới và nâng cao giá trị rừng trồng. Người dân Nghệ An cần phải thay đổi thói quen đốt thực bì sau khai thác rừng. Cụ thể là phải sử dụng phương pháp xử lý phát dọn tại chỗ, có thể thu dọn lại để ủ phân hoai mục, giữ lại thảm thực vật để về lâu dài, cây keo sẽ sinh trưởng tốt hơn.
Theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su… nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này. Nếu những người trồng rừng muốn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và EU thì cần thay đổi cách thức quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác theo hướng thân thiện với môi trường.